15/02/2014 07:24 GMT+7

Lễ hội đền Trần: Chốn linh thiêng thành khu chợ vỡ

KIỀU LINH
KIỀU LINH

TT - Lễ hội đền Trần năm nay được chờ đợi sẽ diễn ra nghiêm minh, chặt chẽ và ổn định hơn. Song tất cả chỉ là mơ ước.

xm3dfaxQ.jpg
Sau giờ khai ấn, người dân chen chúc nhau ùa vào đền Trần. Trong ảnh: một số người dân nhoài người sờ vào thanh gươm đặt trên bàn thờ trong khu vực làm lễ ở đền Thượng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay ban tổ chức đã huy động tối đa lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động, an ninh, bộ đội, dân quân tự vệ, dân phòng...Tuy nhiên, dù làm việc hết công suất thì lực lượng này cũng không thể “đấu” lại với sức mạnh của hàng vạn du khách thập phương đổ về.

Trong hai ngày hội 13 và 14-2 (14 và 15 tháng giêng), cảnh tượng người dân chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau hòng lấy may vẫn lặp lại như những năm trước.

Suốt từ chiều tới 24g đêm 14 tháng giêng, dòng người ào ạt đổ xô về đền Trần làm lễ, xin lộc cầu may. Xin vào không được thì người ta chen, chen không được thì xô đẩy hàng rào. Từ quan khách của ban tổ chức đến người dân ai ai cũng tìm mọi cách để nhanh chóng lấy lộc về tay mình. Tiếng la ó, hò hét giữa đêm trước cửa đền đã biến chốn linh thiêng thành một khu chợ vỡ.

So với đêm hôm trước thì hình ảnh phát ấn diễn ra sáng 14-2 có khá hơn mặc dù vẫn diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy ngay trước đền phát ấn. Nhiều người hài lòng khi trông thấy những hàng dài người chờ vào mua ấn nhưng cảnh đè đầu, cưỡi cổ vẫn liên tiếp diễn ra. Những cánh tay chấp chới bám lên mái đền, đôi chân khua khua đu vào cửa sổ - nơi các cụ thủ từ đang phát ấn - khiến nhiều người phía sau phẫn uất, không nhịn được liền cất tiếng chửi rủa. Lời lẽ thô tục cứ vô tư thoát ra trước cửa đền. Cho đến khi cảnh sát cơ động phải trèo lên ghế chỉ tận tay thì những người này mới chịu buông tha.

Đến 7g ngày 14-2, trước những nỗ lực, cố gắng của lực lượng cảnh sát, công an, cuối cùng người dân cũng ý thức hơn, xếp hàng ngay ngắn chờ tới lượt mình vào đền. An ninh trật tự sau đó cũng được đảm bảo hơn, lực lượng cảnh sát cũng không phải gồng mình “đáp trả” du khách.

Tuy nhiên tình trạng bán ấn chợ đen vẫn ngang nhiên diễn ra trong khu vực đền Trần. Với mỗi chiếc ấn mua của nhà đền 15.000 đồng, ra chợ đen họ thu lãi về 35.000 đồng/ấn, tức giá bán 50.000 đồng/ấn. Thậm chí có người rao bán đến 100.000 đồng khi mang ra đến tận khu vực nội thành Nam Định, trên các tuyến xe khách tỏa về Hà Nội. Không ít người còn tỏ ra băn khoăn, trăn trở, day dứt trước những chiếc ấn mua từ chợ đen của mình liệu là thật hay giả...

Đến cuối giờ chiều, khu vực đền Trần đã vãn người qua lại. Những dòng khách cuối cùng vội vã trở về nhà sau những ngày “chiến đấu” mệt mỏi. Người mừng rỡ, vừa cười vừa khóc vì mua được ấn cầu may, người phấn khởi vì mua được ấn để phục vụ mục đích kinh doanh. Trong câu chuyện của họ còn đầy ắp ám ảnh về cảnh chen lấn, xô đẩy, những tiếng khóc nức nở lúc bị lạc mất nhau giữa đám đông, gót chân lê trên đường vì bị giẫm đạp sưng tấy...

“Chưa bao giờ tận mắt mình chứng kiến cảnh tượng hàng vạn người cùng một lúc hung hãn lao vào đền tranh nhau cướp lộc. Một lễ hội thật kinh hoàng” - một nữ du khách đến từ Huế thảng thốt nói.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đền Trần "chấn động" vì "bão người" cướp lộcHàng vạn người chen nhau đi lễ đền TrầnPhục dựng nghi lễ tế cá trong lễ hội đền TrầnẤn đền Trần "chợ đen" mua vô tư: 50 nghìn đồng/cái

KIỀU LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên