05/10/2012 09:17 GMT+7

"Lò đặc sản tù"

NGUYỄN VĂN MỸ (giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt)
NGUYỄN VĂN MỸ (giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt)

TT - Mấy ngày này tôi nhận điện thoại gấp đôi ngày thường. Các hướng dẫn viên chất vấn về việc anh Trần Trí Dũng, hướng dẫn viên Vietravel, bị hành hung vì không đưa khách vào lò mứt theo ý “cò”. Khách hàng bức xúc vì du lịch là ngành văn hóa mà hành xử còn hơn côn đồ.

Việc hướng dẫn viên bị hăm dọa vì muốn bảo vệ quyền lợi du khách khá phổ biến, bị hành hung đã nhiều lần nhưng rơi vào các công ty nhỏ, “công ty mồ côi” nên đành chấp nhận im lặng là vàng.

Mua sắm đặc sản là nhu cầu có thật, nước nào cũng tổ chức và có chi hoa hồng theo doanh thu cho hướng dẫn viên cũng như nhà xe nhưng được kiểm soát chặt chẽ về giá cả. Họ làm được vậy bởi cửa hàng rộng rãi, phục vụ cùng lúc cả ngàn khách. Còn VN toàn cửa hàng nhỏ, lẻ nên đành khoán theo xe và đưa trước như một dạng hối lộ trá hình. Khách không mua cũng phải chi.

Lại còn cạnh tranh đẩy hoa hồng giành mối. Hoa hồng có khi gấp mấy lần lương tour mà chẳng phải vất vả. Đáng buồn hơn, nhiều công ty cho đó là việc bình thường. Có công ty còn đưa vào hợp đồng, cứ mỗi xe ghé vào, ngoài việc chi cho nhà xe và hướng dẫn viên còn phải chi cho điều hành và văn phòng.

Lâu nay du lịch miền Tây không hấp dẫn vì nhiều lẽ mà một phần cũng bởi thiếu các cửa hàng đặc sản chi đậm hoa hồng. Ăn đậm hoa hồng là động lực để hướng dẫn viên chịu khó quảng bá tour và đi tour. Tất nhiên, khi chi đậm hoa hồng, các lò đặc sản phải móc túi khách hàng để bù lại. Cách móc túi dễ thấy nhất là bán hàng dỏm với giá cao.

Vừa rồi một tỉnh ven biển báo cáo lượng nước mắm và hải sản dành cho du khách tiêu thụ chậm vì kinh tế khó khăn. Trời ạ! Chả lẽ khó tới mức nhịn nước mắm? Cái chính là du khách sợ vào lò đặc sản mua nhầm hàng dỏm nên đi chơi cứ về Sài Gòn mua cho chắc ăn, có gì còn bắt đền được.

Có mấy lò mứt, lò nước mắm ghé công ty tôi mời đưa khách vào. Tôi bảo: “Rất sẵn lòng với điều kiện có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Niêm yết giá. Cân đủ. Nếu hàng bị khách chê thì hướng dẫn viên phải mang trả đòi tiền lại cho khách. Tiền hoa hồng của hướng dẫn viên và nhà xe không quá 20%. Công ty sẽ không nhận đồng nào”. Cuối cùng, chỉ hai điểm ở Phan Thiết làm được.

Thật ra không có lò đặc sản nào muốn trở thành ”lò tù” cả. Chẳng qua do quản lý kém từ Nhà nước đến các công ty du lịch, do từ giám đốc tới hướng dẫn viên và nhà xe cứ xem khách hàng là chùm khế ngọt, vặt cả lá lẫn trái non.

Lắm lúc mệt mỏi và chán nản, bởi một mình không chống nổi những đường dây “lò đặc sản tù”. Giờ có thêm Vietravel đã tuyên chiến. Hậu quả bước đầu là những hướng dẫn viên chân chính bị hành hung. Anh Dũng tâm sự: “Nếu bị hành hung mà du lịch VN tốt hơn thì tôi chẳng ngại. Chúng tôi đang chờ đợi việc xử lý nghiêm khắc hành vi côn đồ của mấy người cò mứt”. Nhiều anh em hướng dẫn viên tâm huyết với nghề cũng đang mong và chờ như vậy. Càng mong có thêm nhiều công ty kiên quyết như thế. Mong nhất là nhân dịp này, ngành du lịch và các địa phương ra tay chấn chỉnh các “lò đặc sản tù”, dẹp loạn “cò” và nạn trấn lột hành khách trá hình, để du lịch VN không sa vào cảnh du khách “một đi không trở lại”, cả nội địa lẫn quốc tế.

NGUYỄN VĂN MỸ (giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên