Hà Nội mở hội... chọi trâuHàng vạn người đội mưa dự hội chọi trâu Đồ SơnChọi thắng, trâu bị xẻ thịt bán 1-2 triệu đồng/kg
Phóng to |
Trận quyết đấu giữa trâu số 6 và số 22 ở Phúc Thọ hôm 22-2 - Ảnh: Lê Hồng Thái |
Mùa xuân là mùa lễ hội. Lễ hội là do con người đặt ra. Lễ là phần tâm linh, hội là phần đời thực. Đi lễ hội, con người có nhu cầu muốn thông giao với thần thánh tiên phật, với những đấng siêu nhiên, cao nhiên để mong được phù hộ độ trì cho những điều tốt lành, tránh những tai ương hiểm họa trong cuộc sống trần gian.
Dù ai làm đâu ăn đâu
"Văn hóa lễ hội nước ta đang có nguy cơ tràn lan và tầm thường hóa, mất đi nét đẹp tâm linh và tín ngưỡng" |
Bên cạnh đó, đi lễ hội con người còn muốn được vui chơi, được phóng túng thân thể hình hài, được hòa chung vào tập thể cộng đồng. Những lễ hội truyền thống đã có từ ngày xưa, từ trong quá khứ lịch sử lưu lại đến nay. Những lễ hội được lưu lại đó chứng tỏ có một sức sống lâu bền nhờ đáp ứng một nhu cầu nào đó của một cộng đồng khu vực, rồi lan truyền ra cộng đồng lớn hơn, được cố định hóa bằng các nghi thức, lễ tục. Cố nhiên ở mỗi thời đại, những lễ tục có thể được xem xét lại trong hoàn cảnh lịch sử - xã hội mới.
Lấy như hội chọi trâu Đồ Sơn đã đi vào câu ca lưu truyền “Dù ai làm đâu ăn đâu/ Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về”. Chọi trâu là một lễ hội của cư dân nông nghiệp để biểu dương sức mạnh của những con vật thân thiết với nhà nông, để phô bày tài nghệ chăm trâu và rèn trâu của những nhà nông, để khích lệ tinh thần quả cảm, xả thân của những người làm ruộng gắn với con vật đầu cơ nghiệp. Vào hội, những chú trâu bao lâu nay được chăm bẵm, rèn tập lao vào nhau đấu sức một chết một sống để chứng tỏ sức mạnh của mình và qua đó chứng tỏ bàn tay của người chăm nuôi. Có lễ hội tịch điền, vua dắt trâu xuống đồng cày những xá cày đầu tiên lấy may cho muôn dân và mong ước mùa màng năm mới bội thu. Lại có lễ hội chọi trâu mà đến nay một số người vẫn chưa hiểu lý do tập tục tâm linh nào, dù như trên tôi đã nói đến những ý nghĩa có thể có của nó. Chọi trâu để xem con trâu nào mạnh, nhưng con trâu mạnh thắng cuộc cuối cùng lại bị sả thịt, và thịt con trâu đó được bán giá đắt, được coi như phúc lộc cho những ai mua được. Có thể có một tín ngưỡng dân gian văn hóa ở đây, và bao đời nay lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn duy trì tập tục này, tuy gần đây đã có ý kiến cho việc sả thịt con trâu thắng chọi, hơn thế nữa là sả thịt một cách công khai, bày bán công khai, và người mua được thịt trâu đó thì hỉ hả vui mừng, là một điều ghê rợn, không phù hợp với tâm linh của lễ hội là hướng thiện cho con người.
Cần những không gian riêng
Dẫu sao, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã thành truyền thống, đã được dân gian công nhận bằng câu ca truyền khẩu như một tâm thức hằng năm. Còn như một số lễ hội mới đây được phát sinh hay phục dựng, thì quả là phải suy nghĩ về cái thực lịch sử và cái thật tâm linh của những lễ hội này. Nên nhớ mỗi lễ hội phát sinh và phát triển đều có không gian riêng của nó, nhằm đáp ứng cho một nhu cầu tâm linh của cộng đồng đã sinh ra lễ hội đó. Ví như lễ hội đâm trâu ở Tây nguyên bao đời nay. Khi đem một lễ hội dù đã có lâu đời ra ngoài không gian diễn xướng của nó thì dễ làm biến dạng, thô thiển nó. Huống chi những lễ hội mới nảy ra mà có bao hàm yếu tố bạo lực, rùng rợn thì càng gây phản cảm. Lễ hội là phải có không gian lễ hội được cộng đồng lễ hội quy định, và chỉ phát huy tác dụng tích cực trong không gian cộng đồng ấy. Ra khỏi đó, lễ hội sẽ mất đi tính chất tín ngưỡng tâm linh của mình, trở thành một trò diễn trần tục mua vui.
Tôi có cảm giác hiện nay đâu đâu cũng có thể làm lễ hội và lễ hội được làm rất ít có cơ sở văn hóa lịch sử và không dựa trên một ý hướng văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Nếu từ một hội chọi trâu Đồ Sơn xưa mà nay lại thêm những hội chọi trâu khác ở những nơi khác chưa từng nghe nói đến và vẫn lặp lại những nghi thức tục lệ đã có thì hoặc đó là một phát hiện văn hóa cần được khảo sát kỹ, hoặc là một sự phục dựng rập khuôn cần nên thận trọng.
Văn hóa lễ hội nước ta đang có nguy cơ tràn lan và tầm thường hóa, mất đi nét đẹp tâm linh và tín ngưỡng. Ngày xuân và quanh năm đi lễ hội đền chùa của con người Việt Nam bao đời nay cốt tĩnh tâm, cầu ước điều lành, tránh những sự chết chóc rủi ro. Sao chọi trâu xong thì con trâu thắng cuộc không được đưa về nhà để làm sức kéo tốt cho chủ nhà một mùa tốt tươi mà bị đem xẻ thịt? Đó là sợ mệnh trời coi con trâu ấy là của trời, phải chết để hóa thân cho mùa màng? Chẳng biết, chỉ thấy đi lễ hội chọi trâu đến màn giết thịt trâu thắng và cả trâu không thắng nữa, là ghê ghê, và sợ!
Sự kiện chứ không phải lễ hội Bình luận về việc hội chọi trâu vừa được tổ chức tại Phúc Thọ (Hà Nội), GS Ngô Đức Thịnh nói: “Chọi trâu ở Phúc Thọ là một hội mới. Nhưng trước đó người Việt đã có các hội chọi trâu truyền thống ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Như ở Hải Phòng, nguyên tắc là con trâu nào thắng cũng bị giết thịt để tế thần. Sau này thì cả trâu thua lẫn trâu thắng đều đem đi giết thịt. Với nhiều người, họ có lòng tin rằng ăn thịt trâu sẽ có được sức khỏe giống như con vật. Ngoài phần chia cho cộng đồng thì thịt trâu cũng được mang đi bán với giá rất cao. Nghe nói nhiều năm, nhiều người còn phải tranh nhau mới mua được”. Cùng quan điểm, một nhà nghiên cứu văn hóa khác cho rằng hội chọi trâu ở Phúc Thọ là một sự kiện chứ không phải là lễ hội: “Có một điều cần lưu ý rằng có hiện tượng mượn danh trâu tế thần, mượn danh linh thiêng để bán thịt trâu với giá cao”. H.H. ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận