TT - Do phong trào thể thao học đường chưa phát triển mạnh nên hàng chục nhà thi đấu đa năng được xây dựng tại các trường THCS, tiểu học ở TP Cần Thơ chưa phát huy hết công suất thiết kế.
Ngoài ra, việc bảo trì các công trình này cũng khiến các thầy cô lo lắng.
"Không khai thác triệt để các nhà thi đấu đa năng sẽ làm lãng phí đồng vốn đầu tư" Ông Trần Việt Phường (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP Cần Thơ) |
Chiều 12-12, tại nhà thi đấu đa năng (diện tích trên 860m2 với vốn đầu tư hơn 8,4 tỉ đồng) ở Trường THCS Mỹ Khánh (H.Phong Điền) - một địa điểm được đầu tư cho HKPĐ, thầy Trương Thế Bảo, hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhà thi đấu này phục vụ thi đấu môn vovinam tại HKPĐ. Sau khi tiếp quản (đầu tháng 9), nhà thi đấu trở thành nơi tập luyện cho các đội năng khiếu của trường và học sinh trong huyện. Các môn tập chủ yếu là đá cầu, bóng bàn, cầu lông, thể thao học đường...
Thầy Bảo cho biết lịch tập luyện trong nhà thi đấu chủ yếu vào buổi chiều, buổi sáng và tối bỏ không ít khi sử dụng. Vì thế nhà trường thường tận dụng để tổ chức các buổi lễ lạt của các đơn vị trong huyện hoặc của trường, làm điểm sinh hoạt, vận động ngoại khóa của học sinh... Theo thầy Bảo, gần đây có một số đơn vị ở Q.Ninh Kiều ngỏ ý muốn nhờ hỗ trợ địa điểm tập võ nhưng do đường sá đi lại từ trung tâm thành phố xuống huyện xa xôi nên chưa đơn vị nào đưa người xuống.
Nhà thi đấu đa năng của Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.Ninh Kiều) được đầu tư với kinh phí gần 8,2 tỉ đồng để thi đấu môn thể dục. Hiện nơi đây chỉ dùng vào việc tập luyện vài môn của các đội năng khiếu trường và tạo sân chơi cho các bé... Thầy Lý Tiền Minh, phụ trách thể dục của trường, cho biết buổi sáng nhà thi đấu được sử dụng vào việc tập thể dục, buổi chiều để đội tuyển năng khiếu trường và các CLB ngoại khóa tập luyện.
Ông Phạm Quang Hưng, trưởng phòng xây dựng cơ bản Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ, cho biết tất cả nguồn vốn đầu tư các công trình trên đều do ngân sách địa phương, ngân sách trung ương chỉ rót một ít. Trong 28 danh mục dự án đầu tư được phê duyệt có ba dự án với kinh phí lên đến 518 tỉ đồng phải tạm dừng giữa chừng (dự án cụm hồ bơi có mái che, trung tâm giáo dục thể chất Q.Ninh Kiều và Q.Bình Thủy).
Ông Trần Việt Phường, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP Cần Thơ, cho biết sau khi HKPĐ kết thúc, các nhà thi đấu do sở quản lý phục vụ khá tốt việc tập luyện của các đội tuyển. Tuy nhiên, ông Phường cũng thừa nhận các công trình khác do Sở Giáo dục - đào tạo quản lý chưa phát huy hết công năng.
“Trong một số cuộc họp, lãnh đạo sở đã nghĩ tới chuyện phối hợp với Sở Giáo dục - đào tạo để khai thác tối đa các nhà thi đấu đa năng vào việc tập luyện cho các đội tuyển, rèn luyện thể chất cho thanh thiếu niên địa phương. Tuy nhiên đến nay việc phối hợp chưa có gì cụ thể, không khai thác triệt để các nhà thi đấu đa năng sẽ làm lãng phí đồng vốn đầu tư” - ông Phường nói.
PHƯƠNG NGUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận