Khách chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 24-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo các nhân viên hàng không ở Tân Sơn Nhất, phần lớn các chuyến bay trong thời gian gần đây luôn bị hoãn (delay) từ 30 phút đến 2 tiếng, khiến nhân viên dịch vụ phục vụ mặt đất vô cùng vất vả đi tìm khách, thông báo thay đổi cửa khởi hành... để tránh tình trạng lỡ chuyến bay.
Đảo lộn kế hoạch do hoãn bay
Tranh thủ cuối tuần, ông N.M.L. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đưa gia đình gồm 5 người đi du lịch ở Đà Nẵng trên chuyến bay VN128 của Vietnam Airlines (VNA) ngày 24-7. Mọi công tác chuẩn bị từ khâu xe đón ở sân bay, khách sạn, nhà hàng... đã được ông L. lên lịch sẵn sàng cho chuyến đi du lịch.
Chọn khởi hành 12h, ông L. tính toán với thời gian khoảng 1 giờ 30 phút bay, gia đình ông sẽ đến Đà Nẵng để ăn trưa, vào khách sạn nghỉ ngơi, tối gặp bạn bè, người thân. Đúng một ngày trước khi chuyến bay khởi hành, lịch trình ban đầu của ông L. hoàn toàn bị phá sản vì hãng bay đổi giờ khởi hành "liên tù tì".
Ông L. liên tục nhận được tin nhắn của VNA thông báo delay đến 3 lần, từ 12h lên đến 15h. "Tôi phải thay đổi giờ liên tục với người đến đón ở sân bay. Gọi tới gọi lui rất mất công. Ra đến Đà Nẵng cũng chiều tối nên toàn bộ kế hoạch gặp gỡ vào buổi chiều với bạn bè, gia đình tôi đều không có mặt được" - ông L. bức xúc.
Có công việc gấp, anh Ngô Xuân Đoàn (Q.Thủ Đức) quyết định chọn mua vé VNA từ TP.HCM ra Đà Nẵng trên chuyến bay VN132 ngày 24-7 với giá 2 triệu đồng, thay vì mua vé của hãng bay giá rẻ với nhiều khả năng bị delay. Lịch bay khởi hành lúc 14h, anh Đoàn dự tính sẽ có mặt tại Đà Nẵng chậm nhất vào lúc 16h để chạy sự kiện của công ty.
Thế nhưng, một ngày trước lịch bay, kế hoạch này hoàn toàn bị phá sản khi anh Đoàn liên tục nhận tin nhắn hoãn chuyến bay với 4 lần thay đổi giờ bay. Thậm chí, trong thông báo delay lần thứ 3, hãng cho biết chuyến bay sẽ khởi hành lúc 18h, nhưng sau đó được "đôn lên" 17h35.
"Tôi không biết phải làm sao khi sự kiện sắp diễn ra, bạn bè, đối tác đã có hết rồi. Toàn bộ lịch trình bị xáo trộn, ảnh hưởng đến uy tín, trách nhiệm của tôi với công việc đang phụ trách", anh Đoàn bức xúc.
Trước đó, một doanh nghiệp tại Q.Phú Nhuận tổ chức sự kiện lớn tại tỉnh Kiên Giang vào ngày 12-7 đã phải khốn khổ khi hãng bay VASCO (công ty con VNA) thông báo hủy chuyến đột ngột. Khoảng 20h ngày 11-7, doanh nghiệp này bất ngờ nhận được thông báo của VASCO về việc hủy chuyến bay 0V8003, dự kiến khởi hành vào 5h sáng 12-7!
"Do đường bay này chỉ duy nhất VASCO khai thác 1 chuyến bay/ngày, đoàn công tác gồm 10 người rơi vào thế bị động, phải tức tốc chạy ra bến xe tìm vé đi ngay trong đêm để kịp có mặt tại tỉnh Kiên Giang và tổ chức sự kiện vào sáng hôm sau" - anh Huỳnh, một thành viên trong đoàn công tác của doanh nghiệp này, cho biết.
Hành khách vật vạ chờ chuyến bay tại sân bay Nội Bài ngày 23-7 - Ảnh: T.B.D.
Các hãng bay có bán vé "ảo"?
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-7, một lãnh đạo của VNA thừa nhận 2 tuần gần đây, các hãng thực hiện theo quy định slot mới của Cục Hàng không nên xảy ra tình trạng xáo trộn lịch bay, giờ bay liên tục bị hoãn. Theo đó, sân bay Tân Sơn Nhất hiện khai thác trung bình 30 - 32 chuyến/giờ, thay vì 44 chuyến/giờ như trước, trong khi sân bay Nội Bài chỉ được khai thác tối đa 27 chuyến/giờ, thay vì 34 chuyến/giờ. Riêng trục bay Hà Nội - TP.HCM chỉ có tối đa một chuyến bay trong 5 phút.
Do đó, theo vị này, số lượng chuyến bay được các hãng điều chỉnh dần cho phù hợp với quy định, dẫn đến sự xê dịch về thời gian giữa các chuyến bay, các hãng phải thông báo dời kế hoạch khai thác liên tục đến hành khách.
"Chúng tôi đã làm việc liên tục với Cục Hàng không về lịch khai thác với nhiều khung giờ được thay đổi. Bắt đầu tuần sau, hành khách sẽ bớt nhận được tin nhắn điều chỉnh giờ khai thác, hoạt động khai thác sẽ ổn định hơn" - vị này nói.
Không chỉ việc delay kéo dài của hãng bay, hành khách ra sân bay làm thủ tục check-in thời gian gần đây cũng rất bất ngờ khi được thông báo không có chỗ do hãng bay bán vượt quá số ghế trên máy bay (overbook).
Tình trạng overbook diễn ra liên tục thời gian gần đây với Pacific Airlines và VASCO, trên các chặng bay từ TP.HCM - Đà Nẵng và TP.HCM - Côn Đảo... khiến nhiều khách ra sân bay nhưng không có chỗ trên hệ thống.
Chẳng hạn, chuyến bay BL245 của Pacific Airlines từ Hà Nội - Đà Lạt ngày 20-7 chỉ được bán 66 vé, nhưng do "lỗi của hệ thống" đặt chỗ nên đã mở bán vượt 59 ghế, khiến 59 hành khách đến sân bay nhưng không có chỗ. Pacific Airlines đã phối hợp với VNA chuyển 8 khách đi chuyến bay lúc 7h, 8 khách đi chuyến bay 11h35 và 43 khách đi chuyến bay lúc 17h25 cùng ngày.
Theo đại diện Pacific Airlines, hãng đang thực hiện tái cơ cấu với việc đổi tên Jetstar Pacific thành Pacific Airlines, đồng thời chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire của Tập đoàn Qantas đang sử dụng sang Sabre (hệ thống đang được VNA vận hành) để đồng bộ hóa mạng bay.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi hệ thống đặt chỗ đã phát sinh trục trặc khiến mở bán quá số chỗ. Pacific Airlines đã xin lỗi, bồi thường, hỗ trợ hành khách và đang khắc phục lỗi khi chuyển đổi hệ thống đặt chỗ.
Theo đại diện VNA, vé overbook là nghiệp vụ bình thường của các hãng bay trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra trầm trọng khi lượng khách đi lại cao trong giai đoạn hàng không bị giới hạn khai thác do 2 đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang sửa chữa nên xảy ra chuyện khách mua vé nhưng không có chỗ.
"Cục Hàng không quyết liệt yêu cầu các hãng bay không triển khai mở bán quá số ghế máy bay, chắc chắn hãng bay tuân thủ và không để xảy ra tình trạng trên, ít nhất vào tuần sau", lãnh đạo một hãng bay nói.
Khuyến cáo lần thứ nhất với Pacific Airlines
Ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không - cho biết đã có văn bản khuyến cáo lần thứ nhất đối với Pacific Airlines, yêu cầu tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và xử lý kỷ luật với các cá nhân để xảy ra việc mở bán vé chuyến bay BL245.
Yêu cầu không mở bán quá số ghế
Ngày 22-7, Cục Hàng không đã có văn bản gửi các hãng hàng không yêu cầu không mở bán quá số ghế máy bay. Các cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam thực hiện giám sát, phát hiện các trường hợp hành khách mua vé nhưng bị từ chối vận chuyển tại cảng hàng không vì lý do mở bán quá số ghế máy bay, báo cáo cục để kịp thời xử lý.
Phòng vận tải hàng không giám sát tình hình mở bán của các hãng hàng không. Trường hợp phát hiện hãng hàng không mở bán vượt số ghế, yêu cầu không cấp phép tăng chuyến cho đường bay đã mở bán.
Ngày 14-7 cơ quan này cũng yêu cầu các hãng bay chấp hành việc mở bán vé đúng thời điểm, nếu bán vé sai sẽ bị thu hồi slot, đồng thời giảm tần suất khai thác máy bay nhỏ tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng tần suất các chuyến bay tại các sân bay lân cận Nội Bài (Cát Bi, Thọ Xuân…) và Tân Sơn Nhất (Cần Thơ, Cam Ranh…), chuyển các chuyến bay chở hàng đi/đến Tân Sơn Nhất sang khai thác thời gian đêm (từ 21h đến 6h ngày hôm sau)…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận