![]() |
Cô giáo Nguyễn Ánh Tuyết đang viết mẫu chữ mới - Ảnh: Mạnh Hà |
Nở rộ "công nghệ" luyện chữNgười mài 9 vạn ngòi bút để thắp sáng một ước mơ
Không chỉ có vậy, trung tâm còn là nơi gặp gỡ, tạo điều kiện rèn luyện năng lực chuyên môn cho các bạn nữ sinh vừa tốt nghiệp các trường sư phạm...
Mài bút luyện chữ
Thầy Nguyễn Đương Ánh - giáo viên Trường tiểu học Phú Lâm 2, huyện Tiên Du, Bắc Ninh - kể: Năm 2002, Bộ GD-ĐT ban hành mẫu chữ viết mới trong toàn quốc. Trong bộ mẫu chữ đó, có mẫu viết nâng cao là kiểu chữ nét thanh, nét đậm. Tuy nhiên, những bút viết như bút bi, bút máy thông thường không viết được kiểu chữ này; trong những giờ học thầy trò cứ loay hoay mà không sao viết được nét thanh, nét đậm như ý.
“Tại sao mình lại không tìm ra loại bút như viết giấy khen để học sinh viết theo kiểu chữ này?” - thầy Ánh bộc bạch. Là người vốn có thâm niên chuyên viết giấy khen cho phòng giáo dục huyện, thầy Ánh bèn thí nghiệm một loại bút mô phỏng bút chuyên viết chữ đồ bản (bút số 2, số 3) để viết chữ nâng cao. Đồng thời thầy rủ thêm thầy Nguyễn Đức Đồng - bạn học hồi Trung cấp Sư phạm Hà Bắc cũ, hiện là giáo viên Trường tiểu học Hoàn Sơn - cùng tham gia.
Tính từ ngày thành lập (6-2004) đến tháng 5-2006 trung tâm đã mở lớp dạy chữ cho học sinh 10 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, 12 khóa cho 150 SV tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc từ Tuyên Quang, Lạng Sơn đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. |
Thầy Ánh kể: “Lúc đầu ngòi bút bị hỏng rất nhiều, cái thì cụt ngòi, cái thì viết không ra mực hoặc mực ra quá nhiều, mài hàng tiếng mới được một ngòi bút”. Hòn đá mài dao của ông bố mòn vẹt cũng là lúc “kỹ năng mài” của thầy Ánh đã trở nên “chuyên nghiệp”, chỉ sau 15 phút là ngòi chuyên dùng ra đời.
Dần dần từ “công nghệ hòn đá mài” đã được nâng cấp thành máy mài, tận dụng từ những môtơ hỏng. Cùng với thầy Đồng, tính đến nay cả hai người đã mài tới 9 vạn ngòi bút. Những chiếc ngòi bút xinh xắn do bàn tay những người thầy ở vùng quê quan họ mài đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
“Nhưng thành công lớn nhất ngoài sự mong đợi đó là chất lượng chữ viết của các em học sinh được nâng lên” - thầy Ánh phấn khởi cho biết. Rồi thầy kể: Ở Bắc Ninh, phong trào “vở sạch chữ đẹp” có truyền thống từ nhiều năm nay và huyện Lương Tài đã nhiều năm liên tục giữ “quán quân”.
Thế nhưng đến năm 2002 ngôi vị này đã thuộc về huyện Tiên Du với kết quả 10 học sinh đi thi viết chữ đẹp của tỉnh đã giành năm giải nhất, ba giải nhì, hai giải ba và ba giáo viên đi thi đều đoạt giải. Đáng chú ý, có cô giáo Trường tiểu học Hợp Lĩnh “thủ” cây bút mài đi thi viết chữ đẹp toàn quốc năm 2003 cũng đã giành giải nhất.
Tại lớp 5C Trường tiểu học Phú Lâm 2 (năm học 2002-2003) do thầy Ánh làm chủ nhiệm, sau một tháng luyện chữ viết với ngòi bút mài, khoảng 50% học sinh xếp loại C đã vươn tới mức A. Nổi bật là Trường tiểu học Hoàn Sơn của thầy Đồng đang xếp thứ 11 của huyện về chữ viết cũng vươn lên tốp dẫn đầu.
Nơi tụ hội của các nhà giáo trẻ
![]() |
Cô giáo trẻ hướng dẫn học sinh lớp 1 viết chữ đẹp tại trung tâm - Ảnh: Mạnh Hà |
Khởi đầu chưa có ai giúp, hai thầy đã tự đánh máy, photo, làm tờ rơi giới thiệu nội dung về dạy chữ, luyện chữ đẹp, giới thiệu các loại bút đã lắp ngòi cải tiến để viết chữ đẹp. Chính các thầy lại là người mang tờ rơi phát ở các trường tiểu học, trung học ở Hà Nội, thả vào các giỏ xe của khách đi đường.
Sau hơn một tháng miệt mài trên đường phố và đến các trường học, đã có trên 10 học sinh đến nhờ các thầy luyện chữ. Khóa học đầu tiên về luyện chữ kết thúc sau 12 buổi, chất lượng chữ viết của học sinh nâng lên rõ rệt, đã được phụ huynh học sinh tín nhiệm, đánh giá cao.
Cùng với việc tiếp tục chiêu sinh, thầy Ánh cho biết: “Hai anh em tôi đã vài lần đến các trường đại học sư phạm ở Hà Nội, báo cáo “công trình mài ngòi bút”, thuyết giảng cách luyện chữ đẹp cho sinh viên. Khi chúng tôi mở trung tâm có lời mời, các em sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đã nhiệt tình giúp đỡ, đến làm việc”.
Các sinh viên khi đến trung tâm được các thầy hướng dẫn thêm một khóa về dạy chữ viết, phương pháp dạy học, phương pháp sư phạm. “Chính các sinh viên lại là người tham gia các hoạt động của trung tâm để tiếp tục dạy chữ viết cho học sinh, hướng dẫn kỹ thuật viết cho các giáo viên mới và triển khai việc dạy chữ đẹp cho học sinh các địa phương” - thầy Đồng bộc bạch.
Thầy Nguyễn Đức Đồng tâm sự: “Mặc dù khoa học công nghệ phát triển, tin học rất phổ biến, nhưng vẫn có đông phụ huynh học sinh quan tâm cho con đến luyện viết chữ đẹp, bởi chữ viết tạo nên sự cẩn thận, tỉ mỉ, tạo nên tính cách của con người”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận