![]() |
“Những bước chạy đà đầu năm rất quan trọng. Để không “xơi” điểm xấu hay phải làm kiểm điểm vì đi trễ nhiều lần, bạn nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt thật hợp lý”. Trong ảnh: Học sinh THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới 2012 - Ảnh: Như Hùng |
Thực tế, đầu mỗi năm học nhiều bạn cảm thấy “choáng”, không thích ứng kịp khi đang quen với những ngày hè thảnh thơi thì phải quay lại với việc học hành căng thẳng. Nếu chủ quan không chuẩn bị gì, rất có thể chính bạn cũng sẽ rơi vào trạng thái uể oải, khó bắt nhịp với việc học. Hãy “khởi động” cùng Áo Trắng để có một năm học tràn đầy năng lượng.
Điều chỉnh lại đồng hồ sinh học
Thầy cô hay than phiền nhiều học sinh thường xuyên đi học trễ, không làm bài tập, không thuộc bài vào đầu năm học. Trong khi đó, nhiều bạn lại cứ chủ quan nghĩ: “Mới đầu năm mà, cứ từ từ rồi học...”.
Những bước chạy đà đầu năm cũng rất quan trọng. Để không “xơi” điểm xấu ngay đầu năm học hay phải làm kiểm điểm vì đi trễ nhiều lần, bạn nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt thật hợp lý. Bạn nào đã quen thức khuya đến 1-2 giờ sáng để xem phim, Facebook, chat chit với bạn bè... nên tập đi ngủ sớm, không thức quá 12 giờ.
Dậy sớm không chỉ giúp các bạn có đầu óc minh mẫn, tỉnh táo mà còn kịp ăn sáng và thong thả tới trường. Nếu các bạn có thể dậy sớm hơn và chơi một môn thể thao nào đó như chạy bộ, cầu lông thì càng tốt cho sức khỏe.
Củng cố lại kiến thức cũ
Chuẩn bị sách vở Sắp đến ngày khai giảng. Đây đang là thời điểm thích hợp nhất để mua sắm cho năm học mới. Các bạn nên lên danh sách những thứ cần mua: sách giáo khoa, sách tham khảo, vở, bút viết, cặp, đồng phục... và chú ý các chương trình khuyến mãi của những nhà sách, siêu thị để tiết kiệm chi phí. Sử dụng sách cũ cũng là một ý hay để tiết kiệm nhưng các bạn nên lưu ý sách giáo khoa địa lý và Atlat địa lý thường sẽ cập nhật các số liệu, thông tin mới mỗi năm, dùng sách cũ có thể sẽ không chính xác... |
Muốn tiếp thu những kiến thức của năm học mới, bạn phải nắm chắc kiến thức cũ. Hãy bắt tay vào ôn lại những kiến thức của năm ngoái, chú ý hơn với các môn bạn còn yếu. Đặc biệt, những môn như toán, vật lý, hóa học cần kiến thức xuyên suốt, một “lỗ hổng” sẽ làm các bạn gặp khó khăn khi tiếp thu kiến thức mới.
Khi đã củng cố lại kiến thức năm trước xong, các bạn cũng đừng quên xem qua một lượt sách giáo khoa mới. Xem trước chương trình học sẽ giúp các bạn xác định được trọng tâm của từng môn, phần nào khó cần được chú ý trong quá trình học.
Xác định mục tiêu của bạn
Xác định được mục tiêu phấn đấu ngay từ đầu năm học sẽ giúp bạn có kế hoạch và chiến lược học tập hợp lý để đạt được mục tiêu đề ra. Đừng chỉ nêu khẩu hiệu: “Cố gắng, nỗ lực!” suông. Trước khi cố gắng, ít ra bạn cũng phải biết mình cố gắng vì điều gì.
Bạn muốn đạt những mục tiêu nào trong năm học mới? Bạn muốn đạt học sinh giỏi, đậu trường đại học nào hay bạn muốn du học? Dù bạn mong muốn đạt được điều gì thì cũng hãy viết ra rõ ràng và ghi nhớ chúng thật kỹ. Nên xác lập những mục tiêu thực tế và cố gắng đạt được thay vì chọn những mục tiêu quá xa vời rồi bỏ dở giữa chừng.
Trong năm học, thỉnh thoảng hãy kiểm tra lại xem mình có đang “xa rời mục tiêu, lý tưởng” hay không. Nếu bạn đang đi chệch hướng thì phải nhanh chóng điều chỉnh lại. Rất nhiều bạn đặt mục tiêu hoành tráng vào đầu năm học, rồi đến cuối năm lại không nhớ nổi những mục tiêu đó là gì.
Lên kế hoạch học tập
Một kế hoạch học tập khoa học sẽ giúp các bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, tâm sức. Ngược lại học theo kiểu tùy hứng, đụng đâu học đó rất khó có thể đạt được kết quả cao. Hãy bắt đầu bằng kế hoạch dài hạn cho cả năm trước, rồi đến kế hoạch ngắn hạn cho từng học kỳ sau. Kế hoạch càng chi tiết, cụ thể càng tốt, không chỉ thời gian học, cả thời gian nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè cũng nên đưa vào.
Một kế hoạch học tập tốt phải nêu rõ được công việc và thời gian hoàn thành, thứ tự ưu tiên các công việc cũng cần phải cân nhắc. Hãy nhìn lại các mục tiêu phấn đấu của mình, bạn khao khát đạt được điều gì nhất thì hãy dành nhiều thời gian và nỗ lực cho điều ấy. Ví dụ nếu bạn muốn vào đội tuyển thi học sinh giỏi vật lý thì nên dành nhiều thời gian cho môn học này hơn các môn khác. Còn nếu bạn muốn xin học bổng du học thì ngoài việc rèn tiếng Anh và học thật tốt, bạn còn phải tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa...
Khơi dậy cảm hứng học tập
Học tập mà không có cảm hứng, không thấy thích thú sẽ làm bạn rất mệt mỏi, cảm giác việc học như một gánh nặng đè trên vai, kết quả học tập cũng vì thế mà không cao được. Ngược lại, sự yêu thích sẽ giúp các bạn học tốt hơn.
Nếu bạn cứ khăng khăng rằng mình ghét môn lịch sử vì nó thật khô khan, số liệu dày đặc và sự kiện rắc rối thì mãi bạn sẽ chẳng giỏi được lịch sử. Hãy cố gắng tìm đọc thêm sách hoặc xem phim về lịch sử và tìm ra lý do để yêu thích môn học đó, bạn sẽ thấy việc học nhẹ nhàng hơn nhiều.
Khi bắt đầu năm học, hãy cố gắng đạt điểm cao những môn mà bạn không thích. Khi đó, cảm giác tự hào và hãnh diện vì đạt điểm cao sẽ cho bạn hứng thú với môn học đó hơn. Nghĩ đến những người học giỏi hơn và ao ước sẽ thành công giống như họ cũng là một cách cho bạn động lực để cố gắng. Bạn cũng có thể trang trí lại góc học tập của mình hoặc thử một phương pháp ghi chép mới có hiệu quả hơn như dùng mind map (sơ đồ tư duy).
Áo Trắng số 13 ra ngày 01/08/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận