22/10/2010 05:16 GMT+7

Lịch sử Hà Nội qua cách nhìn của Philippe Papin

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Một tập sách dịch, lại là sách về lịch sử, nhưng cuốn hút người đọc ngay từ dòng đầu tiên của lời giới thiệu rất thơ: "Hà Nội, hai âm tiết ngắn gọn đó khiến ta liên tưởng đến một nàng Calypso phương Ðông níu kéo lữ khách bằng những mặt hồ lấp lánh, những ngôi đền lấp ló từ một góc phố rực rỡ và những ngôi nhà màu vàng hổ phách ẩn mình sau hàng phượng vĩ và bằng lăng".

"Những tiếng rao, những đôi quang gánh và những phụ nữ bán hàng rong khiến du khách lần đầu tiên đến đây không khỏi ngỡ ngàng, và chắc hẳn sẽ bị choáng ngợp trước những phép lạ vô hình của thành phố".

5LQ5R0in.jpgPhóng to

Sách do Nhã Nam và NXB Mỹ Thuật ấn hành - Ảnh: L.Đ.

Những lời có cánh dành cho Hà Nội ấy được viết ra do chính Philippe Papin (cựu sinh viên khoa sử Ðại học Saint - Cloud, từng là thành viên Viện Viễn Ðông bác cổ, sống ở Hà Nội từ 1991-2004) đã làm người đọc có cảm giác nhẹ nhàng hẳn trước khi bị cuốn hút vào những đề tài, sự kiện quan trọng và đôi khi khô cứng của tập sử.

Lịch sử Hà Nội của Philippe Papin không chỉ có giá trị như một công trình tổng thuật lịch sử dưới nhãn quan của một chuyên gia phương Tây, điều đáng quý là Philippe Papin đã hệ thống được từng đặc thù trong chuyển động, tựu thành, phát triển, tương thôi của xã hội con người Hà Nội.

Do vậy, đọc Lịch sử Hà Nội của Papin thấy cả nguyên do của việc hình thành kinh đô Thăng Long, thấy được vị trí của nhà nho và thương nhân...

Ðiều thú vị của tập sách này là Philippe Papin đã đọc để viết về lịch sử Hà Nội thời xưa, và trải nghiệm qua thời gian sống ở đây để viết lịch sử Hà Nội thời hiện đại.

Ðặc biệt là cách khai thác tư liệu cho công việc nghiên cứu lịch sử. Ðọc hơn 300 trang sử của Philippe Papin, lại thấy trong đầu hiện lên câu nói "đọc ngàn trang mới có thể viết được một trang" của người xưa.

Xin đơn cử, ở phần Quá trình hình thành thủ đô, Papin có viết một câu: "Vào thế kỷ 13, một tấm biển đề "An Nam đô hộ phủ" vẫn được treo công khai trên một tòa trong cung điện nhà vua". Chi tiết đó liệu có mấy người Việt Nam còn biết?

Hay như cách Papin lựa chọn để đưa ra "Tấm bản đồ đầu tiên của thành phố" với lời chú thích về bản gốc và bản sao dựa trên dấu hiệu chữ húy rất thuyết phục. Và đó cũng chính là cái duyên của Papin để bạn đọc Việt Nam hôm nay tìm đến với những trang sử của ông. Ở đó còn có rất nhiều tranh tài liệu lấy từ bộ tranh A description of the Kingdom of Tonqueen của Samuel Baron rất quan trọng và quý hiếm.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên