23/07/2013 12:40 GMT+7

Leo núi cao, chinh phục nỗi sợ hãi

NGUYỄN CHÍ LINH
NGUYỄN CHÍ LINH

TTCT - Chinh phục một ngọn núi cao hay khám phá trong lòng một hang động bí hiểm luôn là điều thú vị khó cưỡng.

Nhưng để làm được điều đó, ngoài sức khỏe, cần phải có kinh nghiệm và được “thao dượt” một số kỹ năng để tránh những rủi ro dọc đường đi.

Lần leo ngọn núi Kilimanjaro ở Tanzania dạy tôi nhiều bài học.

Xs4xxS9B.jpgPhóng to
Tận hưởng giây phút chinh phục được độ cao - Ảnh: fotopedia.com

Sáng sớm, mây ấp đầu núi, Kilimanjaro như vẫn còn mê ngủ trong sự yên bình ở thị trấn Moshi. Ánh mặt trời buổi sáng phản chiếu lớp băng tuyết trên đỉnh tạo thành màu hồng lam tuyệt đẹp. Buổi chiều, Kilimanjaro lại e thẹn trong những chiếc màn mây, lúc ẩn lúc hiện.

Ông chủ bán tour ở Moshi vừa nghiêm túc vừa như trêu chọc tôi: “Trước khi đến đây có tập thể lực để chuẩn bị leo núi không, coi chừng bỏ cuộc giữa chừng”. Nhìn kỹ tôi rồi ông lại hỏi tiếp: “Tim mạch và huyết áp có vấn đề không, cần phải kiểm tra thận trọng vấn đề này trước khi leo”.

Để leo được đến đỉnh Uhuru cần tối thiểu năm ngày dành cho người có sức khỏe tốt, trung bình mỗi ngày leo năm tiếng. Không vận động viên nào được phép leo tự do, tất cả đều phải mua tour và có người hướng dẫn theo cùng. Mỗi công ty du lịch được cấp một thẻ tín dụng riêng và trả tiền mua vé tại cổng đến thông qua thẻ tín dụng. Tiền mặt không được chấp nhận ở đây.

G014haux.jpgPhóng to
Chuẩn bị chu đáo trước khi xuất phát - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Cẩn thận không bao giờ thừa

Có hai trạm chính để leo Kilimanjaro: Marangu và Machame. Hầu hết du khách đều chọn đường leo Marangu bởi dốc núi không quá hiểm trở và thời gian leo sẽ ít hơn. Trạm Marangu ở độ cao 1.700m so với mực nước biển và bên dưới là bạt ngàn vườn cây ăn trái và cà phê cùng những cung đường dốc quanh co tựa như vùng cao nguyên Lâm Viên, Lâm Đồng.

Trạm Marangu luôn nhộn nhịp kẻ đến người về. Những người vừa hoàn thành chuyến đi trở về gõ nồi chảo hát vang quốc ca như thể muốn cho cả thiên hạ biết họ vừa chinh phục độ cao trở về an toàn, trong khi những du khách mới đến tỏ rõ sự háo hức chuẩn bị hành lý và chờ được cấp giấy phép để leo núi.

Tôi khá lo lắng về tình trạng không được “an toàn” khi một mình cùng anh hướng dẫn tên David trên núi. Cô bán vé giải thích: “Bạn đăng ký leo một ngày, nếu chiều nay trước 17 giờ mà David không đưa bạn đến đây trình diện, coi như anh ta sẽ bị pháp luật can thiệp”. Cô cho tôi số điện thoại đường dây nóng để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

David kiểm tra giày của tôi xem đủ tiêu chuẩn để leo không, nếu không phải đi thuê. Theo anh, giày phải có đế bằng phẳng và bám dính tốt, bên trong phải có lớp mút dày để êm chân và đặc biệt phải giữ đủ ấm vì càng lên cao càng lạnh. Đôi giày tôi mới mua đạt chuẩn.

Thấy tôi chỉ mang những chai nước suối thông thường, anh khuyến cáo tôi nên đi mua những loại nước uống có gas bổ sung đường và vitamin C dạng sủi bọt. Anh cũng chuẩn bị cho tôi thêm hai miếng ức gà mà theo anh nó đủ chất đạm. Trước khi lên đường, David không quên dặn tôi mang theo một bọc nilông nhỏ để chứa rác thải và đặt nó vào một ngăn trong balô.

8PUNxaQ2.jpgPhóng to
Khởi đầu êm ái nhưng phải chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn về sau - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Uống cũng phải biết cách

Những du khách lớn tuổi thường chọn trải nghiệm leo núi bằng cách ngồi trên xe đặc chủng chở lên 1/2 đoạn đường rồi thả dốc. Để không bị đổ nhào về phía trước khi đổ dốc, họ luôn chuẩn bị hai cây gậy leo núi đi cùng. Những cây gậy leo núi còn giúp người leo bám dính tốt hơn khi đường trơn trượt.

Balô tôi đảm bảo về độ nhẹ khi được cân ký kiểm tra. Với những người leo dài ngày, các công ty du lịch sẽ cho người khuân vác lều ngủ, chăn cùng những dụng cụ để nấu ăn. Những người lớn tuổi hơn còn phải thuê người hướng dẫn cõng phụ balô cho mình.

Tôi hăng hái vượt qua những cung đường đầu tiên, hòa mình trong những đường mòn quanh co rợp bóng cây cổ thụ. Tiếng suối róc rách đâu đó hay cái động đậy chuyền cây của những chú khỉ vang vọng nghe rõ mồn một. Thỉnh thoảng bắt gặp những bông hoa serengeti (quốc hoa Tanzania) khoe cánh đỏ rực bên đường đi.

Rồi cung đường trở nên dốc hơn. Tôi dừng lại tu ừng ực cho đã cơn khát, nhưng David đã ngăn lại và giải thích: hãy uống hai ngụm nước có gas, sau đó uống một ngụm nước suối đã pha vitamin C.

“Nước đường có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể, nước suối có tác dụng làm giảm độ rít của nước đường ở cổ họng và vitamin C tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đừng uống nước nhiều quá sẽ gây sốc hông khi leo núi” - anh chàng có thâm niên leo núi hơn chục năm dặn dò.

w7vNMSJM.jpgPhóng to
Đỉnh núi Kilimanjaro - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Càng lên cao, những đám mây bao quanh núi hay gây mưa rào thoáng qua. Tôi cũng đã thủ sẵn một chiếc áo mưa để phòng thân. Trong lúc ăn trưa, anh David lại cho tôi một bài học mới: “Lần sau có leo núi hãy thủ một thanh sôcôla đen, nó cung cấp năng lượng tốt dọc đường và hỗ trợ tim. Khi mệt, người ta hay ngồi xuống liền và không khoác áo ấm vào.

Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe bởi việc ngồi xuống khiến tim đập nhanh hơn bình thường và gây cảm giác tức ngực do khí huyết lưu thông không đều. Gió rừng sẽ theo lỗ chân lông đang nở rộng vào cơ thể có thể gây viêm phổi. Tốt nhất, hãy đứng thở dốc một hồi cho nhịp tim trở lại bình thường rồi mới ngồi xuống khoác áo ấm vào”.

Sau năm tiếng mệt nhọc nhưng đầy tràn cảm hứng, tôi cũng đến được đỉnh Manrada cao 2.700m so với mực nước biển, nghĩa là còn xa lắm mới chinh phục được đỉnh cao 5.895m của ngọn Kilimanjaro. Sau một lúc đứng thở lấy lại thăng bằng, tôi không cưỡng được nữa, chạy đến thảm cỏ xanh nằm ngửa ngắm những đám mây đang bồng bềnh trôi qua ngay trên đầu, tận hưởng giây phút tuyệt vời của kẻ vừa vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

NGUYỄN CHÍ LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên