18/03/2016 10:00 GMT+7

Lo học sinh tự tử vì “sống ảo”

MỸ LOAN, MYLOAN@TUOITRE.COM.VN
MỸ LOAN, MYLOAN@TUOITRE.COM.VN

TT - Hơn 22 người trẻ Hong Kong, trong đó có em học sinh 11 tuổi, đã tự tử tính từ đầu năm 2016 đến nay. Theo báo South China Morning Post, hiện tượng trên đang gióng hồi chuông báo động cho giới quản lý giáo dục và xã hội ở đặc khu này.

Nhiều học sinh Hong Kong bị trầm cảm vì sống trong thế giới ảo lại thiếu sự quan tâm của gia đình - Ảnh: AFP
Nhiều học sinh Hong Kong bị trầm cảm vì sống trong thế giới ảo lại thiếu sự quan tâm của gia đình - Ảnh: AFP

“Bất cứ lúc nào vấn đề khó khăn xuất hiện thì ngay lập tức các bậc cha mẹ sẽ lao ra giải quyết giúp con mình hay gửi khiếu nại đến trường học. Họ đã khiến cho những đứa con mình không có sức chịu đựng khó khăn

Bà Thẩm Huệ Linh (nhà tâm thần học thuộc Đại học Hong Kong)

Số liệu thống kê từ Trung tâm nghiên cứu và ngăn chặn tự tử thuộc Đại học Hong Kong cho biết con số của đầu năm nay rõ là rất cao nếu so với số bình quân 23 trường hợp của các năm 2010 và 2014.

Nhiều người kết luận rằng ngoài chuyện học hành áp lực cao, người trẻ Hong Kong đang gặp một số vấn đề về tinh thần như thiếu sự chăm sóc của gia đình và sống trong thế giới ảo quá nhiều, khiến các em thường bị trầm cảm nặng.

Áp lực học hành và thế giới ảo

Nhiều người dân Hong Kong hiện nay nói rằng phương pháp giáo dục quá chú trọng vào điểm thành tích đã gây áp lực cực lớn đối với học sinh lẫn sinh viên học đại học. Nhưng giáo sư Lý Thừa thuộc Đại học Hong Kong cho rằng nguyên nhân phức tạp hơn nhiều.

Ông và các đồng nghiệp cảnh báo giới học sinh Hong Kong đang dành quá nhiều thời gian vào thế giới ảo và việc thiếu sự hỗ trợ của gia đình đang sản sinh ra một thế hệ với sức chịu đựng rất kém trước những tình huống căng thẳng của cuộc sống.

Giáo sư Đại học Hong Kong Diệp Đào Huy nhấn mạnh nhiều người trẻ hiện nay sống trong thế giới ảo và khi trở về thế giới thực thì không có ai để trò chuyện, kể cả cha mẹ mình vì họ quá bận rộn.

“Nhiều học sinh Hong Kong hiện nay có khuynh hướng ngày càng thu mình vào ốc đảo của riêng các em” - vị giáo sư này cảnh báo.

Do lớn lên với Internet, các em thường bỏ qua thế giới thực bên ngoài. Chính vì thế các em không thể hiểu hết được những khía cạnh phức tạp hơn của cuộc sống, nhất là khi rơi vào tình huống khó khăn.

“Chính điều này dẫn đến việc nhiều người trẻ thiếu kỹ năng liên kết giữa người và người, cũng như kỹ năng chịu đựng và khả năng giải quyết căng thẳng” - giáo sư Lý phân tích thêm.

Thế hệ “những đứa trẻ yếu ớt”

Báo Apple Daily cho biết một học sinh 15 tuổi họ Hồ ở khu Thuyên Loan đã tự tử với mảnh giấy để lại ghi vỏn vẹn “Cuộc sống không vui vẻ, muốn đi về thế giới khác”.

Cha của Hồ cho biết con trai ông thường sống khép kín, không tham gia bất kỳ hoạt động ngoài trời nào cùng chúng bạn. Ông cũng tiết lộ rằng mẹ cậu bé thường cấm con tham gia mọi trò chơi như đá bóng trên đường phố vì sợ con mình nhiễm những thói hư tật xấu ngoài đường.

Nhà tâm thần học thuộc Đại học Hong Kong, bà Thẩm Huệ Linh, cảnh báo rằng việc cha mẹ bảo bọc con quá mức trong thời đại ngày nay cũng đang góp phần hình thành những đứa trẻ “yếu ớt”, không có khả năng vượt qua những cú sốc tâm lý.

Giới chuyên gia xã hội học cảnh báo nếu giới chức các ban, ngành liên quan của Hong Kong không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả thì tình hình tự tử ở học sinh Hong Kong còn tăng cao.

“Con số thống kê cho thấy hiện tượng đáng báo động và đó là một cuộc chiến mà chúng ta phải lao vào để giành lại sự sống cho các em theo cách hợp lý nhất” - báo South China Morning Post dẫn lời một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu và ngăn chặn tự tử.

Đứng trước tình trạng này, Sở Giáo dục Hong Kong đang áp dụng khẩn cấp nhằm cải thiện việc hỗ trợ tâm lý cho giới học sinh sinh viên. Trong đó có những buổi sinh hoạt nghiệp vụ và khóa huấn luyện khẩn cấp cho giáo viên và phụ huynh cách nhận biết những biểu hiện sớm của hiện tượng trầm cảm để ngăn chặn những ý nghĩ tiêu cực ở trẻ.

Giới chức Hong Kong kêu gọi các trường học khuyến khích học sinh sinh viên của mình nên tìm sự giúp đỡ khi đối diện với các vấn đề căng thẳng tâm lý.

“Hiện nay còn nhiều học sinh không muốn gặp những nhân viên xã hội vì các em ngại những người này không giúp ích gì được cho mình” - chuyên gia tâm thần học Thẩm Huệ Linh khuyến cáo.

MỸ LOAN, MYLOAN@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên