02/12/2010 06:02 GMT+7

Loay hoay di dời đại học ra ngoại thành

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Xây dựng quy hoạch hệ thống các trường ĐH, CĐ ở TP.HCM là chuyện dài nhiều tập. Chủ trương của các cấp là quy hoạch đưa các trường ra ngoại thành, song nhiều năm nay rất nhiều dự án đang còn nằm trên giấy.

gtCQm4Io.jpgPhóng to

Khu đất để xây dựng Đại học Văn Hiến tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM còn mênh mông nước - Ảnh: Minh Đức

Tại cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cùng đại diện hơn 60 trường ĐH, CĐ về vấn đề này sáng 1-12, hầu hết các trường đều đồng tình với chủ trương di dời nhưng cũng cho rằng đây là việc hết sức khó khăn, cần sự quan tâm từ Chính phủ mới thực hiện được.

Hiện nội thành TP.HCM có 69 trường ĐH, CĐ (19 trường tư thục, dân lập) với hơn 516.000 SV (hơn 361.000 SV chính quy tập trung), chiếm 16,7% tổng số trường ĐH, CĐ và 30% số sinh viên ĐH, CĐ cả nước. Những năm gần đây, quy mô đào tạo của hầu hết các trường đều tăng nhanh nhưng quỹ đất và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và đảm bảo chất lượng tăng không đáng kể.

Hiện có hơn 40 trường ĐH, CĐ ở nội thành TP.HCM có diện tích dưới 2ha, nhiều trường nhỏ đến mức có diện tích dưới 1ha.

Lực bất tòng tâm

Từ năm 2006, TP.HCM đã có chủ trương quy hoạch quỹ đất di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành nhưng hiện nay các trường cho biết họ đang gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc. PGS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, cho biết ĐH Luật TP.HCM là trường đi đầu việc này nhiều năm qua. Nhà trường đã chủ động làm quy hoạch 1/500 và công bố công khai cách đây ba năm nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch 1/2.000 nên trường không làm được gì.

Ông Ngô Hướng, hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng than vãn thủ tục xin phép xây dựng hiện nay cực kỳ phức tạp. “Trường chúng tôi đã có đất ở Q.Thủ Đức, có tiền rồi nhưng mất rất nhiều thời gian xin phép xây dựng mà vẫn chưa được. Mấy năm nay trường vẫn phải thuê cơ sở không đảm bảo yêu cầu để có chỗ dạy học” - ông Hướng phát biểu.

Rất nhiều trường kêu ca việc không được giao đất sạch, bị vướng giải phóng mặt bằng rồi thủ tục hành chính nên dù được giao đất nhiều năm thì dự án vẫn nằm trên giấy. Ông Nguyễn Mộng Hùng, hiệu trưởng ĐH Văn Hiến TP.HCM, phàn nàn: “Các trường không thể tự nhảy vào để lo chuyện đền bù giải tỏa như các doanh nghiệp được”.

Một vấn đề nữa được các trường đặt ra là có đất rồi nhưng tiền đâu để xây dựng. Ông Trương Ngọc Ẩn, phó hiệu trưởng ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Nhà trường được TP giao 40ha đất tại Q.9. Tổng kinh phí cho xây dựng cơ sở mới là 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây với UBND TP.HCM, Sở Kế hoạch - đầu tư đề xuất phương án hỗ trợ 300 tỉ đồng. Số tiền này chỉ bằng 2/3 số tiền mà trường đền bù giải phóng mặt bằng. Vậy lấy đâu kinh phí để xây dựng cơ sở mới?”.

Không muốn thanh lý cơ sở hiện tại trong nội thành

Ông Trần Duy Tạo, cục trưởng Cục Cơ sở vật chất Bộ GD-ĐT, cho rằng nếu các trường có đất mà không có tiền thì không cách nào làm được. “ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM dù được Bộ

GD-ĐT và bộ chủ quản chấp thuận bán đấu giá cơ sở hiện có tại Q.5 để xây dựng cơ sở mới ở ngoại thành nhưng trường làm ròng rã suốt ba năm vẫn không xong. Dù có đất rồi nhưng trường xin Bộ GD-ĐT hỗ trợ kinh phí thì bộ cũng bó tay”.

Về quy hoạch các khu ĐH tập trung, bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, cho hay sở đã trình UBND TP phương án lựa chọn doanh nghiệp có năng lực tài chính đầu tư xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng các khu ĐH tập trung, sau đó cho các trường thuê hoặc giao lại cho các trường.

“Các trường phải chọn mô hình tập trung hay tự di dời để các sở ngành phối hợp hỗ trợ. Hiện nay, mỗi trường bám miếng đất, chưa chắc miếng đất này phù hợp quy hoạch 1/2.000 của TP sẽ không triển khai được. Các trường phải đăng ký sớm với Sở kế hoạch - đầu tư nêu rõ nhu cầu, vị trí...” - bà Hòa nói.

Cũng theo bà Hòa, thực tế các trường đều ủng hộ việc di dời nhưng lại không muốn thanh lý cơ sở hiện tại trong nội thành. Việc này khiến các sở ngành gặp khó khăn khi thuyết phục các nhà đầu tư.

Các trường lại cho rằng những quy hoạch này phải được công khai. Vì hiện các trường phải tự mày mò tìm kiếm thông tin. Nhiều trường cho biết đã đăng ký đất nhưng nay vẫn chưa có tên.

Phải có trợ giúp của Chính phủ

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngữ, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, cho rằng nếu chỉ riêng các bộ ngành và các trường tự lo sẽ không có lối ra. Vì vậy Chính phủ phải quan tâm mới làm được. “Theo tôi, nên chăng các trường và TP.HCM nên nghĩ đến phương án đổi đất lấy hạ tầng và đề xuất Chính phủ thành lập ban quản lý các khu ĐH tập trung” - ông Ngữ đề xuất.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định bộ sẽ lắng nghe những ý kiến, đề xuất và những giải pháp “phi truyền thống”, đột phá và sáng kiến để tham mưu cho Chính phủ, chứ để các trường tự làm như lâu nay thì không bao giờ làm được.

“Xu hướng nâng cao chất lượng đào tạo với một trong những tiêu chí là quỹ đất (1ha = 1.000 sinh viên). Vì thế, trong tương lai không thể tồn tại một trường ĐH chỉ có 5.000-7.000 m2” - ông Ga nói.

* Các khu ĐH tập trung của TP.HCM dự kiến phát triển theo nhiều mô hình: đô thị ĐH, khu ĐH và cụm trường ĐH, CĐ. Theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ba khu ĐH tập trung của TP.HCM là: khu ĐH phía tây bắc (thuộc huyện Hóc Môn và Củ Chi) diện tích 660ha, đã bố trí cho các trường: ĐH Sư phạm TP.HCM (53ha), ĐH Y dược TP.HCM (115ha), ĐH Mở TP.HCM (20ha), Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (5ha) và đô thị ĐH Quốc tế VIUT (304,7ha).

* Khu ĐH phía nam (Q.7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) tổng diện tích 735ha (khu đô thị Nam TP 119,26ha, khu Hưng Long - Bình Chánh 500ha, khu Long Thới - Nhơn Đức, huyện Nhà Bè 116ha). Trong khu này sẽ có các trường ngành khoa học xã hội và nhân văn, thể dục thể thao, tài chính - kế toán, ĐH RMIT, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cảnh sát nhân dân, CĐ Tài nguyên - môi trường và ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM...

* Khu ĐH đông bắc (Q.9, Q.Thủ Đức và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tổng diện tích 815ha, trong đó khu ĐHQG TP.HCM 643,7ha, khu cù lao Long Phước 172ha (đã bố trí các trường: ĐH Luật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Tài chính - hải quan, ĐH Marketing và Trường Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM).

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên