21/06/2021 14:10 GMT+7

Livestream bán hàng hiệu, thành công ở Trung Quốc, thất bại ở Singapore

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Doanh số bán hàng trực tuyến nhờ livestream (phát trực tiếp online) bùng nổ mạnh mẽ ở Trung Quốc và tiềm năng thị trường còn rất lớn, nhưng tại Singapore, người dân khá thờ ơ với việc này. Vì sao có sự khác nhau đó?

Livestream bán hàng hiệu, thành công ở Trung Quốc, thất bại ở Singapore - Ảnh 1.

Sự phổ biến của livestream bán hàng hấp dẫn đến mức các thương hiệu cao cấp không thể đứng ngoài cuộc - Ảnh: Channel News Asia

Khi làm việc tại nhà trở thành xu thế mới thích ứng với các lệnh phong tỏa phòng dịch bệnh COVID-19, không ngạc nhiên khi thương mại điện tử toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo kênh Channel News Asia, trang web của Công ty Net-a-Porter chuyên kinh doanh hàng xa xỉ cho nữ giới tại thị trường Singapore ghi nhận ​​sự gia tăng doanh số bán quần thể thao, áo nỉ, nội y và đồ gia dụng, tăng từ 84-519% so với năm ngoái. Số liệu được thống kê trong tuần từ 16-3-2021.

Thích nghi với điều kiện làm việc ở nhà, phụ nữ đang chọn mua quần áo thoải mái, hơi hướng cổ điển và chất lượng cao.

Tuy nhiên, đó là thương mại điện tử, còn livestream bán hàng thì ngay cả một số thương hiệu lớn cũng chỉ có lèo tèo vài ba trăm người xem.

Tại Singapore, người dân khá thờ ơ với livestream. Bà Florence Low, nhà sáng lập của nền tảng độc lập chuyên ký gửi đồ hiệu LuxLexicon và LuxCollate, cho rằng diện tích Singapore quá nhỏ, giao thông thuận tiện và tâm lý thích mua sắm trực tiếp hơn là lý do livestream bán hàng không có động lực phát triển.

Livestream bán hàng hiệu, thành công ở Trung Quốc, thất bại ở Singapore - Ảnh 2.

Buổi livestream đông người xem nhất của bà Florence Low, nhà sáng lập của nền tảng độc lập chuyên ký gửi đồ hiệu LuxLexicon và LuxCollate, có 651 người xem vào ngày 6-6- Ảnh: Channel News Asia

Ngược lại, theo báo Global Times của Trung Quốc, livestream góp phần giúp Trung Quốc đi ngược xu hướng xuống dốc của thị trường hàng hóa xa xỉ toàn cầu năm qua với mức tăng trưởng phi thường là 48%.

Tính đến tháng 12-2020, khán giả xem livestream của Trung Quốc đạt 617 triệu người, chiếm 62,4% tổng số người dùng Internet ở Trung Quốc, tăng 57 triệu người kể từ tháng 3-2020.

Trong đó, có 388 triệu người đã mua hàng qua livestream, cao hơn so với 300 triệu vào năm 2019. Số người tổ chức livestream cũng vượt mốc 130 triệu người.

2020 là năm các nhãn hàng lớn và các nhà bán lẻ đổ bộ sang lĩnh vực livestream ở Trung Quốc. Hãng thời trang Pháp Louis Vuitton tổ chức buổi livestream đầu tiên trên ứng dụng bán lẻ hàng xa xỉ Little Red Book (Xiaohongshu).

Công ty Net-a-Porter hợp tác với Mr Bags - "ông hoàng túi hiệu", blogger thời trang có tầm ảnh hưởng hạng A ở Trung Quốc trên nền tảng Taobao Live của Alibaba để bán túi xa xỉ.

Hợp tác giữa Bottega Veneta do Kering sở hữu với "vua son môi" Austin Li của Trung Quốc giúp ​​230 chiếc túi Mini Pouch, giá 1.900 USD/chiếc bán ra trong 10 giây.

Công ty thời trang Moncler giờ đây trực tiếp quản lý hoạt động thương mại điện tử của riêng họ sau buổi livestream thành công trên Weibo với bộ sưu tập 7 Moncler Fragment Hiroshi Fujiwara vào tháng 7-2020 với 32 triệu lượt xem trong một ngày.

Gần 40% những người bán hàng livestream (livestreamer) trong độ tuổi 24-30, đa số sống ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Vũ Hán.

Livestreamer đã trở thành một nghề mới trong năm 2020 và livestream trở thành một ngành công nghiệp. 20 loại nghề nghiệp mới như vận hành, hỗ trợ phát trực tiếp, dịch vụ khách hàng… đã nảy sinh từ dịch vụ này.

Livestream bát nháo: Đủ kiểu livestream bóc phốt, bán hàng Livestream bát nháo: Đủ kiểu livestream bóc phốt, bán hàng

TTO - Mạng xã hội từ ngày có thêm công cụ livestream - bên cạnh những câu chuyện đẹp, tích cực, cũng có không ít sự vụ ồn ào từ tính năng này.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên