Liên đoàn Boxing Việt Nam và bộ môn boxing Tổng cục Thể dục thể thao mâu thuẫn gay gắt đã ảnh hưởng đến sự phát triển của boxing Việt Nam - Ảnh: BOXING CHÂU Á
Mới đây, ông Nguyễn Duy Hùng - phó chủ tịch Liên đoàn Boxing Việt Nam - đã có đơn kiến nghị gửi Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xác minh những tiêu cực xảy ra ở môn boxing tại SEA Games 31.
Tiếp đó, ông Trần Minh Tiến - chủ tịch Liên đoàn Boxing Việt Nam - tiếp tục có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phản ánh về những khó khăn, bất cập ảnh hưởng nghiêm trọng đến boxing Việt Nam. Đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan xác minh sự việc, xử lý để giúp boxing phát triển.
Liên đoàn nói bị người của tổng cục gây khó dễ, phá hoại
Trong đơn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ tịch Liên đoàn Boxing Việt Nam cho biết những năm qua liên đoàn gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực làm việc, mang về nhiều thành quả cho boxing Việt nam.
Liên đoàn Boxing Việt Nam là một trong số ít các liên đoàn quốc gia đã thực hiện xã hội hóa toàn bộ kinh phí hoạt động và tổ chức các giải thi đấu. Đặc biệt, toàn bộ kinh phí tổ chức các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia những năm qua, chỉ sử dụng kinh phí từ vận động tài trợ, không sử dụng kinh phí của Tổng cục Thể dục thể thao.
Dù vậy, Liên đoàn Boxing Việt Nam cho rằng, liên đoàn chỉ tham dự các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia với tư cách giám sát. Mọi công tác tổ chức, điều động trọng tài, điều hành thi đấu giải đều do ông Vũ Đức Thịnh (trưởng bộ môn boxing Tổng cục Thể dục thể thao) thực hiện.
Liên đoàn cho rằng công tác điều hành, trọng tài tại các giải đấu của boxing Việt Nam có biểu hiện tiêu cực. Nhiều trận đấu vận động viên thắng áp đảo, chênh lệch trình độ rất rõ nhưng lại tuyên bố thua trận, gây bức xúc cho huấn luyện viên, vận động viên.
Đặc biệt, có hiện tượng dàn xếp kết quả trận đấu, phân chia huy chương xảy ra thường xuyên tại các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia. Có giải với 26 trận chung kết thì trên 50% trận đấu không tổ chức.
Liên đoàn Boxing cho biết, khi liên đoàn đề xuất trọng tài làm nhiệm vụ tại các giải quốc gia thì bị bộ môn thay đổi. Nhiều cá nhân có biểu hiện tiêu cực, trình độ chuyên môn kém dù liên đoàn không đề xuất nhưng vẫn có tên trong danh sách được Tổng cục Thể dục thể thao quyết định tham dự giải.
Liên đoàn Boxing Việt Nam tố công tác tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên vào đội tuyển boxing quốc gia không thông qua liên đoàn, có biểu hiện tiêu cực, bè phái, lợi ích nhóm. Liên đoàn Boxing Việt Nam cho rằng ông Vũ Đức Thịnh dù là trưởng bộ môn kiêm tổng thư ký liên đoàn nhưng không hợp tác, luôn chống đối, làm mất uy tín của liên đoàn.
Ông Vũ Đức Thịnh phản pháo
Trong lá đơn gửi Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Boxing Việt Nam đề nghị làm rõ những vấn đề tiêu cực được truyền thông phản ánh trong quá trình tổ chức môn boxing tại SEA Games 31 vào tháng 5 vừa qua.
Trong đó có việc một số trọng tài nhận được tiền công, tiền ăn, di chuyển khi làm nhiệm vụ tại SEA Games 31 chậm trễ, thiếu. Khi báo chí phản ánh thì ông Vũ Đức Thịnh mới chuyển tiền cho các trọng tài này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Đức Thịnh cho biết toàn bộ tiền công của trọng tài boxing làm nhiệm vụ tại SEA Games 31 do bộ phận tài chính của Tổng cục Thể dục thể thao chuyển thẳng cho các trọng tài, chứ bộ môn không có trách nhiệm chuyển. Liên quan đến tiền ăn của trọng tài, theo quy định của ban tổ chức thì trọng tài phải ăn tập trung tại địa điểm do ban tổ chức bố trí. Có một số trọng tài không ăn ở đó nên các địa điểm này đã trả lại tiền cho Tổng cục Thể dục thể thao. Sau đó bộ môn đã chuyển tiền ăn cho các trọng tài này theo đúng quy định.
Liên đoàn Boxing Việt Nam cũng tố ông Vũ Đức Thịnh đã đề xuất Tổng cục Thể dục thể thao bổ nhiệm huấn luyện viên trưởng đội tuyển boxing nữ quốc gia là người có năng lực yếu, đời sống cá nhân có nhiều vấn đề phức tạp, trong khi người giỏi như huấn luyện viên Nguyễn Như Cường (Hà Nội) thì không được lên làm huấn luyện viên trưởng đội boxing nữ quốc gia từ ngày 1-10-2022.
Vận động viên Nguyễn Thị Tâm (huy chương vàng Giải vô địch châu Á 2017, 2022; huy chương vàng SEA Games 31; giành vé đến Olympic Tokyo) hiện đang là vận động viên nữ số 1 của boxing Việt Nam cũng không được lên tập trung đội tuyển quốc gia từ ngày 1-10-2022.
Điều đó khiến ngày 12-11-2022 vừa qua, địa phương phải cấp tiền cho Nguyễn Thị Tâm và huấn luyện viên Nguyễn Như Cường dự Giải vô địch boxing châu Á tại Jordan. Trong khi Tâm đang là niềm hy vọng số 1 của boxing Việt Nam tại Asiad 2023 và hy vọng giành vé tham dự Olympic Paris 2024.
Trước các nội dung tố cáo này, ông Vũ Đức Thịnh nói: "Ông Nguyễn Như Cường lâu nay vẫn là huấn luyện viên trưởng đội boxing nữ quốc gia ở khu vực phía Bắc. Do đội boxing nữ không tập trung ở một nơi nên khu vực phía Nam có một huấn luyện viên trưởng khác phụ trách.
Theo quyết định của Tổng cục Thể dục thể thao, sau ngày 30-9-2022 nhiều đội tuyển thể thao quốc gia không tập trung nữa để về địa phương chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc diễn ra vào tháng 12 này, chứ không phải bộ môn boxing đề xuất Tổng cục Thể dục thể thao không triệu tập vận động viên Nguyễn Thị Tâm và huấn luyện viên Nguyễn Như Cường lên đội tuyển".
Ông Vũ Đức Thịnh cho biết hiện ông đang tập trung điều hành môn kickboxing, boxing thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022. Vì vậy sau khi đại hội kết thúc, ông sẽ có báo cáo cụ thể gửi lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao về sự việc của ông với Liên đoàn Boxing Việt Nam.
Vận động viên boxing nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) cần được đầu tư mạnh hơn nữa từ Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Boxing để giành thành tích cao ở Asiad 2023 và giành vé đến Olympic Paris - Ảnh: BOXING CHÂU Á
Vận động viên, huấn luyện viên ngán ngẩm khi lãnh đạo "đấu đá" lẫn nhau
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 10-12, HLV Nguyễn Như Cường (nguyên huấn luyện viên trưởng đội boxing nữ Việt Nam, có bằng huấn luyện viên 3 sao quốc tế, là thầy trực tiếp của vận động viên Nguyễn Thị Tâm) cho biết: "Là huấn luyện viên trưởng đội boxing nữ Việt Nam ở khu vực phía Bắc, tôi vẫn đề xuất là sau ngày 30-9-2022 cho các vận động viên tiếp tục tập trung đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên sau ngày 30-9-2022 đội tuyển boxing nữ quốc gia đã được cho giải tán để các vận động viên trở về địa phương chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc.
Vì không còn đội tuyển quốc gia nữa nên tháng 11 vừa rồi, khi Nguyễn Thị Tâm tham dự Giải boxing vô địch châu Á 2022 tại Jordan thì phải đi thi bằng kinh phí của địa phương Hà Nội.
Nguyễn Thị Tâm là vận động viên tài năng, tôi rất kỳ vọng em có thể giành thành tích cao tại Asiad và Giải vô địch thế giới 2023 để có thể giành vé đến Olympic Paris 2024. Tôi rất mong Tâm cũng như các vận động viên có triển vọng sẽ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn để thực hiện được mục tiêu".
Trong khi đó, một huấn luyện viên khác của boxing Việt Nam cho biết suốt nhiều năm nay mâu thuẫn gay gắt giữa Liên đoàn Boxing Việt Nam và bộ môn boxing Tổng cục Thể dục thể thao đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các vận động viên, huấn luyện viên và phong trào phát triển boxing. Mâu thuẫn của lãnh đạo cấp cao cũng khiến các huấn luyện viên, địa phương chia rẽ.
Cũng giống như Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, mâu thuẫn của boxing Việt Nam đã kéo dài giữa liên đoàn (tổ chức xã hội nghề nghiệp về boxing) và bộ môn (cơ quan quản lý nhà nước phụ trách về boxing của Tổng cục Thể dục thể thao). Dù vậy Tổng cục Thể dục thể thao chưa quyết liệt vào cuộc, nỗ lực xử lý tận gốc vấn đề.
Điều này đã khiến cho mâu thuẫn càng dâng cao và gây tổn hại đến boxing Việt Nam. Những xô xát giữa người của bộ môn và người của liên đoàn cũng đã xảy ra ngay trong quá trình tổ chức SEA Games 31 vào tháng 5 vừa qua tại Nhà thi đấu tỉnh Bắc Ninh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận