09/12/2018 10:10 GMT+7

Livestream thế nào cho văn minh, đúng luật?

TIẾN LONG - TRẦN MAI  thực hiện
TIẾN LONG - TRẦN MAI thực hiện

TTO - Công cụ livestream (phát sóng trực tiếp) đang được người dùng mạng xã hội sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không ít nội dụng livestream xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm... đối với người khác và để lại những hậu quả nặng nề.

Livestream thế nào cho văn minh, đúng luật? - Ảnh 1.

Một cổ động viên livestream không khí xem trận đấu bóng đá - Ảnh: TRẦN BÌNH

Không thể phủ nhận từ công cụ này, nhiều sự việc, hành vi sai lệch được phản ánh nhanh chóng, cơ quan quản lý vào cuộc xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, sau thời gian hào hứng, nhiều người đã nhanh chóng nhận ra những mặt trái của loại hình truyền đạt thông tin trực tiếp này.

Tuổi Trẻ trao đổi với chuyên gia pháp lý, xã hội học, tâm lý học về những giải pháp để người dùng mạng xã hội sử dụng công cụ livestream không đi quá giới hạn đạo đức và pháp luật.

* PGS.TS Trần Thành Nam (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Cần có bộ quy tắc chung

Livestream thế nào cho văn minh, đúng luật? - Ảnh 2.

Công cụ livestream giống như một cuốn nhật ký mở, đòi hỏi chúng ta ứng xử văn minh, chuẩn mực và văn hóa.

Hiện tại tôi thấy có rất nhiều livestream chỉ để phục vụ mục đích cá nhân, đánh bóng tên tuổi... còn yếu tố nhân văn, tạo thêm sự tốt đẹp cho cuộc sống cực kỳ khan hiếm.

Vấn đề là người dùng mạng đang nhìn nhận sai lệch về tự do ngôn luận, bởi tự do ngôn luận không đồng nghĩa với tự do xúc phạm người khác.

Không chỉ chủ thể hướng đến trực tiếp trong livestream bị xúc phạm mà những người vô tình xem được cũng bị ảnh hưởng. Những livestream này đang nhân danh tự do để quấy rối người khác.

Điều chỉnh hành vi trên các livestream là vấn đề cần phải làm. Đầu tiên, phải cần có nội dung tốt, phù hợp với chuẩn mực, người livestream phải dự lường nguy cơ xấu.

Ngay cả phim ảnh còn gắn mác lứa tuổi được phép xem thì mạng xã hội không thể dung nạp những livestream vứt bừa nội dung ảnh hưởng đến cộng đồng mạng.

Thậm chí phải dự lường cả bình luận tương tác quá khích, công kích cá nhân, chửi bới người khác thậm tệ. Vì vậy, nếu không điều chỉnh, điều bất thường dần dần sẽ trở thành bình thường.

Hiện tại mạng xã hội dù là thế giới ảo nhưng giống như nơi công cộng, nhiều người tham gia và chúng ta cần một bộ quy tắc để loại bỏ vấn đề tiêu cực trên các livestream nói riêng và mạng xã hội nói chung.

Người tham gia mạng xã hội dựa vào quy tắc có thể đề xuất xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật.

Thêm nữa là sự tham gia của các công ty công nghệ để sàng lọc nội dung livestream không phù hợp cần phải gỡ ngay, thậm chí thu hồi vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội với nội dung không lành mạnh.

Việc xây dựng bộ quy tắc đấy sẽ mất thời gian nhưng khi xây dựng để bảo vệ quyền lợi cho người dùng và lợi ích số đông chắc chắn sẽ được đón nhận.

* TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):

Phải tôn trọng người khác

Livestream thế nào cho văn minh, đúng luật? - Ảnh 3.

Nhìn ở góc độ giao tiếp, đây là công cụ rất tốt, giúp người livestream dễ bộc lộ cảm xúc, hành động, cũng như dễ tiếp cận và nhận được sự quan tâm chia sẻ của nhiều người. Đây cũng là công cụ rất hữu hiệu để truyền tải, thông tin nhanh những sự việc, hiện tượng sai trái để các cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, người dùng có khi vô tình sẽ có những hành động vượt quá giới hạn đạo đức, pháp luật. Thực tế, có không ít những nội dung livestream thể hiện rõ thái độ ứng xử thiếu kiềm chế, không tôn trọng sự khác biệt về nhận thức.

Livestream cũng phải tôn trọng người khác và tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Không thể chửi bới trên mạng xã hội xong lại chối bỏ trách nhiệm.

Trong tâm lý học, việc không tôn trọng người khác đồng nghĩa tự hạ thấp nhân cách của mình. Không ai có quyền làm tổn thương người khác kể cả trên mạng xã hội. Bởi từ tổn thương trên mạng xã hội sẽ gây ra những xung đột ngoài đời thật.

Cần loại bỏ những livestream và người sử dụng mạng xã hội không văn minh, trả lại cho môi trường không gian ảo tốt đẹp hơn.

* Luật sư Trần Thị Hải Anh (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai):

Phải có sự hiểu biết tối thiểu về luật

Livestream thế nào cho văn minh, đúng luật? - Ảnh 4.

Phải có sự hiểu biết tối thiểu về luật

Thời gian gần đây, tôi nhận được nhiều đề nghị tư vấn về vụ việc phát sinh từ việc sử dụng công cụ livestream.

Rõ ràng việc dùng công cụ livestream cho nhiều mục đích khác nhau hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên nếu không hiểu quy định, người dùng dễ dàng đi quá giới hạn pháp luật.

Ví dụ, cá nhân, tổ chức sử dụng livestream để bán hàng, quảng cáo dịch vụ, thậm chí để dạy học... tuy không bị cấm, nhưng việc bán hàng trên là hình thức kinh doanh thương mại điện tử, bắt buộc phải đăng ký website khi mở gian hàng trưng bày hàng hóa, bán dịch vụ.

Người bán hàng phải đảm bảo tính chính xác, trung thực về hàng hóa dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng.

Tiếp theo là phải đăng ký kê khai và nộp thuế. Các hành vi vi phạm như bán hàng giả, không đúng chất lượng mà chưa đến mức xử lý hình sự sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu cơ quan thuế phát hiện hành vi trốn thuế, người hoặc tổ chức kinh doanh sẽ bị cơ quan thuế áp dụng các biện pháp chế tài.

Hay việc đưa thông tin có mục đích vu khống, bôi nhọ, làm nhục người khác có chủ đích, hoặc một số hành vi khác rơi vào tội mà Bộ luật hình sự quy định như vu khống, làm nhục người khác... sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo tôi, người sử dụng cần phải có sự hiểu biết tối thiểu các quy định để không đi quá giới hạn hoặc biết quyền của mình để tự bảo vệ hoặc nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi chính mình bị xâm hại.

* Nghệ sĩ nhạc điện tử (DJ) Nguyễn Trung Ngọc:

Người live stream phải tự biên tập lại nội dung

Livestream thế nào cho văn minh, đúng luật? - Ảnh 5.


Livestream mục đích đầu tiên là muốn tốt cho mình, hoặc cho một nhóm người mà mình hướng đến. Như tôi livestream hướng đến những người đam mê nhạc điện tử và những bạn muốn tìm hiểu loại hình nghệ thuật này.

Theo tôi, một người livestream văn minh cần hội tụ các yếu tố sau: Thứ nhất, phải có vốn ngôn ngữ tốt để kết nối với người nghe, xem. Thứ hai, nội dung lành mạnh, văn minh. Thứ ba, hình thức thể hiện cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu.

Cuối cùng là văn hóa khi livestream, đừng bắt người khác xem những vấn đề chả đâu vào đâu.

Ví dụ như có những người đi vào quán nhậu ăn uống cãi nhau ầm ĩ, thậm chí nói tục cũng livestream cho mọi người xem.

Một thực tế buồn là mỗi ngày chúng ta đang phải xem những livestream với nội dung không thể chấp nhận được, từ việc đòi nợ, cho vay nặng lãi, cho đến chửi bới người khác, khoe thân thể...

Ngoài ra, hiện đang có một trào lưu, xu thế ở giới trẻ tìm mọi cách để mình trở nên nổi tiếng bằng những livestream. Điều này xuất phát từ việc làm theo một số facebooker nào đó được mệnh danh hotboy, hotgirl.

Một số người trẻ nhìn vào đó, cũng muốn mình ảnh hưởng rộng và chấp nhận khoe thân, nói bậy, chửi thề. Xu hướng này đang có hiệu ứng lan truyền ngày một nhiều.

Cơ hội cho tội phạm

Theo anh Nguyễn Trung Ngọc, một số vụ án bắt đầu từ việc livestream khoe của. Mục đích của người livestream là muốn khoe sự giàu có của mình để nổi tiếng nhưng không hề biết mình là đích ngắm của bọn tội phạm.

"Một người bạn của tôi thường xuyên livestream khoe hình thể và khoe cuộc sống giàu có. Một ngày nọ, cô livestream khoe cả nhà đi chơi và hậu quả là khi kết thúc chuyến đi trở về, nhà cô bị trộm đột nhập.

Rõ ràng việc livestream đã tạo điều kiện cho tội phạm thu thập thông tin cá nhân và hành động khi điều kiện thuận lợi" - anh Ngọc kể.

Nước ngoài: livestream phải theo luật

Mãi đến thập niên 1990, người ta mới có thể phát trực tiếp một sự kiện thông qua mạng Internet với đầy đủ âm thanh và hình ảnh.

Sau thời gian hào hứng với loại hình phát trực tiếp, nhiều nước nhanh chóng nhận ra những mặt trái của loại hình truyền đạt thông tin trực tiếp nên đưa vào khuôn khổ luật định.

Theo tờ The Sun, tại Anh, người ta có thể livestream ở một nơi công cộng như công viên, vỉa hè, trên xe buýt... nhưng nếu cố tình quấy rầy hoặc xâm phạm đời tư của người khác sẽ bị xử lý theo luật "chống theo dõi".

Bên cạnh đó, người livestream phải thông báo với một ai đó nếu sử dụng hình ảnh hoặc video về họ cho mục đích thương mại.

Ngoài các sự kiện thể thao và chương trình truyền hình, theo tờ Huffington Post, người livestream cần cẩn thận vì họ có thể đang vi phạm bản quyền của nhiều bên, chẳng hạn nghệ sĩ, nhãn hiệu... xuất hiện trong video.

Nhưng theo tờ Times of India, cuối tháng 9 vừa qua, Tòa án tối cao Ấn Độ đã cho phép livestream các vụ kiện để người dân tiếp cận thông tin chính xác nhất.

Tòa này nhấn mạnh các quy định nhằm cân bằng quyền công khai và bảo vệ phẩm cách của các bên tham gia kiện tụng sẽ sớm được đưa ra.

BÌNH AN

TIẾN LONG - TRẦN MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên