11/04/2011 02:03 GMT+7

Loay hoay

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Già nửa tháng sau khi quy định ôtô chỉ được lưu thông một chiều trên tuyến phố Thụy Khuê (Hà Nội) mà không giải quyết được tình trạng ách tắc, cuối tuần qua Sở Giao thông vận tải Hà Nội buộc phải tổ chức lại giao thông trên tuyến phố này, cho phép ôtô chạy hai chiều (chỉ cấm xe tải, xe khách).

Sự loay hoay trong tổ chức giao thông kiểu nay cấm mai mở như thế không hiếm ở thủ đô, đôi khi khiến người tham gia giao thông không biết đâu mà lần.

Có dạo hàng loạt ngã ba, ngã tư trên địa bàn thủ đô bị bịt lại, các phương tiện giao thông không được rẽ trái mà phải đi thẳng rồi mới quay đầu đi về hướng muốn đi hoặc không được đi thẳng mà phải đi vòng. Khổ nỗi, giải pháp đó giải tỏa được ách tắc ở điểm này lại tạo thêm ách tắc ở điểm khác nên sau một thời gian, giao thông tại một số điểm giao cắt phải tổ chức lại như cũ.

Ở Hà Nội, người dân cũng đã quá quen với chuyện nay đoạn đường này hai chiều, mai bỗng dưng một chiều và ngày mốt bất chợt lại thấy hai chiều; nay ngã ba, ngã tư này được rẽ phải khi có đèn đỏ, mai đột nhiên bị cấm rẽ... Giao thông ở Hà Nội còn có “chuyện lạ” nữa là không ít tuyến đường cấm ôtô nhưng vẫn đặc cách cho các trường hợp xe vào cơ quan A, cơ quan B nào đó trong tuyến phố này.

Từ lâu, Hà Nội và TP.HCM - hai đô thị lớn nhất nước - đều rơi vào tình trạng ách tắc giao thông trầm trọng nhưng chưa có một giải pháp đồng bộ mà mới chỉ dừng lại ở những giải pháp manh mún, trong đó có không ít giải pháp thực hiện không hiệu quả buộc phải gỡ bỏ và cũng có không ít ý tưởng gây tranh cãi không có hồi kết.

Du khách đến thủ đô thường rất thích thú với việc tham quan thành phố bằng xích lô, nhưng mới đây lại xuất hiện ý tưởng hạn chế các tour du lịch trên phố cổ bằng xích lô để giảm ùn tắc giao thông.

Ở TP.HCM, ý tưởng hạn chế ôtô vào trung tâm theo biển số chẵn, lẻ vừa được đưa ra dù ý tưởng đó Hà Nội từng bàn và không đi đến quyết định cuối cùng. Rất lạ là mỗi giải pháp đưa ra đều được cơ quan chức năng giải thích là nước nọ, nước kia cũng áp dụng như vậy mà đều không biết rằng đặc thù lối sống, đặc thù giao thông của các đô thị tại VN khác xa so với các nước. Và rất ít giải pháp được tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, của người tham gia giao thông.

Hậu quả của những giải pháp giao thông manh mún là tình trạng người tham gia giao thông đôi khi buộc phải phạm luật hoặc cố tình phạm luật nếu vắng bóng cảnh sát giao thông.

Khách quan mà nói, Hà Nội và TP.HCM cũng đã cố gắng rất nhiều để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông như hàng loạt tuyến đường, tuyến phố được mở rộng; hàng loạt cầu vượt, hầm đi bộ được xây dựng. Nhưng sự đầu tư thiếu đồng bộ cùng với những giải pháp theo kiểu “ăn xổi”, “tư duy dự án”... đã không đem lại hiệu quả mong muốn. Trường hợp đại lộ Thăng Long chạy đua với thời gian, khánh thành chào mừng 1.000 năm Thăng Long cuối năm ngoái rồi mới đây phải quy định giảm tốc độ tối đa từ 100km/giờ xuống còn 80km/giờ do chất lượng chưa đảm bảo là một ví dụ điển hình.

Đáng tiếc, sự loay hoay ấy là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tác động xấu đến đời sống người dân và cản trở sự phát triển của đô thị.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên