Ông Trần Phi Long vác tro xuống ghe - Ảnh: T.NHƠN
Nhắc đến thương hồ miền Tây, nhiều người nghĩ ngay hình ảnh những chợ nổi tấp nập ghe xuồng đầy ắp trái cây, lúa gạo mà hiếm ai tin có nghề... buôn tro - cái thứ đen sì ngày trước đốt đổ đầy đồng.
“Từng chuyến đi cũng lời được vài triệu sau khi đã trừ chi phí xăng dầu, công cán. Ngày xưa thì lời nhiều hơn.
Ông TRẦN PHI LONG
Những chuyến ghe hàng... đen sì
Tôi về vùng cù lao ông Chưởng (huyện Chợ Mới, An Giang), hỏi thăm dân buôn tro và được mọi người chỉ tận nơi. Đậu dọc theo tuyến kênh Trà Thôn (xã Long Điền B) là hàng chục ghe tro đang đầy lặc lè nằm chờ con nước lên để lênh đênh thương hồ.
Ông Cao Văn Bệt (45 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới), người có hơn 15 năm theo nghề buôn tro, vừa tranh thủ ra chợ mua ít thực phẩm dự trữ cho chuyến đi dài ngày sắp tới.
"Mỗi chuyến lênh đênh buôn tro cũng mất bảy đến mười ngày. Tui chủ yếu mua khô, mì tôm với mấy món thịt kho trứng đặng ăn được dài ngày. Trên ghe có sẵn bếp gas rồi, chỉ cần bắc lên nấu nướng tí là có đồ ăn, khỏi ghé chợ mất công" - ông Bệt chia sẻ.
Theo ông Bệt, đời thương hồ tro đã có mặt ở Trà Thôn từ trước năm 1975. Hồi đó chưa có máy móc hiện đại nên nông dân trồng lúa phải cắt tay, dùng nèo đập hay ít máy suốt hiếm hoi. Rơm rạ sau khi suốt dồn lại một đống, chỉ cần một mồi lửa là thành tro.
"Ngày đó, mỗi lần có ruộng nào thu hoạch là dân buôn tro lại đến xin. Mà chủ ruộng cũng dễ, để rơm rạ đầy lừ ra đồng cũng chẳng biết làm gì, bởi chỉ chất đất phù sa cũng dư tốt rồi, cần phân phướn gì thêm nữa. Dân chỉ cần đốt rơm lên để hốt tro đem về. Một hecta lúa đốt lên cũng được vài chục giạ tro" - ông Bệt nhớ lại.
Khi nguồn rơm tại địa phương cạn kiệt thì người dân sang các ruộng khác ở miệt Châu Phú, Hồng Ngự, Thanh Bình để xin đốt rơm. Ngoài nguồn nguyên liệu là tro rơm, dân buôn tro cũng gom từ các nguồn khác như tro bếp, tro củi sau khi đốt...
Phân tro ngày đó hầu như chỉ dùng bón ruộng, bón vườn hoặc bán lại cho mấy vùng trồng hoa kiểng xung quanh như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Mơn (Bến Tre)...
Rồi dân miền ngoài như Bình Dương, Tây Ninh trong những dịp về miền Tây thấy sao mà mấy vườn rau màu xanh um mướt mắt quá, hỏi ra mới biết nông dân rải một lớp tro trên mặt ruộng. Từ đó, phân tro có thị trường mới, nghề buôn phân tro cũng có thêm đất sống. Những nơi đất kém màu mỡ hơn đất phù sa miền Tây, người dân hay dùng tro để rải lên đất trồng đậu phộng, đu đủ, khoai mì...
Dân buôn tro cũng phân ra làm nhiều loại từ người đi kiếm nguồn tro, người mua, người bán. Thời hưng thịnh, dọc theo kênh Trà Thôn có khoảng 300 hộ theo nghề buôn tro. Nhiều gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả từ thứ phụ phẩm nông nghiệp tưởng đâu vô giá trị này.
"Nói không xạo, chứ nhờ tro mà nhiều gia đình ở đây đổi đời. Cất nhà, nuôi con cái ăn học rồi dựng vợ gả chồng cũng từ nghề tay chân đen đúa này" - ông Trần Phi Long (53 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới), có hơn 30 năm buôn tro tại Trà Thôn, chia sẻ.
So với một số nghề thương hồ khác, đời thương hồ tro có phần cực nhọc, "dơ dơ" hơn và phải thức đêm dậy sớm để săn tìm những ruộng đang gặt. Thông thường người chồng đảm nhận việc hốt tro, trong khi người vợ sẽ vạch miệng bao cho chồng đổ tro vào.
"Làm từ sáng sớm đến tối mịt, giỏi lắm cũng chỉ hốt chừng 200 bao, chừng hơn 100 giạ. Tay chân lấm lem, bụi tro bay vào mắt, mũi xót lắm. Ai không quen không có làm được đâu" - ông Long giải thích tại sao những người buôn tro hay "đen đen".
Sau khi gom thành bao, tro sẽ được chở đi bán. Mỗi ghe trọng tải 50 tấn chở được từ 1.000 - 1.500 bao tro. Thông thường mỗi chuyến buôn tro tùy khoảng cách gần xa mà kéo dài từ một tuần cho đến 20 ngày. Mỗi chuyến ghe thường có từ 2 - 3 người để phụ khuân vác, lo ăn uống, ghi chép.
"Từng chuyến đi cũng lời được vài triệu sau khi đã trừ chi phí xăng dầu, công cán. Ngày xưa thì lời nhiều hơn, mỗi chuyến đi có thể sắm được mấy chỉ vàng" - ông Long chia sẻ.
Bà Lâm Thị Kim Dung, vợ ông Long, thoáng phút suy nghĩ rồi bồi hồi kể: "Tui mới nghỉ vài năm trở lại đây do đã lớn tuổi, chứ lúc trước cũng theo ổng lênh đênh buôn tro mấy chục năm. Lo chuyện cơm nước trên ghe, rồi phụ tính toán, ghi chép sổ sách cho ổng. Ngày nay ai còn duy trì nghề chỉ lấy công làm lời là chủ yếu".
Phân tro đang được ưa chuộng - Ảnh: T.NHƠN
Cha truyền con nối
Những năm gần đây, do nguồn nguyên liệu tro rơm, tro củi ngày càng khó kiếm nên dân buôn tro chuyển qua tro trấu. Những lò gạch, nhà máy sử dụng nguyên liệu trấu đốt trở thành điểm tập kết nhận hàng của dân buôn tro. "Đi biền biệt cả tháng trời, xa vợ con mà cũng tương đối độc hại phổi, ảnh hưởng sức khỏe nên người ta bỏ nghề dần" - ông Nguyễn Minh Hải (68 tuổi) chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Phi Long tâm sự: "Mua tro tại đây thì trả tiền tươi thóc thật. Lên Củ Chi, Hóc Môn bán lại thì bán thiếu, cuối vụ thu hoạch xong người ta mới trả tiền cho mình. Mối làm ăn quen mấy chục năm, chẳng lẽ mình đòi tiền người ta. Tôi cũng tính đi thêm vài chuyến nữa rồi chuyển hẳn cho thằng con".
Trần Phi An (31 tuổi), con trai ông Long, cũng đã theo ghe tro được vài năm, phần nào thông thuộc đường sá, mối lái buôn bán. Anh trực tiếp đảm nhận khuân vác, cơm nước trên những chuyến tàu cùng người cha của mình. "Mỗi lần đi cũng nhớ vợ con dữ lắm, nhưng tui cũng ráng tiếp nối nghề của cha mình" - anh An cho biết.
Ở ghe gần đó, Cao Hữu Đức (19 tuổi), con của ông Cao Văn Bệt, cũng ngót nghét theo nghề buôn tro được gần 3 năm. "Cũng quen cảnh gạo chợ nước sông rồi, chừng nào còn người mua thì em còn đi theo cha mần nghề. Em chỉ sợ đói chứ không hề sợ cực, sợ dơ. Nghề nào cũng là nghề mà, miễn sao không làm bậy bạ" - Đức tâm sự.
Con nước lớn đang lên theo ánh mặt trời ngày mới, Ông Bệt và em Đức chào tôi để bước xuống ghe. Dưới dòng kênh Trà Thôn, những ghe tro lại bắt đầu một chuyến thương hồ lênh đênh...
Ông Cao Văn Bệt chuẩn bị cho chuyến thương hồ tro - Ảnh: T.NHƠN
Kiếm tiền thời vụ
Ngoài tro, trấu cũng được nhiều thương hồ chở về các nhà máy làm nguyên liệu đốt. Tuyến kênh Họa Đồ (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) là nơi tập kết hàng chục ghe trấu đậu kín mặt kênh.
Anh Lê Quốc Tuấn (39 tuổi), có 9 năm theo nghề buôn trấu, cho biết: "Ban đầu chỉ có một ghe nhỏ thôi, dần dần thấy được nên tôi đầu tư ghe lớn. Hiện giờ cũng có 3 chiếc, chở được khoảng 12 tấn trấu. Nghề này lời không nhiều nhưng được cái có đồng ra đồng vào. Tui làm theo thời vụ, mần thêm mấy công lúa ở nhà nữa cũng đủ trang trải cuộc sống".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận