14/05/2021 17:21 GMT+7

Lê Phương: Chị hai quốc dân trong Thương con cá rô đồng

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - 10 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải chăm lo cho 4 đứa em nhỏ dạị, người chị ấy vừa là chị, vừa là mẹ, vừa là cha của đàn em thơ. Đó là Thương, vai diễn mới của Lê Phương trong bộ phim 'Thương con cá rô đồng'.

Lê Phương: Chị hai quốc dân trong Thương con cá rô đồng - Ảnh 1.

Lê Phương xuất hiện từ cuối tập 3 với nụ cười hiền lành - Ảnh: ĐPCC

Xuất hiện ở những phút cuối của tập 3, khi những đứa trẻ lớn lên sau 16 năm, Lê Phương gây bất ngờ với giọng nói Nam Bộ rặc và một nụ cười thấp thoáng nét đẹp nhẹ nhàng, chân chất.

Trailer phim Thương con cá rô đồng

Phương kể: "Thương con cá rô đồng là bộ phim về miền Tây Nam Bộ, thu tiếng trực tiếp. Điều này quá dễ vì tôi là con gái gốc miền Tây (Lê Phương quê Trà Vinh - phóng viên).

Ban đầu đạo diễn cũng sợ vì phim phát sóng toàn quốc (VTV3), nếu nói giọng Nam rặc quá khán giả ở các miền khác khó nghe. Tôi bảo với đạo diễn chắc sẽ không sao vì đây là giai đoạn Thương ở quê, lúc lên Sài Gòn cô ấy thích nghi với cuộc sống mới, phát âm chuẩn, rõ để phù hợp hơn với bối cảnh thị thành.

Có người đặt biệt hiệu "Chị hai quốc dân" cho tôi bởi toàn thấy tôi vào vai chị hai lúc nào cũng lo lắng cho đàn em thơ đến là tội nghiệp".

Lê Phương: Chị hai quốc dân trong Thương con cá rô đồng - Ảnh 3.

"Chị hai quốc dân" Thương do Lê Phương hóa thân

* Thường xuyên vào vai người chị lúc nào cũng tốt bụng, hi sinh cho đàn em thì dễ bị "một màu". Khi nhận kịch bản, Lê Phương từng nói đạo diễn đừng bắt mình khóc nhiều quá. Lời đề nghị ấy có phải vì Lê Phương đã chán hình ảnh quen thuộc trong phim trước, hay còn vì lý do nào khác?

- Đúng là tôi thường được giao vai chị hai hay vai nghèo khó, và cũng nhờ những vai diễn này giúp tôi được khán giả yêu thương. Tôi trao đổi với đạo diễn đây là vai đào thương nhưng đừng cho tôi khóc quá nhiều, hãy cho tôi mạnh mẽ, cá tính hơn các vai trước.

Có thể khán giả sẽ cảm thấy Thương nhu nhược mỗi khi la mắng các em - nhất là Lắm - vì đã phản ứng với dì Tư, người gây ra nhiều rắc rối và đau khổ cho chị em Thương. Nhưng suy cho cùng, đó là điểm sáng của tính cách nhân vật. Trong hoàn cảnh nào, Thương vẫn giữ "lễ" với người thân của mình.

Thương xuất hiện xuyên suốt, liên tục. Cô ấy là sợi dây nối kết các nhân vật với nhau. Trong suốt 4 tháng quay phim, tôi hầu như không nhận phim song song hay kể cả game show, chỉ để tập trung làm thật tốt vai diễn. Sau ngày đóng máy, cảm giác như tôi hết sạch năng lượng nhưng lại rất nhẹ nhõm, rất đã.

Thật sự, tôi thích phim đề tài gia đình, tâm lý vợ chồng, con cái bởi khi vào nghề, tôi hiểu mình khó đóng kiểu phim thần tượng, ngôn tình vì không được đẹp lắm và không có phong cách đóng phim thể loại này.

Diễn viên Lê Phương

Lê Phương: Chị hai quốc dân trong Thương con cá rô đồng - Ảnh 5.

Lê Phương (vai Thương) và Quốc Huy (vai Thiệt) trong Thương con cá rô đồng.

* Chị hai Thương trong Thương con cá rô đồng gửi đến khán giả câu chuyện gì?

- Nếu chị hai Hương tôi hóa thân trong Gạo nếp gạo tẻ (phần 1) là chị hai Sài Gòn chính gốc, thì Thương là cô gái miền Tây chính hiệu. Phim có nhiều bối cảnh miền quê nên khán giả sẽ được khám phá nhiều cảnh đẹp của miền đất Nam Bộ, đồng thời hiểu thêm cuộc sống, phong tục và tính cách hào sảng, rất chân chất của con người nơi đây.

Còn nhân vật Thương gửi đến thông điệp quen thuộc rằng "gia đình là số một" và khi bản thân gặp khó khăn, nghịch cảnh, ta phải mạnh mẽ, lạc quan tìm ra hướng tốt đẹp thay vì sống bế tắc, tuyệt vọng.

Lê Phương: Chị hai quốc dân trong Thương con cá rô đồng - Ảnh 6.

Cảnh trong phim Thương con cá rô đồng

* Khán giả cũng khá bất ngờ khi Lê Phương trình bày ca khúc trong phim. Mối duyên nào đưa Phương đến với ca khúc này?

- Khi đạo diễn mời hát, tôi cũng bất ngờ và từ chối đó chứ (cười). Mọi người biết tôi là diễn viên, còn ca hát chỉ là phụ thôi. Chồng tôi (chồng Lê Phương là ca sĩ Trung Kiên) động viên tôi cứ nhận và anh chỉ dẫn hát sao cho đúng.

Lần đầu đạo diễn bảo được rồi, nhưng hát cao thêm chút nữa để phù hợp với phim. Mà tôi thuộc giọng trầm, quãng giọng không cao, đây lại là ca khúc dân ca khá khó hát, phải thu đến ba lần mới hoàn thành ca khúc.

Phần lời của ca khúc tôi có góp ý để sửa lại một chút, như câu cuối "Tìm yên vui chỉ có tình thâm thôi" đã phần nào nói được điều mà phim truyền tải.

Thương con cá rô đồng (biên kịch: Ngọc Bích - La Nguyễn Quốc Vinh, đạo diễn: Hoàng Tuấn Cường) kể về câu chuyện năm anh chị em Thương, Nhớ, Thiệt, Lắm, Lành mất cả cha lẫn mẹ từ lúc còn nhỏ. Thêm một bi kịch khác khi người em Thiệt bị lạc, bốn chị em còn lại sống với dì Tư. Cuộc sống vô cùng vất vả.

Các diễn viên vào vai người lớn ngoài Lê Phương (Thương) còn có Như Đan (Nhớ), Quốc Huy (Thiệt), Quang Thái (Lắm), Hoàng Yến (Út Lành), Thanh Thức (Chơn)...

Phim đang phát sóng lúc 14h thứ bảy, chủ nhật hằng tuần trên VTV3.

3 tập đầu tiên, các diễn viên nhí đã hoàn thành vai diễn xuất sắc, khiến nhiều khán giả xúc động, rơi nước mắt. Như ý kiến của Trinh Tran: "Mới đầu phim thôi là đã nghẹn ngào rồi, nhìn cảnh này mình nhớ lại cách đây 35 năm ngày ba mẹ mất. 6 anh em nheo nhóc và mỗi người một nơi".

Lê Phương:  Kiều Nguyệt Nga yêu kiều Lê Phương: Kiều Nguyệt Nga yêu kiều

TTO - Cuối năm 2017 và kéo dài qua năm 2018, có thể nói vở diễn gây ấn tượng nhất của làng sân khấu kịch thành phố chính là vở nhạc kịch Tiên Nga của IDECAF.


HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên