23/09/2013 11:35 GMT+7

Lính hải quân nơi cuối đất cùng trời

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Cái vọng gác sơn màu vàng, xây trên mỏm đá cheo leo nhìn ra biển. Vọng gác cách đại đội 24 khoảng 2km nhưng gần như biệt lập.

I5aTl5m8.jpgPhóng to
Những người lính hải quân trên Hòn Từ chia tay khách từ đất liền ra thăm - Ảnh: H.T.

Có lần sét đánh sạm cả tường vọng gác. Đề nghị xây cột chống sét mãi vẫn chưa được vì không có kinh phí. “Cái vọng gác nhỏ tí kia vậy mà quan trọng lắm đấy. Mỗi lần tàu đến tàu đi, anh em đều giơ tay chào. Bộ đội trên đó vất vả lắm. Nước không có, phải hứng nước mưa từ... mái nhà hai gian bé con con, chỉ đủ để vo gạo, nấu cơm mà cũng phải rất tằn tiện. Nước đánh răng, rửa mặt phải cắt đường rừng xuống bãi xách lên. Điện cũng không. Anh em phải đốt đèn dầu thắp sáng!” - một sĩ quan hải quân chỉ tay về phía xa xa trên đỉnh núi cao của đảo Thổ Chu (Kiên Giang), đảo xa nhất của vùng biển Tây Nam VN, cho biết. Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về cuộc sống còn bộn bề những khó khăn, thiếu thốn của người lính đóng quân ở những hòn đảo xa nhất của phía Tây Nam Tổ quốc này.

9 lít dầu cho 5 giờ có điện

Chỉ mong cho dân đỡ khổ

“Tôi chỉ ước có đường, có cảng, có trường học, bệnh xá cho dân đỡ vất vả” - thượng úy Hồ Hữu Nghĩa, trạm trưởng trạm rađa Hòn Chuối, nói. Các anh - những người lính hải quân nơi cuối đất cùng trời này - là thế, không bao giờ nghĩ đến mình trước tiên...

Đảo Thổ Chu cách TP Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 200km. Tất cả các đơn vị đóng quân trên đảo chỉ được cấp một máy phát điện, không có cái thứ hai để dự trữ. Mỗi ngày, mỗi đơn vị chỉ được cấp 9 lít dầu để máy phát điện đủ chạy trong năm giờ (từ 17g-22g). Ban ngày không điện, đài. Ngày nghỉ, giờ nghỉ anh em cũng không có điện xem tivi để giải trí cho khuây khỏa. Máy phát điện đã cũ, hom hem muốn “về hưu” lắm rồi nhưng vẫn phải “oằn mình” chạy nên hư hoài.

“Nếu sửa không kịp, không có điện, đơn vị phải dùng đèn pin mini. Nhưng chúng tôi còn có thợ kỹ thuật sửa nên đỡ vất vả hơn các đơn vị đóng trên đồi, bãi lẻ, độc lập như Hòn Từ, mỗi lần máy hỏng phải thuê hoặc quá giang ghe cá ngư dân đưa máy sang Thổ Chu sửa vì bên đó không có thợ kỹ thuật. Đi lại đã mất bốn giờ. Có khi chưa sửa kịp thì anh em bên đó phải dùng đèn dầu” - thượng tá Dương Đức Mười, đảo trưởng đảo Thổ Chu, nói.

Người đảo trưởng này đã 21 năm 8 tháng ở đảo. Anh bảo: “Bây giờ đang cuối mùa mưa nhưng anh em đã phải tiết kiệm nước rồi. Những đơn vị đóng trên đồi cao như đại đội 22, đại đội 23, đại đội 24 và cụm 2 thì nước dự trữ trong bể chỉ đủ dùng cho việc nấu cơm”. Mùa khô, chuyện khan hiếm nước ngọt ở các đồi cao tại tất cả các đảo trở nên trầm trọng, nhất là tháng 2, tháng 3. Mỗi lần tắm, bộ đội phải đi từ trên đồi cao 150m so với mực nước biển, cắt đường rừng xuống bãi cách đơn vị khoảng 2km để tắm. “Khó khăn nên bộ đội nảy ra sáng kiến: mỗi người đi tắm xách theo một can 5 lít lên để đánh răng, rửa mặt. Tắm xong đi lên người vã mồ hôi như chưa tắm vậy. Ai cũng một tay xách can nước, một tay xách túi quần áo ướt. Trên vai người nào cũng có một chiếc khăn đã nhúng ướt, cách đơn vị 50m mới lấy khăn ra lau người” - thượng úy Nguyễn Lâm Tùng, đại đội trưởng đại đội 24, cho biết.

Để động viên chiến sĩ, đại đội 22, đảo Thổ Chu còn nghĩ ra việc chấm điểm tắm thi. Quỹ thời gian để lên xuống đi tắm là 60 phút. Cứ lên sớm 5 phút được cộng 1 điểm. Có người lên sớm tới 15 phút. Kết quả này được cộng vào điểm thi đua hằng ngày. Hằng tuần đều có biểu dương cá nhân tiêu biểu. Mỗi tập thể trích từ quỹ tăng gia tặng quà trong buổi sinh hoạt chi đoàn. Ai xuất sắc nhiều lần thì được cộng vào tiêu chuẩn về phép, cho về sớm hơn. Giải quyết tạm ổn về phần nước tắm giặt nhưng đoạn đường đi lại rất nguy hiểm, vất vả. Bộ đội phải leo qua những đoạn dốc thẳng đứng, phải buộc dây để vịn đi lên. Đoạn đường từ phần có bêtông lên trạm rađa chỉ khoảng 700m, từ đại đội 23 sang đại đội 24 chỉ khoảng 2,2km nhưng kinh hoàng còn hơn đường Trường Sơn, chỉ có xe chuyên dụng của quân đội mới bò lên được. Các loại xe máy dù đơn vị có cũng không lên được.

WBj2AshE.jpgPhóng to
Tập luyện trên thao trường ở đảo Thổ Chu - Ảnh: H.T.

“Dốc binh nhất”

Rọi đèn pin mà đi

Đi lại khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng mỗi khi dân dưới gành đau ốm, gọi thì quân y của trạm xuống ngay, kể cả đêm khuya. “Chúng tôi mang theo sẵn thuốc, nước biển, dụng cụ y tế, không để dân lên trạm vì đi lại nguy hiểm quá, lại đau thêm. Thôi thì mình chịu khó xuống, đỡ khổ cho dân” - y tá, trung sĩ Đinh Văn Lập (20 tuổi, quê Hà Tĩnh) nói. Lập kể có khi mệt quá hoặc đường trơn, anh phải đi ngược, bám vào từng bậc đá mà xuống. Trước đây mỗi lần xuống khám chữa bệnh cho dân, buổi tối Lập phải nhờ một chiến sĩ đi cùng rọi đèn pin.

Câu chuyện ở đảo Thổ Chu không phải là cá biệt. Đường đi ở các đảo khác như Hòn Chuối, Hòn Khoai, Nam Du, Hòn Đốc... là câu chuyện ám ảnh với tất cả những ai từ đất liền ra đảo lần đầu tiên. Ở Hòn Chuối, đảo không có đường bêtông (dù là một đoạn) đàng hoàng như Thổ Chu, không có xe đi lại. Lên xuống gành đều phải đi bộ. Từ trên trạm rađa xuống gành có hai đường đi: mùa chướng đi theo đường biên phòng, mùa nam đi đường bậc thang đá. Đường là những bậc thang gồ ghề cắm ngang vào dốc, bước một bước thì hụt chân mà hai bước lại thừa. Thế nên người đi cứ phải xoạc cẳng chân đi hết đoạn đường cao 150m so với mực nước biển. Leo lên đừng dại mà ngoái đầu nhìn lại. Dốc đứng thăm thẳm đến choáng váng, dù dưới kia là gành vàng rực nắng và xanh ngắt biển trời. Cái dốc thẳng đứng này lỡ lăn xuống là giống như trái banh, lăn hoài không dừng!

Đi người không đã thở không nổi, vậy mà bộ đội hải quân ở đây phải lên xuống khuân vác đồ tiếp phẩm hoặc hàng từ bộ tư lệnh gửi ra. Cực nhất là khuân gạo, cánh cửa, giường... Bao gạo 50kg phải chia làm đôi để vác chứ không khiêng nổi vì đường thang đá rất hẹp, hai người không đi ngang nhau được; đường lại dốc nên người trước người sau rất nguy hiểm. Mỗi lần đi lên phải mất cả tiếng đồng hồ. Mùa mưa, nước từ trên đổ xuống như thác, trơn trượt. Có những lúc cả hai gành ghe tàu không cập vào được vì biển động, các anh phải đi những đường nguy hiểm hơn như đường bên gành Nồm. Toàn bộ là đường rừng men theo triền núi. Mỗi lần biển động là có mưa dông, đường đất trơn, một tay giữ hàng, một tay phải bám sát triền núi. Nếu bất cẩn một chút thôi, trượt chân là trôi tuột xuống. Còn đường ở mũi Kỳ Lân toàn gành đá, dốc cắm thẳng xuống. “Nắng cũng như mưa, anh em đi lại phải rất cẩn thận vì đảo không có bệnh xá” - thượng úy Hồ Hữu Nghĩa (30 tuổi, quê Thái Bình), trạm trưởng trạm rađa Hòn Chuối, cho biết. Đường đi kinh hoàng như thế nên nhiều lúc mất 2-3 ngày anh em mới chuyển hết mấy tấn gạo lên đồi. “Coi như rèn luyện thể lực và sức khỏe” - thượng úy Nghĩa mỉm cười nói.

Vẫn mỉm cười

“Đối với người lính, phức tạp thành đơn giản, khó khăn thành thuận lợi - thượng tá Dương Đức Mười bật cười nói - Cứ coi như mỗi lần leo đồi dốc vất vả, nguy hiểm vậy đấy nhưng là một lần được rèn luyện thể lực, tăng cường sức khỏe”. Trong khô cằn sỏi đá, dốc đá gập ghềnh và cả những khắc nghiệt của thiên nhiên, những người lính ở độ tuổi 8X, 9X vẫn tìm cho mình những rộn ràng, tươi tắn. “Chúng tôi xin được bộ karaoke, cũng hát hò, thi thố khi sinh hoạt tập thể, cũng tổ chức thi theo chủ đề như an toàn giao thông, phòng chống ma túy, tập văn nghệ, đóng kịch con trai con gái vui lắm. Trong huấn luyện thì phần quà biểu dương anh em chỉ là nồi chè nhưng mọi người hào hứng lắm” - thượng úy Nguyễn Lâm Tùng cho biết. Trong đại đội của Tùng, phần lớn là thế hệ 9X. “Chính sự xa xôi, khó khăn làm anh em sống tình cảm hơn, gần gũi, đoàn kết và ấm cúng hơn - thượng úy Tùng khẳng định - Nhiều người về nhà lại thích ra đơn vị sớm, phép cho 20 ngày nhưng mới 10 ngày đã ra đơn vị”.

Ít ai biết có một câu chuyện nhỏ rất cảm động của những người lính trong đại đội 24: những công trình nhỏ như hàng rào bằng sứ, nhà vệ sinh, nhà ăn... đều do anh em cán bộ, chiến sĩ tự bỏ tiền túi, trích từ quỹ tăng gia và cả đi làm thuê (ngoài giờ làm việc) cho những công trình thi công gần đó. Họ chắt chiu từng ca nước ngọt, chịu nhịn đi một chút để có tiền gây quỹ. Có tiền, anh em bảo nhau chuyển từng cục gạch, bao cát từ dưới bãi lên đồi để xây dựng những công trình nho nhỏ ấy. Diện mạo của đại đội 24 đã thay đổi rất nhiều so với thời Tùng mới ra. Ngày ấy, điện không có phải thắp nến làm giáo án huấn luyện, tủ cá nhân tận dụng từ hòm đạn, cán bộ ngủ chiếc giường ọp ẹp của chiến sĩ... “Chúng tôi còn rất nhiều dự định cho đơn vị. Nhìn lại những thành quả có được, ai cũng vui và tự hào: là công sức của chính mình trong đấy. Ngay từ khi ra đảo, ai cũng được quán triệt: đây là đảo cấp 1, là đảo tiền tiêu. Chúng tôi đảm nhiệm một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trên đảo. Thấy đơn vị khó khăn, ai cũng muốn “vượt lên số phận”, cố gắng lớn” - thượng úy Tùng tâm sự. Sinh năm 1983, mới 30 tuổi, Tùng đã bảy năm ở đảo Thổ Chu. Nhiều đêm nhìn xuống bãi nhấp nháy đèn của nhà dân và ghe cá, đẹp lung linh và bình yên quá, Tùng vẫn hay cười, gọi đó là “thành phố biển”. Tùng nói anh đang thuyết phục gia đình (ở Hải Dương) ra đảo ở. Bảy năm, về phép được bảy lần nhưng Tùng bảo anh sẽ gắn bó lâu dài với đảo. Vì còn quá nhiều dự định tâm huyết mà Tùng và đồng đội đang ấp ủ cho đơn vị. Trong tâm khảm người lính 8X này đã coi Thổ Chu là quê hương thiêng liêng của mình.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên