Hai sĩ quan Mỹ đóng giả Donald Trump và vợ Melania tập dượt cho buổi tuyên thệ nhậm chức ở Washington, ngày 15-1 - Ảnh: Reuters |
Buổi lễ nhậm chức sẽ được phủ bóng bằng câu khẩu hiệu tranh cử đưa ông Donald Trump đến Nhà Trắng là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Ngày chính thức là ngày 20-1 nhưng các hoạt động liên quan kéo dài đến ba ngày.
Vào ngày 19-1, buổi lễ đầu tiên trong chuỗi hoạt động sẽ bắt đầu từ buổi sáng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington với việc đặt vòng hoa tưởng niệm, tiếp theo đó là buổi hòa nhạc chào mừng tại The National Mall - công viên ngay trung tâm thủ đô Washington - với sự hiện diện của Tổng thống đắc cử Donald Trump và Phó tổng thống đắc cử Mike Pence.
Sang ngày 20, một buổi lễ tôn giáo diễn ra tại nhà thờ. Buổi lễ tuyên thệ của ông Trump diễn ra vào khoảng buổi trưa sau cuộc gặp ngắn giữa ông Trump với ông Barack Obama.
Hơn 250.000 vé đã được Quốc hội Mỹ phân phát cho buổi lễ tuyên thệ diễn ra trước tòa nhà Quốc hội.
Trên khán đài, ông Doanald Trump, tay trái đặt trên bản Kinh thánh, sẽ đọc câu “Tôi trịnh trọng tuyên thệ hoàn thành đầy đủ các chức trách của Tổng thống Hoa Kỳ, và bằng tất cả khả năng của mình gìn giữ, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ”.
Đây là câu mà tất cả các Tổng thống Mỹ đã đọc khi tuyên thệ, từ thời George Washington vào năm 1789.
Hàng rào mới dựng lên tại công viên The National Mall ở Washington - Ảnh: Reuters |
Obama từng tuyên thệ bốn lần!
Nếu tất cả diễn ra tốt đẹp thì Tổng thống đắc cử chỉ phải tuyên thệ một lần trong khi Tổng thống Barack Obama từng phải tuyên thệ tổng cộng đến bốn lần!
Tháng 1-2009, ông Obama từng phải tuyên thệ lại lần thứ hai do phát ngôn sai của Chánh án Tòa án tối cao John Roberts.
Đến khi tái cử năm 2012, khi ông Obama tuyên thệ vào ngày 20-1-2013 thì lại xảy ra vấn đề: ngày này rơi vào Chủ nhật. Thế là ông Obama vẫn tuyên thệ đúng ngày để đảm bảo qui định của Hiến pháp nhưng sang hôm sau ông lại tuyên thệ lần nữa để tiện lợi cho việc truyền thông.
Sau phần tuyên thệ trước Kinh thánh là phần diễu hành của tân Tổng thống và Phó tổng thống trên đại lộ Pennsylvania nối từ tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng.
Dự kiến khoảng 8.000 người sẽ tham gia vào hoạt động này. Đoàn diễu hành bao gồm học sinh, các ban nhạc ở trường đại học, khối xe mô tô và phân khối lớn, khối cựu binh và các thành viên đang phục vụ trong quân đội, khối hướng đạo sinh và nhiều khối khác.
Theo thông tin hiện nay, sẽ có một buổi trình diễn âm nhạc lớn diễn ra tại Lincoln Memorial với sự tham gia của ban Rockettes với dàn diễn viên múa phụ họa đầy gợi cảm theo phong cách vui nhộn của nhạc hội. Đây là ban nhảy múa nổi tiếng thường trình diễn vào tháng 11 và 12 tại Radio City Hall ở New York.
Ban này đã trình diễn trong hai lần tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống George W. Bush năm 2001 và 2005.
Ban nhạc múa Rockettes trình diễn tại chương trình “Tôn vinh Tự do” diễn ra ngày 19-1-2005, ở Washington trong phần lễ hội nhậm chức của Tổng thống George W. Bush - Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên lần này có chút sự cố khi một số nữ nghệ sĩ múa của ban Rockettes công bố trên mạng rằng họ bị ép buộc tham gia và họ không muốn như thế. Công ty quản lý sau đó phải biện hộ rằng họ không ép buộc và cho các cô gái tự nguyện đăng ký.
Chuyện ca sĩ hát bài quốc ca cũng thể hiện sự kém thu hút của ông Trump đối với giới biểu diễn. Thông tin cho rằng nhiều nghệ sĩ danh tiếng đã từ chối vinh dự này.
Cuối cùng đội ngũ của ông Trump phải chọn nữ ca sĩ 16 tuổi Jackie Evancho, người từng tham dự chương trình “America’s Got Talent”. Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ với ca sĩ trong lễ tuyên thệ của Barack Obama: Aretha Franklin vào năm 2009 và Beyoncé năm 2013.
Chi phí bao nhiêu?
Ngoài ra còn có 3 buổi khiêu vũ với hai theo giấy mời tại Trung tâm hội nghị Washington và buổi thứ ba với lực lượng quân đội tại Bảo tàng National Building.
Kết thúc của đợt lễ hội ba ngày trên là buổi lễ tôn giáo vào ngày 21-1. Đây cũng là ngày hàng trăm ngàn phụ nữ Mỹ dự định sẽ tiến hành cuộc tuần hành của phụ nữ Mỹ tại Washington.
Trong số khách mời đáng chú ý có 3 trong số 4 cựu Tổng thống Mỹ còn sống sẽ có mặt. Đó là Jimmy Carter, 92 tuổi, George W.Bush và Bill Clinton; ông George Bush (cha) vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Tiền chi cho Lễ Nhậm chức dự kiến sẽ quyên từ các nhà tài trợ, cụ thể là từ những doanh nghiệp được hưởng lợi sau khi Tổng thống đắc cử. Trong số đó, có những hãng và công ty lớn như Microsoft.
Tổng thống Mỹ Barack Obama là người tổ chức lễ tuyên thệ với chi phí tốn kém nhất từ trước tới nay. Lễ tuyên thệ năm 2009 của ông có chi phí lên tới 160 triệu USD.
Tuy nhiên, Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump năm nay dự kiến phá kỷ lục đó với chi phí từ 175-200 triệu USD. Các nhà tài trợ sẽ trang trải khoảng 70 triệu USD, còn lại sẽ lấy từ tiền thuế của dân.
Ban tổ chức cũng bán vé tham dự Lễ tuyên thệ nhậm chức cho người dân và thường thu hút lượng lớn khách tham dự. Năm 2009 đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ có Tổng thống người da màu, 1,8 triệu lượt người đã đến xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận