Rác nhựa làm ô nhiễm bãi biển tại Bali, Indonesia - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AFP, 1.400 đại biểu đến từ các nước trên thế giới đã nhóm họp tại Geneva và đạt được sự đồng thuận này sau 12 ngày thảo luận về rác thải nhựa.
Đây là vấn đề mà ông Rolph Payet gọi là "một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất của thế giới". Mỗi năm, theo LHQ có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa bị cuốn ra các đại dương thế giới.
Hội nghị lần này tại Geneva đã chỉnh sửa Công ước Basel 1989 về việc kiểm soát các loại rác thải độc hại để bổ sung thêm vào đó rác nhựa.
"Tôi tự hào rằng trong tuần này, tại Geneva, các bên tham gia Công ước Basel đã đạt được một thỏa thuật về một cơ chế tiếp cận toàn cầu và có sự ràng buộc pháp lý trong vấn đề quản lý rác thải nhựa", ông Payet nói.
Tổ chức phi chính phủ IPEN, có trụ sở tại Thụy Điển chuyên tìm cách loại bỏ các hóa chất độc hại, nguy hiểm, cho rằng việc đổi mới Công ước Basel giúp các nước đang phát triển có thêm quyền từ chối việc tiếp nhận rác thải nhựa từ các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển.
IPEN cho rằng "các nước phát triển như Mỹ và Canada vẫn luôn xuất khẩu các loại rác nhựa độc hại của họ sang các nước đang phát triển ở châu Á, bảo rằng chúng sẽ được tái chế tại quốc gia tiếp nhận".
Tuy nhiên, "thay vì được tái chế, rất nhiều trong số rác lẫn lộn nhiễm độc này không thể được tái chế, chúng bị chôn lấp hay đốt, hoặc tìm đường ra biển", cố vấn khoa học của IPEN, bà Sara Brosche, nói.
Ô nhiễm rác nhựa đã đạt tới "những mức độ đại dịch" với ước tính khoảng 100 tấn rác nhựa hiện đã được tìm thấy trên các đại dương.
Theo báo Guardian, gần như tất cả các nước trên thế giới đều đồng thuận với LHQ trong thỏa ước về kiểm soát xuất khẩu rác nhựa, nhưng Mỹ không tham gia thỏa ước này vì nước này cũng không tham gia Công ước Basel.
Kể từ khi Trung Quốc ngừng tiếp nhận rác để tái chế từ Mỹ, các nhà hoạt động môi trường cho biết họ đã ghi nhận tình trạng rác nhựa bị đổ dồn về những nước đang phát triển.
Tổ chức Global Alliance for Incinerator Alternatives (Gaia) cho biết họ đã thấy những ngôi làng ở Indonesia, Thái Lan và Myanmar "biến thành các bãi rác chỉ trong vòng một năm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận