Phóng to |
Những thông tin tiêu cực về thị trường xuất khẩu gạo đang gây hoang mang cho nông dân. Trong ảnh: thu hoạch lúa tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long chiều 9-9 - Ảnh: Chí Quốc |
Chỉ trong ít ngày vừa qua đã xuất hiện ba thông tin rất nóng về thị trường lúa gạo. Cho dù vô tình hay hữu ý, cả ba thông tin này đều có thể tác động tiêu cực đến thị trường lúa gạo vốn đang rất nóng của nước ta. Vấn đề là tính xác thực của cả ba thông tin này vẫn còn đáng ngờ, cho nên cần sớm làm sáng tỏ để hạn chế những tác động của nó.
Thứ nhất, đó là thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) về việc Thái Lan đã “đại hạ giá” gạo 100% B xuống chỉ còn 380 USD/tấn vào ngày 30-8 vừa qua, thay vì 420-430 USD trước đó. Thông tin này là rất đáng ngờ, bởi những nguồn thông tin công khai cho thấy giá gạo 100% B của Thái Lan cao hơn rất nhiều so với các mức giá đó. Chẳng hạn, theo chuyên trang thông tin lúa gạo Oryza, vào đầu tháng 8-2013 Thái Lan chào gạo 100% B với giá 465 USD/tấn và sau năm lần giảm, kết thúc tháng này ở mức 435 USD/tấn.
Hơn nữa, ngày 19-8 Bộ Thương mại Thái Lan đã mở cuộc bán đấu giá trên 200.000 tấn gạo, nhưng chỉ có sáu doanh nghiệp tham gia và bán được 30.000 tấn. Dù giá trúng thầu không công khai nhưng nguồn tin của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết giá dự thầu chỉ ở mức 12.000 -13.000 baht/tấn (383-415 USD/tấn). Như vậy, không thể nói Thái Lan đã “đại hạ giá” gạo xuất khẩu của mình, bởi đó chỉ mới là giá xuất kho, còn phải cộng thêm chi phí bốc xếp, vận chuyển, tiền lãi của doanh nghiệp và có thể cả chi phí tái chế (trong trường hợp gạo tồn kho lâu ngày).
Ngoài ra, một số báo của VN khẳng định “theo nguồn tin chính thức từ Thái Lan, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý thỏa thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong cuộc họp gần đây giữa hai bên”. Đây là thông tin không đáng tin cậy. Bởi lẽ, theo nguồn tin Văn phòng Thông tin quốc gia Thái lan (National News Bureau of Thailand - NNT), trong chuyến làm việc tại Trung Quốc, thương mại gạo là một trong những nội dung đã được thủ tướng Thái Lan trao đổi với thủ tướng nước chủ nhà.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Trung Quốc sẵn sàng mua 1 triệu tấn gạo của Thái Lan và ông đã chỉ thị các cơ quan có liên quan của Trung Quốc cùng xem xét. Như vậy, việc Trung Quốc có mua 1 triệu tấn gạo của Thái Lan hay không hãy còn ở “thì tương lai”. Hơn thế, ngay cả các hợp đồng cụ thể về việc mua bán hơn 260.000 tấn gạo đã được doanh nhân hai nước ký tại thời điểm này thì năm tháng đầu năm nay chỉ mới thực hiện được hơn 80.000 tấn. Do vậy, khả năng Thái Lan thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc ngay trong năm nay là rất mong manh.
Cũng theo thông tin từ một số báo, các doanh nghiệp Trung Quốc đã được thông báo rút hầu hết hạn ngạch nhập khẩu được cấp trước đó để tập trung tiêu thụ lúa gạo trong nước. Đây đích thị là chiêu ép giá không hơn không kém! Bởi lẽ, nhiều khả năng nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm nay sẽ tăng như dự báo của FAO và USDA do tác động kép của hai yếu tố. Đó là các tỉnh vựa lúa phía nam của Trung Quốc bị hạn nặng vào giữa năm, tiếp sau đó lại hứng chịu bão liên tiếp nên năm nay sẽ không được mùa. Chưa hết, xìcăngđan gạo nhiễm cadmium tại vựa lúa lớn nhất Trung Quốc (sản lượng lúa lớn hơn vùng ĐBSCL) khiến tiêu thụ lúa gạo ở đây bị trì trệ. Đây chắc chắn là những lý do chủ yếu khiến giá gạo tại các thành phố của Trung Quốc từ đầu năm đến nay đang cao kỷ lục.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo trong bảy tháng đầu năm nay mới đạt gần 1,5 triệu tấn, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ 2012. Như vậy, nếu dự báo của USDA là đúng, nhập khẩu của Trung Quốc từ nay tới cuối năm còn tăng mạnh. Việc các thương nhân Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu gạo của VN là điều gần như chắc chắn.
Thế nhưng, việc những thông tin quái ác nói trên tràn ngập các mặt báo chắc chắn khiến giới kinh doanh xuất khẩu gạo hoang mang, còn giá lúa của nông dân cũng đã rơi tự do. Thiết nghĩ, các nhà quản lý cần sớm xác minh tính đúng đắn của các thông tin nói trên và công bố rộng rãi để vãn hồi trật tự trên thị trường lúa gạo.
Vẫn chưa có quyết định tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-9, ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA, cho biết giá gạo 100% B của Thái Lan đưa ra ở mức 380 USD/tấn là giá bán thầu của nước này vào cuối tháng 8-2013 vừa qua chứ không phải giá xuất khẩu. Với mức giá trúng thầu như vậy, cộng với các chi phí khác, giá xuất khẩu của gạo Thái sẽ ở mức trên 400 USD/tấn. Tuy nhiên, áp lực giảm giá để bán gạo của Thái Lan là có thật và giá thật sự của họ đến nay rất khó đoán. Thời gian qua Thái Lan đã dùng nhiều cách khác nhau để tăng lượng hàng bán ra như tổ chức bán đấu giá cho các nhà xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, bán đấu giá trên sở giao dịch hàng nông sản, giao dịch theo hợp đồng chính phủ, thậm chí bán trực tiếp cho doanh nhân quốc tế nên tình hình rất khó đoán. “Thông tin Thái Lan giảm giá gạo đã tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu gạo của VN thời gian qua” - ông Bảy cho biết. Theo VFA, xuất khẩu gạo của VN đang chậm lại và chỉ có thể khôi phục tiến độ nếu nắm bắt được nhu cầu từ Indonesia và Philippines trong những tháng cuối năm. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo của VN đạt 4,678 triệu tấn với kim ngạch 2,005 tỉ USD. Dự kiến trong tháng 9 này xuất khẩu gạo VN đạt khoảng 650.000 tấn (giảm 100.000 tấn so với kế hoạch). Về đề xuất mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo vụ hè thu và thu đông, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, cho biết đến nay vẫn chưa có phản hồi từ Chính phủ. Tuy nhiên, theo nghị định 109, trường hợp giá lúa gạo trong nước xuống quá thấp sẽ tiến hành mua tạm trữ. TRẦN MẠNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận