23/03/2010 03:03 GMT+7

Loay hoay làm phim lịch sử

CÁT VŨ
CÁT VŨ

TT - Có lẽ chưa bao giờ phim truyện về đề tài lịch sử lại làm dấy lên nỗi khát khao của người làm nghề cùng sự chú ý của dư luận như thời gian gần đây, khi hàng chục đề án điện ảnh chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được khởi động.

Kỳ 1: Bức tranh mờ ảo

Hiện chỉ mới có bộ phim truyện nhựa Tây Sơn hào kiệt của Hãng phim Lý Huỳnh hoàn thành và đã lên lịch công chiếu trên mạng lưới rạp toàn quốc vào ngày 30-4-2010. Một vài phim khác đang hối hả ở khâu hậu kỳ và phần lớn còn lại vẫn nằm trên giấy.

dp0TiiFG.jpgPhóng to
Một cảnh trong phim Trần Thủ Độ - Ảnh: Nga Linh

Phim truyện nhựa ít đến ngạc nhiên

Những ồn ào vừa qua có lúc khiến ta tưởng như chuyện làm phim lịch sử trở thành hội chứng, nhưng nhìn lại mới hay suốt chiều dài nửa thế kỷ nền điện ảnh phim truyện nhựa cách mạng ra đời, không kể bộ phim thu hình vở chèo Trần Quốc Toản ra quân (tác giả Hoài Giao, đạo diễn Bạch Diệp, năm 1972) thể loại phim lịch sử do Nhà nước đầu tư vỏn vẹn chỉ có... hai phim, một có đề tài thời trung đại là “bộ đôi” Đêm hội Long Trì - Kiếp phù du và một ở giai đoạn cận đại Thủ lĩnh áo nâu.

Đêm hội Long TrìKiếp phù du (tác giả Nguyễn Huy Tưởng, Lê Phương và Hoàng Nhuận Cầm chuyển thể) tuy được chia làm hai phim nhưng là một câu chuyện liền lạc về thời kỳ chúa Trịnh Sâm và cùng do NSND - đạo diễn Hải Ninh dàn dựng.

Vào giai đoạn những năm 1989-1991 đầy khó khăn, đạo diễn Hải Ninh với tư cách giám đốc Hãng Phim truyện VN, được coi là táo bạo khi quyết định đưa vào sản xuất bộ phim lịch sử này với chi phí gấp đôi phim bình thường. Ông đã đứng trước búa rìu dư luận khi tự mình dàn dựng nhưng khi công chiếu, bộ phim đã kéo được khán giả đến rạp vì tò mò và cũng đem lại chút ít sự hào hứng.

Phim hấp dẫn với câu chuyện thuộc thâm cung bí sử, cùng với một số nhân vật xuất hiện gây ấn tượng như Trịnh Sâm (Thế Anh), Đặng Mậu Lân (Hoàng Thắng), Tuyên phi (Lê Vân), Thái phi (Hoàng Cúc)...

Bộ phim Thủ lĩnh áo nâu (đạo diễn Trần Phương) được sản xuất sau đó ít lâu, đề cập cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, đã rất thu hút dư luận khi dàn dựng vì có nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia, nhưng với bối cảnh trận địa, chiến hào sơ sài, giản đơn lồng trong một câu chuyện nhàn nhạt khiến phim nhanh chóng đi vào quên lãng.

Trong khi các hãng nhà nước làm phim lịch sử cực nhọc như vậy - 50 năm mới được hai phim, nhà sản xuất phim tư nhân Lý Huỳnh lại có đến năm bộ phim truyện nhựa về đề tài lịch sử. Đó là Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Sơn thần thủy quái, Thanh gươm để lại và sắp cho ra mắt Tây Sơn hào kiệt.

Ngạc nhiên hơn nữa, tất cả các phim đã phát hành đều có lãi. Tuy vậy, người xem đều nhận thấy rất rõ ở những bộ phim này, câu chuyện lịch sử chỉ là cái cớ làm nền cho mục đích chính của nhà sản xuất là phô diễn võ thuật, đem lại những giây phút giải trí nhẹ nhàng mà không nhằm nói lên điều gì sâu sắc.

mXq4jDEu.jpgPhóng to

Một số diễn viên tham gia phim Đường đến thành Thăng Long - Ảnh: đoàn làm phim cung cấp

Phim truyền hình vừa thiếu vừa yếu

Hoàng Lê nhất thống chí (10 tập, biên kịch Phan Chí Thành, đạo diễn Vũ Thị Trọng Liên) được xem là bộ phim lịch sử đầu tiên đồng thời là phim dài tập đầu tiên của truyền hình VN. Có lẽ vì nhiều cái “đầu tiên” nên khi phát sóng (năm 1997) bộ phim đã phải đứng trước một cơn bão phê phán nặng nề bủa vây tứ phía về chất lượng. Dư luận phần đông nhận xét truyện phim sơ sài, yếu tố lịch sử trong phim không biết chính sử hay dã sử, các nhân vật không rõ cá tính, diễn biến thiếu logic...

Sau phim này không thấy VTV có bộ phim lịch sử nào khác, nhưng ở Hãng Phim truyền hình TP.HCM (TFS), Trùng Quang tâm sử (chuyển thể từ tác phẩm của Phan Bội Châu, biên kịch Ngụy Ngữ, đạo diễn Quang Đại) phát sóng năm 2001, bộ phim lịch sử đầu tiên của hãng này, cũng không tránh khỏi sự chê bai.

Từ cảnh trí, trang phục cho đến các nhân vật trong phim đều hiện ra với chung một màu mù mờ, càng xem càng khó hiểu. Bộ phim Ngọn nến hoàng cung (45 tập, biên kịch Lê Nhị Hà, đạo diễn Quốc Hưng), phát sóng một năm sau đó (2002) tuy phần nào đáp ứng sự kỳ vọng của người xem bởi sự chỉn chu trong dàn dựng, song tính hấp dẫn vẫn chưa đồng đều, chỉ thể hiện xuất sắc ở một số tập đầu.

Nổi trội nhất trong số những phim truyền hình về đề tài này có lẽ là phim lịch sử cận đại Dưới cờ đại nghĩa dựa theo tiểu thuyết Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng (70 tập, kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Tường Phương và Lê Phương Nam). Những gì phim đem lại cho người xem thật không uổng công cực nhọc của hai đạo diễn đã miệt mài dành hết tâm sức trong suốt bảy năm, để làm nên một tác phẩm tương đối trọn vẹn giữa nội dung và hình thức.

Dù phim tạo hiệu quả thế nào với công chúng, tất cả những người dàn dựng các bộ phim trên đều không ai thấy mình... thất bại. Cũng dễ hiểu là họ đã làm với tất cả tâm sức trong điều kiện có thể, còn bộ phim như món ăn ngon hay dở là tùy khẩu vị từng người xem, ai khen thì mừng ai chê thì chịu.

Lạ hơn nữa là dù biết kinh phí thấp, dàn dựng gian khổ nhưng nếu có kịch bản, được cấp tiền, hầu hết lại sẵn sàng lên đường làm phim lịch sử. Nhưng để có thể thoát ra khỏi bức tranh mờ ảo của phim lịch sử như hiện nay, cả NSND Hải Ninh và nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đều cho rằng bên cạnh rất nhiều yếu tố như tiền bạc, phim trường, diễn viên chuyên cho loại phim này, có hai yếu tố tiên quyết là kịch bản hay và dàn dựng giỏi.

Sử Việt không thiếu những câu chuyện ly kỳ nhưng thiếu người tài để biến những sử liệu khô khan, khái quát thành những truyện phim chi tiết, hấp dẫn, cũng như hiếm thấy ai trong số các đạo diễn hiện nay đủ sức chuyển tải những trang viết lịch sử qua ngôn ngữ hình ảnh một cách sống động, thu hút người xem.

Một số phim truyện lịch sử dự tính thực hiện năm 2010 chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội:

● Long Thành cầm giả ca (phim nhựa, tác giả Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải Phóng) đang làm hậu kỳ.

Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long (phim truyền hình, hợp tác với Trung Quốc), đã thực hiện xong, chưa có lịch phát sóng.

Thái sư Trần Thủ Độ (phim truyền hình nhiều tập, đạo diễn Đào Duy Phúc), đã hoàn thành, đang tìm đầu ra.

Khát vọng Thăng Long (phim nhựa, đạo diễn Lưu Trọng Ninh) họp báo công bố dự án nhiều chục tỉ đồng nhưng chưa khởi động vì đang bị đạo diễn Đỗ Minh Tuấn khiếu nại về tác quyền.

Thái tổ Lý Công Uẩn (phim truyền hình, tác giả Thiên Phúc) đang tìm kiếm sự hợp tác với Công ty Cát Tiên Sa.

Chiếu dời đô (phim nhựa, tác giả Triệu Tuấn, Hãng Hodafilm) đang tìm kiếm tài trợ.

Về đất Thăng Long (35 tập), Anh hùng Trương Định (25 tập), Hỏa hồng Nhật Tảo, Kiếm bạt Kiên Giang (phim nhựa) đều của tác giả Phạm Thùy Nhân, đang tìm kiếm tài trợ.

Kỳ 2: Phim truyện lịch sử VN - Vì sao “đẻ” khó?

CÁT VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên