08/05/2018 20:07 GMT+7

Lo ngại dịch viêm màng não do não mô cầu lan rộng

L.ANH
L.ANH

TTO - Bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu thứ tư trong gần một tháng qua đã chết não chỉ sau hai ngày vào viện và gia đình đã đưa về quê chiều nay 8-5.

Lo ngại dịch viêm màng não do não mô cầu lan rộng - Ảnh 1.

Một trong số bệnh nhân viêm não mô cầu được điều trị trong gần một tháng vừa qua (ảnh: BVCC)

Ông Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho hay bệnh nhân là một phụ nữ người H Mông vào viện cách đây hai ngày.

Theo thông tin từ gia đình thì các biểu hiện bệnh xuất hiện từ 2-5. Tuy nhiên do thể bệnh nhanh chóng tiến triển theo chiều hướng xấu, vừa viêm màng não do não mô cầu vừa nhiễm trùng máu, bệnh nhân đã chết não trước khi thuốc kháng sinh điều trị cho bệnh nhân phát huy được tác dụng.

Đây là bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu thứ 4 vào viện trong gần một tháng qua.

Trong số 4 bệnh nhân có hai ở Hà Nội, một ở Hưng Yên và một là bệnh nhân mới qua đời chiều nay, quê ở Trạm Tấu, Yên Bái.

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, diễn biến nhanh trong vòng 24h với các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn, chóng mặt, hôn mê, hai bệnh cảnh thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng huyết với các dấu hiệu: sốt cao đột ngột 39-40 độ C, đau đầu dữ dội (trẻ mắc bệnh thường quấy khóc rất nhiều), dấu hiệu cứng cổ đặc trưng cho tình trạng viêm màng não, trẻ dưới 1 tuổi có thể thấy thóp phồng lên bất thường...

Theo ông Nguyễn Trung Cấp, các bệnh nhân mắc viêm não mô cầu thời gian gần đây đều ở thể nặng, nhưng thể bệnh nặng nhất (thể tối cấp), bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24h thì may mắn chưa có bệnh nhân nào mắc phải.

Ông Cấp hướng dẫn các khu vực có dịch bệnh thì người dân nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Có 13 chủng gây viêm não mô cầu đã được phát hiện, song ở thị trường Việt Nam có vắcxin ngừa chủng AC và BC, đây là các chủng vi khuẩn có độc tính cao.

Vắcxin AC dùng tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên hoặc từ 6 tháng tuổi nếu có tiếp xúc với người bệnh, vắc xin BC tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, người có tiếp xúc gần với người bệnh nên sử dụng phương tiện phòng hộ.

Trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh và không có phương tiện phòng hộ, bị dính dịch tiết của người bệnh thì cân nhắc cho dùng kháng sinh dự phòng.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) khuyến cáo người dân không quá hoảng loạn và không phải uống kháng sinh dự phòng hàng loạt, mà chỉ những người tiếp xúc rất gần và có nguy cơ mới phải dự phòng bằng kháng sinh.

Có nguy cơ xuất hiện dịch viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu Có nguy cơ xuất hiện dịch viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu

TTO - Bệnh nhân là nam giới 30 tuổi ở Hưng Yên, đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Đây là bệnh nhân nhiễm vi khuẩn não mô cầu thứ hai được thông báo trong khoảng 10 ngày qua.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên