01/03/2024 06:11 GMT+7

Lên mạng xã hội chửi bới, bóc phốt vì tính ganh tỵ, hả hê khi tìm được khuyết điểm của người khác

Thực tế cho thấy do bất đồng quan điểm trên mạng xã hội mà đã xảy ra những cuộc xô xát tại công viên hay những nơi công cộng, thậm chí xảy ra án mạng.

Phải tỉnh táo, khôn ngoan trên môi trường mạng - Ảnh minh họa: Kaspersky

Phải tỉnh táo, khôn ngoan trên môi trường mạng - Ảnh minh họa: Kaspersky

Theo một khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), người sử dụng mạng xã hội (MXH) Việt Nam hiện đạt mức 73 triệu: bình quân 2 giờ 32 phút/ngày, gấp 3 lần người Nhật và nhiều hơn trung bình của thế giới.

Người tham gia khảo sát cho rằng nội dung trên mạng xã hội tập trung vào nhiều vấn đề tiêu cực: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)… Đó là thực tế mà người dùng phải hết sức cảnh giác.

Mạng xã hội tốt hay xấu, người dùng có lợi hay hại còn tùy thuộc vào "bộ lọc" ứng xử của mỗi người.

Vì sao tràn ngập chửi bới trên mạng?

Đối diện với màn hình, bạn muốn làm thiên thần hay làm anh hùng chửi? - Ảnh minh họa: UniCamillus

Đối diện với màn hình, bạn muốn làm thiên thần hay làm anh hùng chửi? - Ảnh minh họa: UniCamillus

Tính ganh tị luôn tiềm ẩn trong con người chúng ta, không muốn ai giỏi hơn mình, đẹp hơn mình, giàu hơn mình. Vì thế, khi tìm ra được gót chân Achilles của ai đó là người nổi tiếng chẳng hạn, đó là một cơ hội tốt để làm một "anh hùng chửi".

Giữa một không gian thượng vàng hạ cám, vàng thau lẫn lộn, người đến với cộng đồng mạng càng phải thận trọng và tỉnh táo hơn. Thực tế cho thấy do bất đồng quan điểm trên Facebook mà đã xảy ra những cuộc xô xát tại công viên hay những nơi công cộng, thậm chí xảy ra án mạng.

Nguy hiểm hơn, do bị "ném đá" hội đồng, có nạn nhân đã trở nên trầm cảm, không dám tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Có người quá bức xúc nảy sinh ý định tự tử.

Đi tìm sự thoải mái sau những giờ căng thẳng với những mục đích củng cố, trau dồi kiến thức, trao đổi quan điểm sống trên thế giới mạng để sống vui, khỏe là việc làm đáng trân trọng, đáng khuyến khích. Nhưng không vì thế mà không tự kiềm chế bản thân để sa đà vào thế giới ảo với nhiều hệ lụy là không hay chút nào!

Lên mạng một tí là nổi nóng

Mạng xã hội như thỏi nam châm khổng lồ, hút cả tin tốt lẫn tin xấu - Ảnh: Medium

Mạng xã hội như thỏi nam châm khổng lồ, hút cả tin tốt lẫn tin xấu - Ảnh: Medium

Người sử dụng mạng xã hội hôm nay phải đối mặt với mặt trái, vấn đề tiêu cực nhiều hơn.

Thông tin xấu độc, tràn ngập. Những phát ngôn cực đoan, thù ghét xuất hiện nhiều hơn.

Nạn tin giả là một vấn nạn làm cho người dùng lạc vào "mê hồn trận", làm xói mòn niềm tin, thậm chí nó được coi như một thứ quyền lực của thuyết âm mưu làm khuynh đảo chính trị, kinh tế, xã hội… gây chia rẽ trong cộng đồng, dân tộc.

Ăn, ngủ với mạng xã hội nói chung đã là không hay ho gì, nhưng nếu lỡ comment hoặc share một cách vô ý thức sẽ mang tới cho xã hội một hệ lụy khôn lường, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương người khác, gây bất ổn cho xã hội.

Người dùng mạng xã hội luôn luôn tìm kiếm những thông tin hot. Những thông tin dạng này thường mang tính nhạy cảm, thiếu xác thực, đôi khi lệch lạc, cục bộ, chống phá nhà nước.

Với những thông tin "hợp khẩu vị"; họ không dừng lại mức độ like, mà tiếp tục comment, share một chiều. Một hiệu ứng "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu" nhanh chóng lan tỏa qua hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí nhiều hơn nữa trên cộng đồng mạng.

Tôi biết rằng, chỉ cần một livestream, thông tin hot trên YouTube, một bài viết "nhạy cảm" trên Facebook chứa nội dung tiêu cực (xấu, độc, tin giả…), chưa được kiểm chứng tính xác thực sẽ gây ra hậu quả cho xã hội.

Nhận diện những thói xấu cần tránh khi lên mạng

Xin được nêu ra sau đây trường hợp người dùng mạng xã hội không có bộ lọc tốt, thường sa đà vào những hiện tượng cần tránh.

Trước hết là hội chứng a dua, hùa nhau bốc phốt, hạ nhục. Đây là trường hợp mà những người chưa trưởng thành, chưa trải nghiệm trên mạng xã hội rất dễ mắc phải.

Hạ nhục người khác, thường bằng hình thức livestream, nhất là người nổi tiếng, người có vị trí trong xã hội, có lẽ đã trở nên một hội chứng trầm kha.

Khi người nổi tiếng sơ suất trong lời ăn tiếng nói, hành vi hay đề xuất một công trình nghiên cứu mới lạ, mang tính đột phá, chưa cần biết hay - dở, đúng - sai, có hiểu lầm hay không từ người phát ngôn, chỉ cần một người tìm ra một lý do để "nổ phát súng đầu tiên", cả đám đông nhào vô chửi.

Chửi hội đồng, chửi a dua, chửi không chừa một từ thiếu chuẩn mực văn hóa nào. Chửi cho có tiếng của mình, cho "bằng chị bằng em" đang lang thang trên mạng. Chửi cho thỏa lòng ganh tị, thậm chí chửi cho thỏa đam mê.

Phản biện là hiệu ứng tốt trong xã hội, trên các trang mạng xã hội; nhưng phải phản biện như thế nào để thuyết phục người khác với cái đúng cái sai khách quan, phù hợp với đạo đức xã hội và luật pháp. Đừng để phản biện trở thành biến tướng là sự chửi bới, lăng nhục người khác.

Tôi là giáo viên nghỉ hưu hơn 10 năm nay. Trước khi quyết định vào mạng xã hội, tôi đã xây dựng một "bộ lọc" rất rõ ràng: tôi là người bận rộn nhưng vẫn vào Facebook để thư giãn, học hỏi. Tôi không phải là người vô công rồi nghề vào đó để à ơi, để like, share, comment.

Tôi cũng không buồn, vui, ăn, ngủ, không phơi bày sở thích, hình ảnh, thông tin cá nhân với Facebook.

Bởi không cần những thứ vô bổ ấy, tôi rất thận trọng, hạn chế đến mức thấp nhất like, share hay comment. Nếu thật cần thiết và mang lại lợi ích chính đáng, đúng pháp luật hiện hành cho nhiều người, tôi sẽ xem xét cẩn thận nguồn từ các cơ quan chính thống nhà nước, tính chính xác và ý đồ người viết bài hoặc clip đăng tải.

Bạn có đặt ra nguyên tắc nào cho bản thân khi sử dụng mạng xã hội? Mời bạn chia sẻ bí quyết, câu chuyện của mình hoặc người thân quen để lan tỏa lối sống tích cực, trở thành người dùng khôn ngoan trên môi trường Internet. Email xin gửi về tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Livestream bóc phốt đồng nghiệp, tình cũ, tình mới, giải quyết được gì không?Livestream bóc phốt đồng nghiệp, tình cũ, tình mới, giải quyết được gì không?

Chỉ trong một thời gian ngắn với màn livestream đủ sắc thái khóc, cười, bóc phốt các loại quan hệ, cô ca sĩ đã tạo ra được drama cho thiên hạ bàn tán xôn xao về mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên