Những người tham dự đau khổ trong đám tang anh Khant Nyar Hein, sinh viên y khoa 19 tuổi, đã bị bắn chết trong cuộc trấn áp người biểu tình của lực lượng an ninh (ảnh chụp tại thành phố Yangon, Myanmar ngày 16-3-2021 ) - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, phát biểu trước báo giới hôm nay 16-3, bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, nói: "Số người chết tăng cao trong tuần qua tại Myanmar, lực lượng an ninh tại đây đã dùng vũ lực càng lúc càng dữ dội hơn để chống lại những người biểu tình ôn hòa".
Theo số liệu Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền chứng thực được, tới nay đã có 149 người chết trong các chiến dịch trấn áp người biểu tình kể từ ngày 1-2. Tuy nhiên, bà Ravina Shamdasani nhấn mạnh con số trên thực tế chắc chắn cao hơn nhiều.
Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cho biết số người chết tại Myanmar đã tăng đáng kể những ngày gần đây, với 11 người chết hôm 15-3, 39 người chết hôm 14-3 và 18 người hôm 13-3.
Theo thống kê của Hiệp hội Hỗ trợ tù chính trị (AAPP), tới nay đã có hơn 180 người bị giết chết tại Myanmar, trong đó chỉ riêng chủ nhật vừa rồi (14-3) có 74 người.
Cùng với các trường hợp bị giết, bà Shamdasani cho biết thêm về tình trạng lực lượng an ninh vẫn đang tiếp tục bắt giữ người trên toàn quốc. Hiện có ít nhất 2.084 người bị giam giữ.
"Các báo cáo hết sức lo ngại về tình trạng tra tấn trong lúc giam giữ cũng đã xuất hiện", bà Shamdasani nói.
Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đã xác minh được "có ít nhất 5 trường hợp tử vong trong lúc bị giam giữ đã xảy ra những tuần gần đây" và "ít nhất có 2 thi thể nạn nhân cho thấy đã bị tra tấn, hành hạ".
Cũng theo bà Shamdasani, hàng trăm người đã bị bắt hiện chưa biết ở đâu và chính quyền quân sự cũng không thừa nhận đã bắt họ.
Liên quan tới diễn biến bất ổn tại Myanmar, tới nay đã có ít nhất 37 nhà báo bị bắt, trong đó 5 cơ quan báo chí lớn tại Myanmar bị rút giấy phép hoạt động.
Chính quyền quân sự Myanmar buộc tội phản quốc với đặc phái viên Sasa
Thông báo phát trên Đài truyền hình Myawaddy TV của quân đội Myanmar cáo buộc tội phản quốc với bác sĩ Sasa, đặc phái viên quốc tế của chính phủ đã bị lật đổ tại Myanmar.
Theo Hãng tin Reuters, chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc bác sĩ Sasa - hiện đang ở nước ngoài - tội phản quốc vì đã kích động phong trào phản kháng dân sự, kêu gọi trừng phạt quốc tế và làm đặc phái viên tại Liên Hiệp Quốc cho một tổ chức phi pháp của các nghị sĩ bị bãi chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận