19/11/2015 10:18 GMT+7

​Lo người bệnh gặp “thảm họa do chi phí y tế cao”

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, giá thuốc biệt dược, thuốc độc quyền không do quỹ BHYT chi trả hiện rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: Q.H

Sáng nay 19-11, Quốc hội nghe các tờ trình về dự án Luật được (sửa đổi).

Về quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Luật dược hiện hành quy định việc kê khai và kê khai lại giá thuốc phải “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam”.

Mặc dù Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương nhưng vẫn không thể xác định các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam.

Việc tham khảo giá thuốc tại các nước cũng không có ý nghĩa đối với những mặt hàng cung ứng cho thị trường Việt Nam nhưng không bán tại các nước tham khảo.

Khó công bố giá thuốc định kỳ

Bộ trưởng Tiến cũng báo cáo Quốc hội quy định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả” chưa thực hiện được, vì giá thuốc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu và giá thuốc quốc tế.

Hơn nữa, số lượng thuốc sản xuất, lưu hành tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với gần 1.000 hoạt chất.

Mỗi hoạt chất có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng nêu trên là không khả thi.

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc xác định cơ sở xây dựng giá tối đa vì một hoạt chất có nhiều thuốc, nếu công bố giá tối đa theo giá thuốc thấp nhất thì các thuốc cùng hoạt chất giá cao hơn sẽ không cung ứng dẫn đến việc không bảo đảm có đủ thuốc.

Nhưng nếu công bố giá tối đa của thuốc theo giá cao nhất thì các thuốc cùng hoạt chất có giá thấp sẽ tăng theo.

Ngoài ra, hiện đã có một số luật liên quan mới được ban hành như Luật giá năm 2012 (có các điều khoản riêng quy định về giá thuốc), Luật đấu thầu năm 2013 (có một chương riêng về đấu thầu thuốc)...

Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định về quản lý giá thuốc trong Luật dược với các luật hiện hành, Luật dược cần sửa đổi.

Nhà nước chỉ can thiệp giá thuốc thiết yếu

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật dược (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết dự thảo quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch. 

Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng các quy định về giá thuốc của dự thảo Luật cần quan tâm thêm một số vấn đề.

Đầu tiên, thuốc do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả (chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

Trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ khám chữa bệnh không do quỹ BHYT chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá.

Do vậy, cần phải có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh đối với các loại thuốc gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao” (Người bệnh phải chi hàng triệu, thậm chí mấy hàng chục triệu đồng cho một đợt điều trị).

Uỷ ban về các vấn đề xã hội cũng đề cập đến tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi.

Cần xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân.

Mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD/năm cho tiền thuốc

Qua 10 năm thi hành Luật dược, hiện nay thị trường thuốc ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% tổng số thuốc.

Theo số liệu thống kê, năm 2014, bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD cho tiền thuốc và 50% số tiền này dùng để mua thuốc ngoại nhập (chủ yếu giá cao).

Tuy có trên 180 nhà máy sản xuất thuốc tân dược/dược liệu, trong đó có trên 150 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), nhưng đa số nhà máy quy mô sản xuất nhỏ và chủ yếu sản xuất thuốc gốc rẻ tiền. Ngành công nghiệp dược chưa được hưởng ưu đãi đặc biệt (về thuế, đất, vốn).

Trong khi đó, nguồn dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, kể cả các dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt nhưng lại chưa có chính sách phù hợp nên chủ yếu dân tự khai thác bán ra nước ngoài.

Nguồn: Báo cáo của Uỷ ban về các vấn đề xã hội

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên