10/07/2012 08:36 GMT+7

Ló cái đuôi " trung tâm"!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Trong nghề PR, khó nhất là làm sao xử lý khủng hoảng sau một sự cố khiến dư luận phản ứng. Bài viết của học giả hàng đầu Trung Quốc Tô Hạo, đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 6-7-2012, chính là một động tác xử lý cuộc khủng hoảng (dư luận) mà đất nước ông đang trải qua: "Từ năm 2010, một loạt xung đột và tranh chấp… trên biển Nam Hải đã tác động đến hình ảnh Trung Quốc ở Đông Nam Á. Hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm, mà Trung Quốc đã tốn công lắm mới tạo được, nay đang gặp một cuộc khủng hoảng niềm tin”.

Từ đánh giá tình hình đó, ông phân tích đâu là nguy cơ đối với nước ông: “Một vài nước có lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc trên biển Nam Hải lo sợ rằng việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự cũng như sự gia tăng tình cảm dân tộc chủ nghĩa (ở Trung Quốc) có thể dẫn đến việc giải quyết tranh chấp bằng vũ lực hay đe dọa vũ lực. Thành ra, họ dứt khoát tìm cách đa phương hóa cuộc tranh chấp bằng cách lôi kéo ASEAN và Mỹ can dự vào…”. Rồi ông khuyên cánh của ông bớt bớt hung hăng để thiên hạ còn tin tưởng trở lại.

Thế nhưng, dù có cố ra vẻ ôn nhu và hiểu biết, Tô học sĩ cũng không giấu nổi cái đuôi “một mình một cõi” khi ông nói thẳng ra điều ông và đất nước ông không muốn là “đẩy Việt Nam và Philippnes, và có lẽ mọi thành viên ASEAN, vào trong vòng tay của phương Tây” và “đa phương hóa cuộc tranh chấp”. Tại sao lại cự tuyệt khái niệm “đa phương” khi mà thế giới này đã, từ sau Thế chiến thứ II, chung một mái nhà Liên Hiệp Quốc, trong đó đất nước ông đã nhiều lần dùng lá phiếu phủ quyết của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, chớ đâu có thua lỗ gì cho cam? Thế giới vẫn gồm 24 múi giờ, tất cả đâu có thể vặn đồng hồ theo múi giờ Bắc Kinh!

Trừ phi nay lại quay về với khái niệm cổ đại: ta là trung tâm thế giới, tất cả là vệ tinh! Chỉ từ vị trí “trung tâm” đó mới luôn xem yêu sách của mình là duy nhất có giá trị, còn của thiên hạ là vô nghĩa và bất cần bất cứ tài phán bên ngoài! Người bạn quốc tế lớn nhất của Trung Quốc (trong mọi thời đại) là tiến sĩ Henry Kissinger, người đã “mở cửa” cho Trung Quốc, đã chẳng nhận xét như sau: “Trung Quốc tiếp cận trật tự thế giới rất khác cách của phương Tây... Trung Quốc chưa bao giờ ở trong một tiếp xúc lâu bền với một nước khác trên cơ sở bình đẳng” (Henry Kissinger, On China, tr.16)?

Thông cảm công việc PR xử lý khủng hoảng của Tô học sĩ, song cố mong Tô học sĩ tập quên bớt thói suy nghĩ “trung tâm”, tập làm quen với khái niệm đa phương.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên