Tăng trưởng kinh tế yếu hơn hẳn các năm trước
Phóng to |
Các đại biểu trao đổi bền lề hội nghị - Ảnh: Lê Kiên |
Diễn đàn do chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chủ trì đã quy tụ rất nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành trên cả nước diễn ra trong hai ngày 26 và 27-9.
Vẫn chưa nhúc nhích tái cơ cấu
"Nếu không lấy lại được đà tăng trưởng 7-8% trong vòng vài thập niên thì không thể kỳ vọng vào sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa" TS Trần Du Lịch(phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) |
Mở đầu tham luận, TS Thiên nhận định: “Năm năm kể từ năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, song nhìn chung kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi. Nhưng VN không nằm trong quỹ đạo đó: hiện nay nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy”, mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại” - TS Thiên nhận định.
Ông Thiên cũng dẫn ra hàng loạt con số để khẳng định năm 2013 “các cơ sở tăng trưởng yếu hơn hẳn các năm trước”: tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng chỉ 6,5%; thu ngân sách khó khăn chưa từng thấy; đầu tư xã hội thấp (30% GDP); gần 25.000 doanh nghiệp đóng cửa (tương đương mức của năm trước, nhưng lại là những doanh nghiệp có thực lực bị chết); cầu rất yếu (tổng vốn đầu tư xã hội sáu tháng đầu năm chỉ đạt 40% kế hoạch năm; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,9% so với mức 6,5% cùng kỳ 2012)...
Trong khi đó, những “điểm đen” của nền kinh tế như tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo ngân hàng “vẫn còn nguyên”, các đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn nằm trên giấy và “y nguyên yếu kém”... “Vẫn chưa nhúc nhích tái cơ cấu thì triển vọng cho những năm sau cũng chưa thấy gì. Nền kinh tế xuống đáy và nằm bẹp ở đấy” - ông Thiên nói.
Cần đánh giá đúng thực chất
Theo TS Trần Du Lịch, năm 2013 lại xuất hiện một vấn đề mới có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch (riêng trên địa bàn TP.HCM ước thu ngân sách hụt gần 20.000 tỉ đồng so với kế hoạch). “Sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng nhưng chi không thể giảm, nên đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong hai năm 2014 và 2015” - ông Lịch phân tích.
TS Thiên cho rằng làm chính sách ở VN hiện nay là công việc cực kỳ khó khăn và các chính sách chứa đựng tính rủi ro rất cao bởi hệ thống số liệu tù mù, không đáng tin cậy.
“Số liệu GDP các tỉnh gấp đôi tăng trưởng cả nước và cả hai đều là số liệu chính thức, vậy sự thật ở đâu? Nợ xấu là bao nhiêu? Thất nghiệp bao nhiêu? Sai số hàng trăm ngàn đơn vị (hộ nghèo, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ, số người có việc làm mới...), hay hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng (nợ xấu, thu chi ngân sách...) trong các báo cáo là bình thường. Số doanh nghiệp đóng cửa từ năm 2011 đến tháng 6-2013 khoảng 135.000, cộng với khoảng 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động bị giảm 30% công suất đã khiến 5,5 triệu người mất việc làm, thế mà báo cáo vẫn nói mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 1,4 triệu người. Các số liệu kinh tế chứa đầy mâu thuẫn, báo cáo láo nhiều rồi cũng thành quen” - ông Thiên bình luận.
Ông Lịch nói thêm: “Các chỉ tiêu tạo việc làm và tỉ lệ thất nghiệp rất khó đánh giá vì tính khả tín của số liệu công bố. Nhưng có điều chắc chắn là với mức tăng GDP khoảng 5% thì không thể tạo ra đến 1,6 triệu việc làm và mức thất nghiệp ở đô thị chỉ có 4%. Tình trạng thất nghiệp và bán thất nghiệp ở nước ta cần được đánh giá đúng thực chất hơn. Vì vấn đề việc làm và thất nghiệp là một trong bốn chỉ tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên (bìa trái), viện trưởng Viện Kinh tế VN, trao đổi với các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 - Ảnh: Lê Kiên |
Chính sách đúng, nhưng thực hiện méo mó
Các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định là VN chỉ có một con đường để từ đáy đi lên là tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất. Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn nói rằng: “Nếu không tái cơ cấu thì sẽ không giải quyết được vấn đề, nếu không hành động sớm một cách quyết liệt thì sẽ quá muộn”.
Tuy nhiên, cũng như ông Thiên, ông Ngoạn cho rằng thực hiện tái cơ cấu thời gian qua chưa chạm đến những vấn đề mấu chốt.
Ông Trần Xuân Hòa - chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than và khoáng sản VN - bày tỏ rằng rất quyết tâm tái cơ cấu nhưng đụng phải nhiều chướng ngại.
“Để tái cơ cấu thì cần phải có chi phí. Bây giờ chúng tôi có 140.000 lao động, nếu tái cơ cấu dư ra 40.000-50.000 lao động. Vậy cần phải có tiền để đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho họ, tức cần đến chính sách tổng thể của nhà nước. Một vấn đề nữa là chúng ta đề cập việc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đưa ra là đúng, nhưng khi triển khai thực hiện thì méo mó rất nhiều. Có những bộ, ngành hướng dẫn thực hiện mà hoàn toàn sai trái so với chủ trương, chính sách. Hiện nay chúng ta đang có 64 chính phủ là một chính phủ trung ương và 63 chính phủ địa phương” - ông Hòa nói.
Đề cập giải pháp, ông Thiên đề nghị cần tập trung ưu tiên cải cách (đổi mới lần hai), tập trung đột phá tái cơ cấu để tạo lòng tin thật sự cho thị trường. Trước mắt ưu tiên trực tiếp cho xử lý nợ xấu, Nhà nước phải lo sớm trả nợ cho doanh nghiệp (chỉ riêng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương đã gần 100.000 tỉ đồng).
Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cần tập trung tái cơ cấu 2-3 tập đoàn kinh tế trong vòng sáu tháng, sau đó mở rộng dần ra, bởi không đủ sức để cùng lúc tái cơ cấu tất cả doanh nghiệp. Tái cơ cấu ngân hàng phải tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo trong hai năm. Cùng đó là ưu tiên tạo một số tọa độ đột phá chiến lược (tọa độ mở cho các vùng kinh tế trọng điểm) - các đặc khu kinh tế quốc gia (thay vì cấp tỉnh)...
Ông Lịch cũng cho rằng “cần phải quên các mục tiêu kế hoạch năm năm để cải thiện chính sách và củng cố niềm tin thị trường. Hiện nay thị trường thiếu niềm tin vào chính sách, mà thiếu niềm tin thì không làm được gì”.
* GS VÕ ĐẠI LƯỢC (chuyên gia kinh tế): Bán doanh nghiệp nhà nước lấy tiền làm việc khác Những khó khăn vừa qua cho thấy mô hình kinh tế của chúng ta (dựa vào doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công...) đã bất cập rồi, không còn thích hợp nữa. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất chính là nhắm vào các doanh nghiệp nhà nước. Lâu nay người ta cứ nói doanh nghiệp nào lỗ thì đem ra bán, cổ phần hóa. Tôi thấy làm như vậy là sai, bây giờ phải đem ra bán những doanh nghiệp đang có lãi, hoạt động hiệu quả. Bia rượu, nước giải khát, sữa... tại sao Nhà nước cần phải giữ? Ở Hà Nội, người ta nói Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) như ông địa chủ, nắm giữ rất nhiều đất đai giá trị rất lớn rồi đem cho thuê. Tại sao những doanh nghiệp như vậy chúng ta không bán đi để có bao nhiêu tiền làm việc khác. Trên thế giới không có nền kinh tế thị trường nào mà khu vực doanh nghiệp nhà nước lại chiếm tỉ trọng 32% như VN. |
* TS CAO SỸ KIÊM (đại biểu Quốc hội): Càng nghe càng thấy phân tâm Nền kinh tế của chúng ta đang có hai vấn đề lớn: một là thiếu động lực, hai là thiếu niềm tin. Người dân, doanh nghiệp là những người thực hiện chính sách mà người ta thiếu niềm tin thì ai thực hiện nữa. Cử tri, doanh nghiệp người ta nói với tôi rằng bây giờ càng nghe các nhà khoa học, càng hội nghị hội thảo thì càng thấy phân tâm. Theo tôi, có mấy câu hỏi cần phải trả lời rõ để làm dân tin: Một là, giải đáp cho rõ tại sao mấy năm nay kinh tế cứ xuống dần, khoảng cách với các nước cứ doãng ra, nguyên nhân do bên trong hay bên ngoài là chính? Hai là, qua quá trình dày sức xây dựng đội ngũ doanh nghiệp đến bây giờ bị co lại rất nhanh, phá sản rất nhiều, chỗ đáng lẽ phải tin tưởng nhất là doanh nghiệp nhà nước thì lại không tin tưởng được, tại sao? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận