Lê Khoa hát, sáng tác kiêm sản xuất album - Ảnh: NVCC
Chúng tôi muốn cất giọng để khẳng định lại con người cá nhân, tiếng nói của những nhóm thiểu số trên đất Mỹ và bày tỏ khát khao tự do của mình.
Lê Khoa
Cho đến khi nghe Lê Khoa hát mới có thể hiểu vì sao một người còn "vô danh" như anh có thể thuyết phục được nghệ sĩ từng đoạt giải Grammy cùng hợp tác làm album.
Nghe Lê Khoa hát Lê Minh Sơn thì hiểu vì sao Lê Minh Sơn nhận lời cộng tác với một gương mặt trong nước chưa ai biết.
Từ hình thức album (Khoa mặc trang phục của nhà thiết kế Công Trí) đến giọng hát đều khiến người nghe cảm thấy ngợp. Khoa chuyển giọng từ rock sang dân gian đương đại rất dễ dàng, hát những nốt cao vượt cả Bằng Kiều mà không cần giả thanh cho thấy nội lực của giọng hát rất lớn.
Ơi Mùa Đông Của Em - Album Lê Khoa hát Lê Minh Sơn
Chặng đường dài cho đam mê âm nhạc
Cuộc di cư của gia đình Lê Khoa tới Mỹ với ước vọng đoàn tụ đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời của các thành viên. Anh trai của Khoa bị kẹt lại ở Việt Nam, chỉ có cha mẹ và Lê Khoa sang được Mỹ theo diện đoàn tụ với gia đình của chị gái.
Sang tới Mỹ, gia đình Lê Khoa bị phân tán. Mẹ Khoa theo chị gái làm việc ở một bang khác. Khoa ở chung với cha nhưng gần như không gặp nhau vì cả hai lao động quần quật cả ngày, tối về nhà lăn ra ngủ như chết.
Ở tuổi 20, Lê Khoa bị vỡ mộng trên đất Mỹ. Để sinh tồn, Khoa phải đi cọ rửa toilet, rửa xe, dọn nhà..., khác xa với cuộc đời trước kia ở Việt Nam chỉ có ăn và học. Thời tiết tại Wichita (tiểu bang Kansas, Mỹ) rất khắc nghiệt. Trời đông tuyết trắng rét cắt da cắt thịt, mùa hè thì nắng gắt.
Tắm Suối - Album Lê Khoa hát Lê Minh Sơn
Từ một môi trường văn hóa mở như ở Việt Nam, sang Mỹ sinh sống Lê Khoa gần như rơi vào trạng thái trầm cảm vì cô đơn. Nhưng rồi âm nhạc đã góp phần giúp Khoa trưởng thành. Rock giúp Khoa bung tỏa năng lượng hoang dã bên trong, nhưng để thể hiện những trăn trở nội tâm đầy phức tạp, Khoa cần có thêm world music, electronic, ambient, dân gian đương đại...
Giọng của Khoa có khả năng "mix" những thể loại âm nhạc tưởng như trái ngược. Cách chọn nhạc cho thấy Lê Khoa là một tính cách quyết liệt, trái ngược hẳn với vẻ dịu dàng bên ngoài. Ngoài đời Khoa ứng xử rất khuôn phép, nhưng nghe nhạc thì biết bên trong là một tâm tư nổi loạn.
Lê Khoa - Ảnh: NVCC
Năm 2017, từ Mỹ, Khoa đã gửi các sáng tác của mình cho một loạt ngôi sao âm nhạc phía Bắc với mong muốn duy nhất là được chia sẻ. Bởi chỉ khi qua Mỹ, Khoa mới phát hiện ra nhạc Việt... đáng nghe. Những nghệ sĩ miền Bắc và âm nhạc của họ đã đánh thức "bản năng gốc" trong Khoa, khiến một người cả đời chỉ nghe nhạc Âu, Mỹ cuối cùng phải tìm về âm nhạc tiếng mẹ đẻ.
Trong số những nghệ sĩ Khoa gửi bản demo, có một người hồi đáp là nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Bất ngờ là Lê Minh Sơn vốn dĩ rất kỹ tính đã đồng ý hợp tác và ngay năm 2018 họ ra album Lê Khoa hát Lê Minh Sơn.
Album này, Lê Khoa như một đứa trẻ chậm nói lần đầu bật ra được tiếng nói đầu tiên, nói với tất cả năng lượng, niềm vui sướng của mình. Khoa cho biết đến bây giờ anh vẫn nợ tiền làm album Lê Khoa hát Lê Minh Sơn và lại tiếp tục làm việc trả nợ.
Lê Khoa từ khi còn là một đứa trẻ đã nói với mẹ: "Thà chết con không làm một nghề gì khác ngoài âm nhạc". Khoa đã phải đi một chặng rất dài. Anh như con cá chép đã có thời tưởng mình là cá hồi nhăm nhe bơi ngược dòng chảy, cho đến khi biết mình là ai lại xuôi dòng bơi về cội nguồn.
Bìa CD War của Lê Khoa và nghệ sĩ Josué Estrada
Làm album với nghệ sĩ 4 lần thắng giải Grammy
Sau album Lê Khoa hát Lê Minh Sơn, trong lúc tiếp tục làm việc để trả nợ tiền làm album, ngày 20-3 vừa qua Lê Khoa và nghệ sĩ Mexico Josué Estrada đã ra mắt album W.A.R, phát trên nền tảng dịch vụ nhạc trực tuyến. Ý tưởng của W.A.R đã thuyết phục được kỹ sư phòng thu Bob Olhsson, người từng 11 lần được đề cử và đã bốn lần chiến thắng giải Grammy danh giá của Mỹ, nhận làm kỹ sư âm thanh cho album này.
"Chúng tôi không nghĩ ông nhận lời. Khi nghe ý tưởng album, Bob Olhsson nói cả cuộc đời ông đi tìm sự công bằng vì mẹ ông là nô lệ. Ông cảm thấy những người trẻ chúng tôi đã nói được điều mà suốt một đời làm nghệ thuật của ông chưa nói lên được nên ông nhận lời tham gia" - Lê Khoa cho biết.
Lê Khoa - Ảnh: NVCC
Album được thu live để ghi lại được những khoảnh khắc ngẫu hứng thăng hoa của Lê Khoa và nghệ sĩ trống, trumpet Josué Estrada. Ý tưởng của album W.A.R đến từ những nghịch lý trong cuộc sống, những mâu thuẫn nội tại trong chính con người gây nên chiến tranh. Bìa album có hình tam giác với ba đỉnh đại diện cho: sáng tạo, con người và nghệ thuật.
Sống trong xã hội Mỹ, Lê Khoa thấm thía cảm giác của một người "thiểu số". Sự kỳ thị vẫn tồn tại trong đất nước tự do này. Ngay trong lớp học tiếng của mình, Lê Khoa chứng kiến một thầy giáo Mỹ nói bạn cùng lớp của anh "hãy về Việt Nam mà nói tiếng Việt Nam".
Lê Khoa và các bạn đã làm đơn phản ánh. Một thời gian sau người thầy đã phải xin lỗi cả lớp và buộc chuyển sang dạy môn học khác. W.A.R chính là tâm tư của Lê Khoa, Josué Estrada, những người tự cảm thấy tiếng nói của mình chỉ là "thiểu số" trên đất Mỹ, muốn được cất giọng.
Lê Khoa - Ảnh: NVCC
"Trong những chuyến đi, Josué Estrada và tôi đã tìm hiểu về cộng đồng người da đỏ. Lịch sử đau thương của họ, câu hỏi vì sao tiếng nói của họ không còn được tìm thấy trên từ điển nữa động chạm đến con người Việt Nam trong tôi và con người Mexico trong Josué Estrada. Chúng tôi muốn cất giọng để khẳng định lại con người cá nhân, tiếng nói của những nhóm thiểu số trên đất Mỹ và bày tỏ khát khao tự do của mình".
Khát vọng được cất lên giọng nói của chính mình sẽ được hai nghệ sĩ độc lập này thực hiện trong chuyến lưu diễn giới thiệu W.A.R tại Mỹ và Mexico vào tháng 6 tới.
Lê Khoa - Ảnh: NVCC
Khóc vì... H'Hen Niê
Năm 18 tuổi, Lê Khoa đã phải đấu tranh với gia đình để được vào học tại Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Năm 20 tuổi Khoa sang Mỹ định cư cùng gia đình, tại đây anh học ở một trường cao đẳng, khoa âm nhạc. Hiện Khoa có thể sáng tác, hát, sản xuất album cho chính mình.
Khoa cho biết khi theo dõi chặng đường của Hoa hậu hoàn vũ H'Hen Niê, anh đã phát khóc khi thấy H'Hen Niê bị một số người kỳ thị ngay ở Việt Nam. Khoa ở đất Mỹ quá thấm thía sự kỳ thị sắc tộc nên thấy đồng cảm sâu sắc. Chính vì thế, âm nhạc của Khoa là khát khao được cất lên tiếng nói của mình, khát khao được sống là chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận