28/04/2023 12:15 GMT+7

Linh động cho người dân xây nhà mới lúc đợi giao mặt bằng dự án vành đai 3 TP.HCM

ĐỨC PHÚ
và 1 tác giả khác

Ông Võ Trung Trực - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết phương án đang được áp dụng cho dự án vành đai 3 TP.HCM. Cơ chế mở này giúp dự án được thực hiện trơn tru, nhanh chóng hơn.

Ông Võ Trung Trực, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ông Võ Trung Trực, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Vành đai 3 TP.HCM là một dự án đặc biệt. Việc tái định cư phải là kiểu mẫu. Người dân phải có cuộc sống tốt hơn tại nơi ở mới.

Nội dung này được ông Võ Trung Trực - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - chia sẻ tại Hội nghị sơ kết chỉ thị số 17 về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, sáng 28-4.

Người dân không bị di dời 2 lần

Đường vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76km, trong đó có đoạn dài 47km đi qua địa bàn TP. Dự án có diện tích giải tỏa khoảng 412ha. Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ. TP đã sẵn sàng cho việc khởi công dự án vào tháng 6 năm nay. 

"Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được chia làm 2 dạng. Đối với đất nông nghiệp, thủ tục diễn ra trong 90 ngày theo quy định, đất ở là 180 ngày. Tuy nhiên qua công tác vận động, nhiều người dân muốn bàn giao trước thì vẫn được xem xét giải quyết. 

Ngoài ra song song đó, chính quyền sẽ bố trí nền tái định cư cho họ. Trong thời gian này, người dân vẫn được xây dựng nhà trước khi bàn giao mặt bằng cho dự án. Cách làm này giúp người dân không bị di dời 2 lần. Nhà nước không phải bố trí tạm cư", ông Trực phân tích.

Về việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư, ông Trực cho biết thêm có nhiều người dân không đủ điều kiện được bồi thường đất ở thì tái định cư tại các chung cư. Số căn hộ này ở Bình Chánh, quận 12 hoặc TP Thủ Đức. Tùy vào điều kiện bà con có thể lựa chọn nơi tái định cư phù hợp.

Giá bồi thường mới được xem là cao hơn nhiều so với các dự án trước đây

UBND TP.HCM cũng đã có bốn quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó là mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm đối với dự án vành đai 3 TP.HCM. Các quyết định này là căn cứ để các địa phương ra các quyết định bồi thường, thu hồi đất.

Theo đó, giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất tùy thuộc vào loại đất, tuyến đường, vị trí khu đất. Đáng chú ý, giá bồi thường mới được xem là cao hơn nhiều so với các dự án trước đây.

Chẳng hạn như đường Nguyễn Duy Trinh, vị trí 1 có mức bồi thường lên tới 73,3 triệu đồng/m2. Vị trí 2 (hẻm đá - xi măng rộng từ 5m trở lên, độ sâu dưới 100m trở lên) có mức bồi thường lên tới 51,17 triệu đồng/m2.

Ở huyện Bình Chánh, giá đất cao nhất là tuyến đường Trần Văn Giàu, khoảng 42,7 triệu đồng/m2. Đối với huyện Củ Chi, giá đất ở cao nhất thuộc về đường Hà Duy Phiên hơn 19,5 triệu đồng/m2.

Còn ở huyện Hóc Môn, giá cao nhất là đường Nguyễn Văn Bứa. Vị trí 1 có giá bồi thường khoảng 35,6 triệu đồng/m2. Vị trí 2 có mức bồi thường lên đến 19,3 triệu đồng/m2.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói rằng bên cạnh các kết quả đạt được, các sở ngành, địa phương cần có đánh giá nghiêm khắc. Từ đó, rút kinh nghiệm cho việc triển khai trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP nêu vấn đề vì sao giải ngân đầu tư công chậm trong thời gian qua. Ông Mãi nhắc lại lúc đề xuất rất nhiều, nhưng sau khi đề xuất rồi lại không tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án theo quy định. Từ đây, công tác giải phóng mặt bằng, công tác ghi vốn đều chậm.

Đoàn đi khảo sát thực tế tại khu tái định cư dự án vành đai 3 tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đoàn đi khảo sát thực tế tại khu tái định cư dự án vành đai 3 tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vành đai 3 TP.HCM tại huyện Bình Chánh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vành đai 3 TP.HCM tại huyện Bình Chánh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tháng 6 phải xong 80% mặt bằng vành đai 3

Công việc giải phóng mặt bằng cho đầu tư công, ông Phan Văn Mãi đề nghị bí thư TP Thủ Đức và các quận huyện quan tâm rà soát từng dự án. Cuối tháng 6-2023, mỗi dự án phải hoàn thành ít nhất 70% mặt bằng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, riêng vành đai 3 đến trước tháng 6 phải xong 80%.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường từ đây đến cuối năm chủ trì cùng với các sở ngành nhu cầu mặt bằng, quỹ đất sạch. Từ đó đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội TP từ đây đến năm 2030. Việc này để TP có thể tiến hành giải phóng mặt bằng trước.

Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: T.T.D

Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu chỉ đạo hội nghị. Trong đó ông Mãi chỉ đạo tháng 6 phải xong 80% mặt bằng đường vành đai 3 - Ảnh: T.T.D.

Vành đai 3 TP.HCM: Đền bù cao nhất 73,3 triệu/m2Vành đai 3 TP.HCM: Đền bù cao nhất 73,3 triệu/m2

UBND TP.HCM vừa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường cho dự án vành đai 3, trong đó mức bồi thường cao nhất là 73,3 triệu đồng/m2 ở TP Thủ Đức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên