Phóng to |
Khu vực mố cầu An Hóa (Bến Tre) được rào chắn tạm bợ để chống sạt lở - Ảnh: Mễ Thuận |
Sông Gia Hòa chia cắt địa bàn huyện Châu Thành và Bình Đại được xem là một trong những điểm “nóng” về sạt lở ở tỉnh Bến Tre khoảng chục năm qua.
Nơm nớp qua cầu
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (63 tuổi, ngụ xã Long Định, huyện Bình Đại) cho biết gia đình bà có 6 công đất (6.000m2) trồng nhãn và dừa đang trong giai đoạn thu hoạch, nhưng chỉ trong vòng ba năm đã có tới 3 công đất vườn bị sạt xuống sông.
Còn bà Phan Thị Thu Vân ở gần đó cho biết gia đình bà đã phải dời nhà tới ba lần vì sạt lở nhanh ngoài sức tưởng tượng của mọi người. “Gia đình tui đang lo lắng vì khoảng chục năm nữa sông này có thể nuốt hết 3 công đất còn lại nếu Nhà nước không có cách ngăn chặn tình trạng này” - bà Vân nói.
Khi chúng tôi hỏi chuyện người dân ở đây, hầu như ai cũng lo ngại sự an toàn của cầu An Hóa. Một số người chạy xe qua cầu bảo rất hồi hộp vì sợ cầu sập. Theo ghi nhận của chúng tôi, cầu này khá hẹp, quá mỏng manh so với dòng chảy cuồn cuộn phía dưới trụ cầu. Vài năm trước, cầu An Hóa từng có dấu hiệu nguy cấp buộc phải giảm tải trọng và gia cố trụ cầu trước sự “tấn công” dữ dội của dòng nước.
Ông Nguyễn Văn Măn, chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho biết Bộ NN&PTNT đã rót kinh phí xây dựng bờ kè dài khoảng 1km dọc hai bờ sông Gia Hòa, bảo vệ hai mố cầu An Hóa. Đến nay, công trình này mới chỉ làm xong phần kè bảo vệ trụ cầu phía xã An Hóa, huyện Châu Thành. Phần mố cầu phía huyện Bình Đại vẫn chưa xong. Hiện trụ cầu này đang được che chắn tạm bợ để ngăn dòng chảy tác động trực tiếp gây nguy hiểm cho trụ cầu. “Với tình trạng sạt lở quá nhanh như hiện nay, tỉnh cũng không có khả năng làm kè bảo vệ vì vốn rất lớn. Hiện Nhà nước chỉ mới có chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng cho người dân mất nhà do sạt lở” - ông Măn nói.
Theo Đoạn quản lý đường sông số 11 (Bộ GTVT), tình trạng sạt lở kênh Gia Hòa diễn ra nghiêm trọng trong phạm vi khoảng 3,5km, từ khu vực ngã tư giao với sông Ba Lai kéo dài đến khu vực cầu An Hóa.
Bệnh viện chạy sạt lở
Bệnh viện Đa khoa cù lao Minh ở xã Đa Phước Hội (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) hiện đang là tâm điểm của nạn sạt lở. Tình trạng nghiêm trọng đến mức một số công trình phụ như nhà chứa máy phát điện của bệnh viện phải ngưng hoạt động khi toàn bộ phần móng phía sau ngôi nhà đã bị xâm thực.
Bác sĩ Ngô Văn Sàn, trưởng phòng tổ chức hành chính bệnh viện, cho biết trước đây bệnh viện có hệ thống tường rào bêtông kiên cố nhưng khoảng hai năm nay dãy tường rào này đã bị sụp xuống sông. “Bệnh viện phải dựng tạm hàng rào bằng tôn để chống trộm đột nhập nhưng cách này cũng không đảm bảo vì bảo vệ bệnh viện ở phía trước không thể coi xuể phía bờ sông” - ông Sàn nói.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bến Tre, cũng vì sạt lở mà một số hạng mục công trình nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa cù lao Minh đã phải tạm ngưng triển khai. Các dự án này buộc phải di dời đến chỗ khác an toàn hơn.
Theo ban quản lý dự án Sở NN&PTNT Bến Tre, kênh Gia Hòa sạt lở đang đe dọa trực tiếp cuộc sống của 22 hộ dân. Công trình xây dựng tuyến kè bảo vệ khu vực chân cầu An Hóa kéo dài 785m phía xã Long Định, huyện Bình Đại, với kinh phí 36 tỉ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ khởi công vào tháng 3 sau khi hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng, nhưng hiện nay địa phương vẫn đang chờ rót vốn.
Còn công trình kè bảo vệ Bệnh viện Đa khoa cù lao Minh dài 250m, nằm trên khu vực ngã ba giữa sông Mỏ Cày và kênh Ngang đã được Bộ NN&PTNT thông qua từ năm 2011 với kinh phí 37 tỉ đồng. Tuy nhiên, trước sự chậm trễ rót vốn từ bộ, tỉnh Bến Tre phải chủ động ứng vốn từ nguồn khác để có thể khởi công dự án này từ quý 2 năm nay.
Kênh Chợ Gạo “nuốt” hết đường lẫn nhà dân Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, tuyến kênh Chợ Gạo (tuyến đường thủy độc đạo từ TP.HCM-ĐBSCL) hiện cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở kéo dài từ ngã ba Rạch Tràm đến ngã ba Rạch Bà Lọ, thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đã có hàng chục nhà dân và đường giao thông cặp kênh rơi xuống sông. Dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đã được Bộ GTVT thông qua từ năm 2009. Đến tháng 8-2011, Bộ GTVT đã có quyết định về việc phân kỳ đầu tư dự án này, trong đó có việc đầu tư xây dựng kè hai bờ kênh Chợ Gạo. Tuy nhiên, đến nay kinh phí giải phóng mặt bằng vẫn chưa có nên ngày 17-2 Sở GTVT Tiền Giang đã có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án đường thủy nội địa phía Nam sớm có kế hoạch chi vốn cho công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai dự án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận