01/05/2005 01:01 GMT+7

Lính đặc công số 1

QUỐC TRI
QUỐC TRI

TTCN - Ông Hai Cà không nhận là “người lính đặc công số 1”, nhưng bạn lính kể ông là người đầu tiên khai phá lối đánh đặc biệt tinh nhuệ này. Ngày 19-3-1948 ông cùng đồng đội lần đầu bí mật diệt gọn tháp canh cầu Ba Kiên. 19 năm sau ngày ấy cũng là ngày chính thức thành lập binh chủng đặc công của Quân đội nhân dân VN. Với chiến thuật bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm..., binh chủng này đã giáng những đòn khốc liệt vào bao sào huyệt bất khả xâm phạm của kẻ thù...

RiyQOaI0.jpgPhóng to
TTCN - Ông Hai Cà không nhận là “người lính đặc công số 1”, nhưng bạn lính kể ông là người đầu tiên khai phá lối đánh đặc biệt tinh nhuệ này. Ngày 19-3-1948 ông cùng đồng đội lần đầu bí mật diệt gọn tháp canh cầu Ba Kiên. 19 năm sau ngày ấy cũng là ngày chính thức thành lập binh chủng đặc công của Quân đội nhân dân VN. Với chiến thuật bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm..., binh chủng này đã giáng những đòn khốc liệt vào bao sào huyệt bất khả xâm phạm của kẻ thù...

Bây giờ đã ở tuổi 85, nhưng chiến sĩ đặc công Trần Công An, bí danh Hai Cà năm xưa, vẫn sang sảng hào khí của một thời chiến đấu hào hùng... Đó là một chiều trước đêm Noel năm 1946, bọn lính Pháp ra ngoài hái hoa. Ông Hai Cà giả làm người chăn trâu xăng xái chỉ đường, rồi lặng lẽ áp sát một tên lính súng ống đầy mình, chủ quan đi lẻ.

Lựa lúc nó cúi xuống, ông bất ngờ tung đòn xiết cổ chớp nhoáng. Người thường bị đòn hiểm này bất động ngay, nhưng tên lính Pháp nặng gấp đôi ông còn vùng vẫy quyết liệt. Chỉ đến khi ông tung tiếp mấy đòn hiểm vào đầu nó mới chịu thúc thủ để ông tháo thắt lưng thít cổ dẫn đi. Lần đầu tiên, việc một thanh niên cù lao Rùa tay không bắt gọn tên lính Pháp làm mọi người phấn chấn, nhưng cũng đặt ra cho ông thử thách mới.

“Điểm huyệt tử” đầu tiên

pcaRNMPX.jpgPhóng to

Binh chủng đặc công chính thức ra đời ngày 19-3-1967. Đây là binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc công là từ gọi tắt của cách đánh “công đồn đặc biệt”. Có nhiều loại đặc công như đặc công bộ, đặc công nước, đặc công biệt động đô thị. Trong lịch sử chiến đấu, chiến thuật đặc công đã làm nên những chiến thắng oai hùng ở những nơi, những lực lượng tưởng như bất khả chiến bại như sân bay Cát Bi, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Gia Lâm, Bạch Mai, Phú Thọ Hòa, Hội An, Tua Hai, Núi Thành, Hoài Đức, Bắc Ruộng, Long Bình, Đồng Dù, Thành Tuy Hạ, Nhà Bè, sứ quán Mỹ, Đắc Hà...

Sau tái chiếm, Pháp thực hiện chiến thuật “vết dầu loang” với hệ thống đồn bót, tháp canh xiết dần khu kháng chiến. Cấp trên biết chuyện ông tay không bắt giặc, phân công phải tìm cách đánh bại tháp canh để vỗ mặt kẻ thù. Thời điểm đó nhiệm vụ này cực kỳ khó khăn vì kinh nghiệm quân sự và vũ khí còn thiếu thốn, nếu đánh trực diện kiểu truyền thống thì số hi sinh sẽ rất cao. Nhiều đêm liền ông bò đến gần tháp canh cầu Ba Kiên, Bình Dương để quan sát. Được xây rất kiên cố với tường gạch dày 40cm, rộng 16m, cao 10m, một phiên gác 10 lính, được bảo vệ bằng rào sắt, đèn pha và mìn.

Có nhiều chi tiết khiến ông chú ý như giờ đổi phiên gác, lỗ châu mai, thói nghiện thuốc của lính Pháp, cỏ dại, đặc biệt là hệ thống đèn pha... Trở về, ông để đồng đội giả đánh tháp, còn mình trèo lên cây, ôm đèn pha, làm lính canh. Dưới ánh đèn, anh em đột nhập hàng chục lần đều bị ông phát hiện, có khi cả cơ thể, lúc là chỏm tóc đen, đôi mắt. Nghiên cứu mãi ông phát hiện ra qui tắc là dù đèn sáng và mắt người gác tinh cỡ nào thì cũng có lúc bị “mù”, do nhìn lâu vào luồng sáng mạnh, mắt không thể nhìn thấy gì ở khoảng đen khi đèn pha lướt qua. Nó chỉ diễn ra trong một vài giây nhưng là “thời điểm vàng” của người đột nhập.

Tìm được lối đánh, ông tập trung mấy chục anh em để huấn luyện, nhưng cuối cùng chỉ chọn Hồ Văn Lung và Trần Văn Nguyên tham chiến cùng mình. Tuy nhiên, lúc ấy đa số còn sử dụng loại lựu đạn đập thô sơ. Ông lo chính tiếng đập này sẽ làm mất yếu tố bất ngờ để giặc nhanh chóng phản ứng. Đến khi cấp trên cho chín quả lựu đạn rút chốt, ông mới ra quân. Nhưng lần đầu, ông và đồng đội đột nhập vào đêm 19-3-1948 lại gặp trở ngại, vì chiều đó bọn Pháp đốt trụi đồng cỏ bao quanh. Đang loay hoay, ông bất ngờ nhìn lớp tro cỏ và nghĩ ra cách lấy chính tro này xoa lên người để ngụy trang...

Cuối cùng, ba người đều áp sát tháp canh thành công, tung liên tiếp chín quả lựu đạn. Tiếng nổ rền tai nhưng bên trong vẫn còn vọng lên tiếng la hét của bọn lính. Ông tung tiếp quả lựu đạn cuối cùng phòng thân. Nó nổ gần, sức ép làm ông bị chấn thương lồng ngực nhưng vẫn ráng cùng đồng đội rút dao găm lao vào cận chiến, hạ gọn những tên còn sống, thu 10 súng trường và rất nhiều đạn dược.

Ngay đêm đó, sự kiện tháp canh Ba Kiên bị diệt lan truyền. Quân Pháp hoang mang với lối đánh lần đầu xuất hiện ở chiến trường này. Lúc ấy chưa có tên gọi đặc công, nhưng quân kháng chiến đã hiểu có thể áp dụng chiến thuật “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy tinh nhuệ chiến thắng số lượng đông”. Ông được giao huấn luyện lối đánh này cho chiến sĩ chiến khu Đ và các tỉnh lân cận. Tuy khởi đầu nhưng phương pháp huấn luyện khá bài bản, có cả mô hình tháp canh, đồn bót. Chiến sĩ được huấn luyện kỹ thuật hóa trang, vượt rào thép gai, bãi mìn, ánh sáng và những đòn thế cận chiến hiểm hóc...

Mặc dù đã đề phòng lối đánh xuất quỉ nhập thần này nhưng nhiều sào huyệt của quân Pháp sau đó vẫn liên tiếp bị đánh tung. Riêng trận đánh tháp canh lớn ở cầu Vàm Giá, Phú Giáo, cả trung đội địch với đủ hỏa lực hạng nặng đại liên, súng cối bị hạ gục hoàn toàn. Trận này, ông Hai Cà dẫn nhóm người của mình hóa trang thành cây cỏ vượt hàng rào kẽm gai, bãi mìn, rồi luồn dưới kênh nước tiếp cận mục tiêu thành công dưới mấy họng súng đại liên lúc nào cũng chĩa... ngay trên đầu họ. Sau trái nổ phá tường, trái nổ thứ hai được cột vào đầu cây tầm vông nhét sâu vào bên trong. Sức công phá khủng khiếp đến mức vỡ tung tháp, hất bay tên lính ngồi canh trên cao ra sông cách đó mấy chục mét, 31 lính chết tại chỗ, còn bốn tên trọng thương bị bắt sống. Đặc biệt, nhóm của ông Hai Cà đã phối hợp hiệu quả với chiến sĩ bộ binh. Sau đòn “điểm huyệt tử” bất ngờ, lực lượng này đã xông vào dứt điểm mục tiêu...

Những cái bóng vô hình

“Ai cũng hỏi làm sao tui nghĩ ra được lối đánh đặc công. Tui chỉ vào tim mình và trả lời nếu có lòng căm thù và ý chí quyết thắng thì sẽ có cách đánh thôi. Quê tui ngày xưa ở cù lao Rùa, Bình Dương, khổ lắm. Tía chết lúc tui mới biết khóc oe oe. Má một thân phải đi mần mía để nuôi anh em tui. Vậy mà lính Tây vẫn hà hiếp đủ đường. Tui ra sông vớt củi trôi về phụ má đong gạo cũng bị tụi nó hạch sách, bòn mót. Năm 11 tuổi, tui đã phải nghỉ học, đi chăn trâu, rồi đi phu mía. Ở đâu tui cũng toàn thấy cảnh dân mình lầm than. Ngay lúc đó tui đã ôm hận, luyện tập sức khỏe, võ nghệ, gia nhập Việt Minh để đánh trả...”.

Năm 1954, ông Hai Cà tập kết ra Bắc, nhưng chỉ bảy năm sau lại tình nguyện trở về chiến đấu ở miền Nam ruột thịt. Vừa tham chiến, ông vừa là người lập kế hoạch tác chiến, chỉ huy chiến sĩ đặc công tung “những cú đấm tử thần” vào các căn cứ tưởng chừng bất khả xâm phạm của quân đội Mỹ.

Thời điểm đó miền Đông Nam bộ đã trở thành căn cứ hùng hậu của quân đội Mỹ với các sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ”, sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 “Tia chớp nhiệt đới”, tổng kho liên hợp Long Bình, sân bay quân sự Biên Hòa... Để bảo vệ những trọng điểm này, quân đội Mỹ ngoài sử dụng biệt kích tinh nhuệ còn có các phương tiện điện tử hiện đại kết hợp cùng “truyền thống” như chó bẹcgiê, ngỗng, rắn và hàng chục lớp rào thép, bẫy mìn. Ban đầu chúng đã huênh hoang tuyên bố: “Con chuột nhắt mà muốn vào được những nơi này cũng phải xin phép lính Mỹ”. Tuy nhiên, ngay sau đó các “cú đấm tử thần” của bộ đội đặc công đã làm chúng phải đổi lại câu nói “những nơi này đã bị Việt cộng bỏ túi”.

Ông Hai Cà kể càng về sau kỹ thuật bố phòng quân sự càng hiện đại, đặc biệt là quân đội Mỹ. Tuy nhiên, người lính đặc công không có giới hạn cuối cùng nào là không thể vượt qua, mà đôi khi những bài học xương máu này lại được nhân dân chưa bao giờ cầm súng truyền dạy. Chính đồng bào đã chỉ ông cách “làm ngỗng phải phục đầu” bằng những vốc hành giả mùi rắn hổ. Còn chó bẹcgiê thì có rất nhiều cách để qua mặt như tắm rửa thật sạch, phơi sương, xoa bùn, thậm chí tắm cả loại xà bông lính Mỹ hay dùng. Đặc biệt, đặc công còn biết nướng thịt bò tẩm bơ theo đúng kiểu Mỹ rồi nhẹ nhàng thả vào cho chó táp. Hàm răng vừa ngập vào miếng thịt thì chớp mắt một mũi dao găm đã hạ gục chúng trong khi chúng còn chưa kịp sủa tiếng nào.

u79L163H.jpgPhóng to
Bây giờ, căn nhà nhỏ thấp lè tè ở cổng sân bay Biên Hòa bề ngoài cũng bình thường như bao ngôi nhà khác. Nhưng bức tường mốc meo bên trong lại làm cho người ta phải chú ý với hàng trăm bức ảnh về những người lính đặc công, đặc biệt là ảnh các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Nguyên Giáp, Phan Văn Khải... chụp chung với ông Trần Công An, chủ nhân ngôi nhà. Và hình như đó cũng là tài sản quí giá nhất của người lính đặc công số 1 này. Tâm sự với tôi, ông cứ nói hãy viết tiếp về các thế hệ đặc công trẻ, bởi họ cũng anh hùng và làm được những điều còn kỳ tích hơn cả các thế hệ đàn anh.
Lịch sử sau này có thể kể lại bao nhiêu lần tổng kho liên hợp Long Bình và sân bay Biên Hòa bị đánh cháy, nhưng chắc chắn sẽ khó ghi lại đầy đủ được bao nhiêu lượt chiến sĩ đặc công đã đột nhập vào các nơi này. Chỉ riêng ông Hai Cà đã rất nhiều lần chỉ huy các chiến sĩ đặc công đột nhập thành công. Có khi họ chỉ đi điều nghiên tình hình, như những bóng ma nhẹ nhàng vượt qua gần 20 lớp rào và bãi mìn, lính canh, đèn pha để “tai nghe, mắt thấy, tay sờ mục tiêu”, rồi lại trở ra êm ái.

Nhiều lần đột nhập nửa chừng thì trời sáng, ông Hai Cà và các chiến sĩ đặc công phải nằm lại giữa trùng lớp kẻ thù. Không có một bài bản ẩn thân nào cố định. Tùy thời tiết mưa, nắng, màu sắc ánh sáng, màu sắc đất đá, cây cỏ, cống rãnh, các đặc công chỉ mặc độc quần lót, phải nhanh trí xoay xở cách “vô hình” ngay trước mũi súng kẻ thù. Nguyên tắc này gần giống con tắc kè có thể đổi màu chìm lẫn trong cảnh vật xung quanh bất cứ lúc nào.

Liên tiếp ba trận trong ba tháng 10, 11, 12-1966 ông Hai Cà phôi hợp với đơn vị bạn đã chỉ huy các chiến sĩ đặc công đột nhập thành công, phá nổ hơn 400.000 tấn bom đạn Mỹ. Còn ở sân bay Biên Hòa, lực lượng của ông Hai Cà cũng đã rất nhiều lần làm kẻ địch phải kinh hoàng. Chỉ riêng trận tháng 9-1972, đơn vị ông phối hợp với lực lượng bạn bí mật vượt 20 lớp rào các loại, đột nhập tận đường băng và trong tích tắc cho nổ tung 127 máy bay các loại.

Nhiều chiến sĩ đặc công đã quyết tử để quyết thắng. Trong đó, hai người con trai của ông Hai Cà đã trở thành liệt sĩ và thương binh cũng tại sân bay Biên Hòa. Rất lâu sau đó, chính lực lượng biệt kích tinh nhuệ của Mỹ vẫn chưa thể hiểu nổi làm sao đặc công VN liên tiếp đột nhập và đánh phá thành công những nơi bất khả xâm phạm này.

QUỐC TRI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên