Điểm tập kết vài thiều Lục Ngạn tại Bắc Giang do Saigon Co.op thu mua - Ảnh: CHÍ TUỆ
Hai bên đã làm việc với các nội dung hợp tác, liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm giữa Saigon Co.op với các HTX trên địa bàn cả nước, chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm OCOP và kế hoạch hợp tác dài hạn giữa Liên minh HTX Việt Nam và Saigon Co.op.
Cần liên kết nhà phân phối với HTX sản xuất
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - bí thư Đảng đoàn, chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - hoạt động cơ quan Liên minh HTX Việt Nam và hệ thống Liên minh HTX 63 tỉnh thành thời gian qua có sự phát triển tốt.
Trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 27.000 HTX, trong đó có gần 18.000 HTX nông nghiệp; gần 8.500 HTX phi nông nghiệp, 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân, 130.000 tổ hợp tác, 100 Liên hiệp HTX. Đặc biệt, có rất nhiều lao động trẻ có chuyên môn khởi nghiệp từ HTX.
Mặc dù hệ thống HTX phát triển mạnh như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op - từ đầu năm đến nay, Saigon Co.op mới chỉ thu mua hàng hóa của 36 HTX trên cả nước với doanh số vỏn vẹn 176 tỉ đồng.
Đây là con số quá nhỏ so với tổng doanh thu gần 35.000 tỉ đồng của Saigon Co.op và vị thế của một doanh nghiệp trong ngành phân phối vốn đang chiếm trên 35% thị phần của thị trường hàng hóa bán lẻ trong nước, có hàng nghìn nhà cung cấp đầu vào.
Do đó, ông Đức nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh thu mua, kích cầu từ sản phẩm OCOP (thuộc chương trình mỗi làng một sản phẩm) của các HTX.
Việc kết nối giữa các HTX với đơn vị phân phối quy mô lớn như Saigon Co.op không thể thiếu được vai trò của Liên minh HTX Việt Nam. Do đó, ông Bảo khẳng định Liên minh HTX Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp để kết nối cho các HTX đưa được hàng vào hệ thống bán lẻ rộng khắp của Saigon Co.op, đồng thời mong muốn phát triển sản phẩm lĩnh vực riêng giữa Liên minh HTX Việt Nam và Saigon Co.op.
Ông Bảo nhấn mạnh Liên minh HTX sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh cùng các HTX để xây dựng và phát triển hệ thống sản xuất sạch theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc.
Trong đó, chuỗi siêu thị của Saigon Co.op là Co.opmart cần phát huy vai trò là đơn vị tiên phong đồng hành cùng Liên minh HTX Việt Nam để thúc đẩy sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm của HTX.
Thực tế, việc liên kết hợp tác giữa Saigon Co.op với các HTX cũng đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giá trị gia tăng và thu nhập cho thành viên.
Đơn cử HTX Tân Tiến (huyện Tam Bình, Vĩnh Long), khi đi vào hoạt động hướng tới mục tiêu nâng cấp sản phẩm lúa gạo theo quy trình VietGAP, không sử dụng phân, thuốc vô cơ, có sự tham gia của 4 nhà gồm HTX và nông dân, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp, đã giúp nâng cao chuỗi giá trị.
Saigon Co.op đưa trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) có mặt trên 1.000 điểm bán của hệ thống trên toàn quốc là một trong những chương trình liên kết với các HTX triển khai mô hình chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Để tạo sự vững chắc trong ký kết các hợp đồng thương mại nông sản, chúng tôi hi vọng sẽ ký kết hợp đồng 3 bên gồm Liên minh HTX Việt Nam hoặc Liên minh HTX các tỉnh, các HTX và Saigon Co.op. Đồng thời không để xảy ra chuyện nông sản không bán được thì yêu cầu Co.opmart giải cứu, còn khi thị trường tốt hoặc xuất khẩu được lại quay lưng với chuỗi phân phối nội địa. Chúng tôi cần có sự cam kết ổn định xa hơn. Saigon Co.op sẽ kết nối sản phẩm của các HTX không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Ông NGUYỄN ANH ĐỨC - tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM
Hiệu quả từ mô hình chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ
Nhờ chất lượng sản phẩm có sức cạnh tranh và chinh phục được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, từ năm 2016 đến nay, HTX đã cung cấp cho Saigon Co.op hơn 100 tấn gạo đạt tiêu chuẩn chứng nhận các loại. Nhờ có đầu ra ổn định đã góp phần tăng thu nhập xã viên khoảng 46 triệu đồng/người/năm, các thành viên trong HTX đều vươn lên thoát nghèo.
Hay trong những năm qua, Saigon Co.op tham gia đưa trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) đạt chứng nhận VietGAP trái cây an toàn để có mặt trên 1.000 điểm bán của hệ thống trên toàn quốc. Lượng vải thiều tiêu thụ tăng hơn 20% so với năm ngoái, được "nâng cấp" chất lượng, mẫu mã, bao bì và còn chế biến, đóng hộp để bảo quản lâu dài.
Việc áp dụng kinh doanh trên nền tảng trực tuyến như một "cánh tay nối dài" của hệ thống phân phối này giúp đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
"Tuần lễ nông sản, sản phẩm du lịch Sơn La" vào tháng 6 vừa qua với sự tham gia của 25 doanh nghiệp, HTX, giới thiệu các sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm đặc trưng vùng miền là kết quả quá trình ký kết giữa Saigon Co.op với các HTX địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Sẽ có ký kết hợp tác các bên
Tại buổi làm việc với Liên minh HTX Việt Nam, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất cần xây dựng 3 mô hình HTX kiểu mới như HTX sinh viên, HTX việc làm và HTX tiêu dùng cục bộ; đề xuất chương trình đào tạo kết nối nguồn nhân lực… Đồng thời có các kiến nghị liên quan đến luật, nghị định, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho Saigon Co.op.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo hoàn toàn tán thành các kiến nghị từ phía Saigon Co.op và nêu ra các phương hướng giải quyết cụ thể. Bên cạnh đó, mong muốn Saigon Co.op sẽ tiếp tục nghiên cứu nguồn lực từ phía Liên minh HTX Việt Nam, hợp tác với các HTX thành viên trong cả nước.
Trong thời gian tới, đề nghị Saigon Co.op tiếp tục mở rộng thành viên, lấy HTX làm nòng cốt chính.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam và Saigon Co.op chính thức ký kết hợp tác để hỗ trợ về xúc tiến thương mại cho các HTX và các lĩnh vực có liên quan, dự kiến lễ ký kết hợp tác sẽ diễn ra vào tháng 11-2020 trong phiên trù bị của Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020- 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận