04/08/2007 06:02 GMT+7

Đời thương hồ (Kỳ 3): Chuyện tình sông nước

QUỐC VIỆT - TẤN ĐỨC
QUỐC VIỆT - TẤN ĐỨC

TT - Với những chàng trai, cô gái chọn đời sống sông nước, lấy ghe làm nhà thì chuyện tình cảm của họ cũng lênh đênh, khó định như dòng sông chảy trôi. Duyên số đưa đẩy họ đến với nhau rồi thành đôi lứa kết quyện vào nhau ở nơi những con sông hội tụ ngã năm, ngã bảy.

YFgLEEEa.jpgPhóng to
Bận rộn đời sông nước, các bạn gái trẻ ít có dịp gặp gỡ bạn trai - Ảnh: Q.VIỆT
TT - Với những chàng trai, cô gái chọn đời sống sông nước, lấy ghe làm nhà thì chuyện tình cảm của họ cũng lênh đênh, khó định như dòng sông chảy trôi. Duyên số đưa đẩy họ đến với nhau rồi thành đôi lứa kết quyện vào nhau ở nơi những con sông hội tụ ngã năm, ngã bảy.

Kỳ 1: Gạo chợ nước sông Kỳ 2: Những phiên chợ nổi

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cô gái thương hồ lấy tay che mặt, giấu nụ cười mắc cỡ khi nghe chúng tôi hỏi chuyện tình duyên trên chiếc ghe đang neo đậu chơi vơi giữa sông Hậu. 12 tuổi, cô đã theo ba má bước xuống sông nước mưu sinh.

Bây giờ, cô 19 tuổi, đã có một mối tình, nhưng đôi bạn nhiều khi hàng tháng mới được ngồi bên nhau một lần. “Thôi thì chỉ biết tin nhau vậy thôi. Anh ấy xa mặt cách lòng, không thương em nữa thì đành chịu chứ làm sao bây giờ!” - cô gái cười buồn, rồi dõi mắt ngóng theo những bóng ghe thấp thoáng ở xa xa.

Duyên phận trên sông

Bóng trăng trung tuần trên mặt sông khi tụ tròn lúc vỡ tan theo từng đợt sóng lao xao ở chợ nổi Long Xuyên. Chúng tôi ngồi lặng lẽ nghe cô gái có cái tên đẹp là Nguyễn Thị Trúc Ly tâm sự chuyện tình duyên. Ba má cô ngày xưa theo con nước mà đến với nhau, bây giờ đời cô cũng vậy. Một chuyến rong ruổi về chợ nổi Châu Đốc, ghe cô tình cờ neo đậu gần bên ghe người bạn Hồ Quý Thấp.

Những lời hỏi thăm chuyện bán buôn, những lần ánh mắt tình cờ chạm nhau, rồi một đêm trăng hai người ngồi hai mạn ghe e thẹn tâm sự bâng quơ. Và cuối cùng họ đã đến với nhau. Đời thương hồ nếu không là những ngày neo đậu bận rộn bán buôn thì cũng là những chuyến rong ruổi đi tìm mua hàng hóa khắp nơi. Đôi trai gái trẻ ít có dịp được ngồi bên nhau. Họ thề hẹn. Họ trông đợi. Và họ hi vọng vào duyên số.

Ay5I5xOG.jpgPhóng to
Hạnh phúc đời thương hồ: vợ chồng Thảo - Ngọc - Ảnh: Q.VIỆT

Những ngày lênh đênh theo ghe thương hồ, chúng tôi được nghe rất nhiều nỗi niềm duyên tình trên sông nước. Đời người dài theo những chuyến ghe ngược xuôi, chuyện tình duyên thường bị cách trở nhưng cũng nhiều lãng mạn và kết thúc đẹp.

Nguyễn Thị Thảo, 23 tuổi, chị gái Trúc Ly, cũng có chồng Nguyễn Chí Ngọc theo nghề ghe. Hai người ở hai miền quê khác nhau, tình cờ quen biết trong một buổi đợi khách trên chợ nổi Long Xuyên.

Họ yêu nhau được hai năm, ba Thảo thách cưới, Ngọc phải ra ghe riêng để chứng tỏ mình. Bây giờ, cặp vợ chồng trẻ Thảo - Ngọc đã có ghe riêng. Họ thường lấy hàng ở chợ nổi Cái Răng để về miệt Thoại Sơn, An Giang bán. Đứa con đầu lòng của họ đang thành hình trong bụng mẹ. Ngọc vui mừng: “Em đang cải tạo lại khoang ghe để mai mốt con cái có chỗ ở. Ba má đi ghe thì con cũng sống trên ghe thôi”.

Ở chợ nổi Cái Răng, nhiều người biết đến đại gia đình ông Hai Thuận, một thương hồ 81 tuổi gốc Cần Thơ đang có bốn người con nối nghiệp cha. Tuy nhiên, ấn tượng làm họ nhớ nhất về gia đình ông là các đám cưới trên ghe vui dậy sóng. Vợ chồng ông Hai Thuận cải tạo chiếc ghe 50 tấn thành một nhà bè di động. Đám cưới của các con - Dương Vĩnh Bé, Dương Thị Ngọc Anh, Dương Thị Ngọc Thúy đều được tổ chức trên chiếc ghe bè này. Khách khứa đi ghe đến dự không mừng họ mau có nhà cao cửa rộng, mà chúc họ sớm đóng được ghe lớn hơn ghe ba má mình.

Ông Hai Thuận cười ngất, nói đó cũng là mong muốn của ông. Trong các con dâu ông Hai Thuận có một cô từng đi theo phụ ghe cho cha con ông. Không hiểu tình duyên trai gái bén lửa thế nào mà cô gái yêu luôn người con trai và thành vợ thành chồng. Cưới xong, họ ra được ghe riêng. Chồng lo việc chạy ghe, vợ xoay xở chuyện bán buôn. Các dâu rể khác của ông cũng đều là những người đã có nghề đi ghe từ nhỏ. Kết duyên vợ chồng, họ tiếp tục lấy chiếc ghe làm nhà. Con cái họ bây giờ lại chuẩn bị nối nghiệp sông nước của ông cha.

Hôm theo ghe cặp chợ nổi Long Xuyên, chúng tôi được dân thương hồ ở đây kể chuyện một đám cưới thương hồ bao nguyên chiếc phà hạng nặng để thết đãi hơn 300 thực khách vui say lúy túy. Chú rể Trương Văn Cường theo nghề ghe của cha từ nhỏ, rồi tình cờ quen và yêu một cô gái thương hồ xinh đẹp. Cả dòng họ nội, ngoại sống nghề buôn bán trên sông nước. Họ khấm khá, có nhà lớn trên bờ nhưng vẫn quyết định làm đám cưới dưới sông cho con. Ba của Cường cười khà khà nói: “Dựng vợ gả chồng dưới sông không chỉ vui mà còn hợp tình, hợp đạo. Con mình đã sinh ra và phó thác luôn cả đời nó cho sông nước thì chuyện tình duyên cũng phải trên sông nước. Có vậy hà bá không giận mà bạn bè thương hồ đi dự cũng vui, tiện hơn”.

Bèo dạt hoa trôi

Nhiều khách thương hồ chúng tôi được gặp đều có bạn có đôi, tay chèo tay lái, đỡ đần nhau sớm tối. Nhưng cũng có những phận đời thương hồ như bèo dạt hoa trôi quanh năm chỉ vò võ một mình, một mái chèo với sông nước.

Lúc chúng tôi cặp ghe dì Nguyễn Thị Mai trên chợ nổi Long Xuyên, dì đang nhen lửa bữa cơm chiều. Cái nồi nhỏ xíu, có lẽ chỉ đủ cho một miệng ăn. Manh chiếu lạnh lẽo trải ghe cũng chỉ lọt một thân nằm. Người đàn bà 67 tuổi có biệt danh Hai Quẹo như đàn ông này biết cầm chèo từ năm 7 tuổi. Suốt cuộc đời rong ruổi khắp sông nước miền Tây, dì rành như lòng bàn tay xoáy nước nào dữ, luồng lạch nào cạn, nhưng dì vẫn không thể có được một người bạn đời để đỡ đần sớm hôm.

Ngồi nhìn các đôi vợ chồng, con cái đang quây quần trong bữa cơm chiều trên những chiếc ghe neo đậu gần bên, dì Hai Quẹo cười buồn: “Hồi còn xuân sắc, tui nghĩ mình phải ráng làm, đỡ đần cho ba má. Quay đi quay lại, mình chợt già mất rồi”.

Chúng tôi ngồi lặng nhìn mái tóc đã bạc bay phất phơ theo ngọn gió sông mà thấm thía tâm trạng của đời thương hồ già cô đơn.

Hồi còn chiến tranh, dì phụ ba má chèo ghe đi bán bí rợ, bí xanh dọc theo miệt Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau. Những ánh mắt tình cảm ngóng trông và những lời ướm hỏi đã thoảng đến với cô gái thương hồ siêng năng. Dì cũng nghe xốn xang con tim, nhưng rồi vẫn lắc đầu để nhường anh em mình ra riêng trước. Khi họ đã yên bề gia thất, dì lại thấy mình phải có trách nhiệm với ba má.

Và ngày qua ngày, mái tóc cô gái trên sông nước bạc dần theo thời gian, nhưng mái chèo vẫn cô đơn. Ba dì đi ghe ròng rã tới năm 88 tuổi, rồi mất vì bệnh già. Bây giờ, dì lại tiếp tục nuôi mẹ già 97 tuổi mà vẫn chưa hề nghĩ đến một ngày nào đó sẽ bỏ ghe lên bờ.

Lênh đênh ghé các chợ nổi miền Tây, rồi những ngày lặng lẽ theo ghe thương hồ ngược xuôi vô miệt vườn mua hàng, chúng tôi thấm thía tâm sự từ đáy lòng của người đàn bà đã đi ghe gần 70 tuổi này: “Nhìn chợ nổi đông đúc, nhộn nhạo vậy chứ đời thương hồ dễ cô đơn lắm. Thời gian vò võ sống dưới ghe nhiều hơn trên bờ, làm sao có bạn bè đông được!”.

Nhiều hoàn cảnh như Phạm Thị Thanh Nga theo ghe từ lúc ba má còn ẵm ngửa trên tay, đến khi lấy chồng phải nhờ ông mai bà mối. Cô gái thương hồ quê Sóc Trăng này là lao động chính trên chiếc ghe hàng 20 tấn, mỗi ngày của cô là chuỗi làm việc không nghỉ trên ghe. Hễ tạm dừng chuyện sắp đặt hàng hóa, bán buôn, cô lại xắn tay lo cơm nước, dọn dẹp cho ba má đến tận lúc đi ngủ. Không có thời gian và điều kiện để quen biết bạn trai, tình duyên đến muộn với cô bằng mai mối, nhưng cũng hạnh phúc là hai người tâm đầu ý hợp với nhau.

Nga chỉ hơi buồn là sau đám cưới cô sẽ phải bỏ ghe để lên bờ theo chồng: “Ảnh làm vườn, muốn em cũng theo nghề này để vợ chồng được gần nhau”. Cô gái nói mà dõi mắt nhìn theo những lượn sóng nhấp nhô trên sông. Cả đời sống trên sông nước, cô đã coi chiếc ghe như mái nhà của mình rồi.

Một thương hồ mù chữ ở chợ nổi Cà Mau nói với con: “Ba má rồi cũng già, ghe rồi cũng hư, chỉ có chữ nghĩa là tài sản để lại cho con”. Nhưng chữ nghĩa cho trẻ em ở đâu trên sông nước đồng bằng?

____________________________________

Kỳ tới:Ước mơ trên sông

QUỐC VIỆT - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên