28/10/2015 11:03 GMT+7

Lấy ý kiến mẫu tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Đoàn tàu mẫu được trưng bày để lấy ý kiến đóng góp tại Trung tâm Giảng Võ Hà Nội từ ngày 29-10 đến 30-11-2015, mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Buổi sáng từ 8g-12g, chiều từ 13g-17g.

Phối cảnh ngoại thất đoàn tàu đường sắt Cát Linh

Ngày 28-10, Ban quản lý dự án (PMU) đường sắt - Bộ GTVT cho biết đoàn tàu mẫu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được trưng bày tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (số 148 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 29-10 để lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, người dân.

Theo PMU đường sắt, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ mua sắm 13 đoàn tàu (52 toa xe), với kết cấu 4 toa xe/1 đoàn tàu với chiều dài 79m. 

Đoàn tàu màu xanh lá cây

Chiều cao toa tàu là 3,8m, độ rộng lớn nhất toa tàu là 2,8m, chiều cao giữa phía trong toa tàu 2,1m, chiều cao nhỏ nhất khu vực khách đứng 1,9m (cửa ghép nối toa).

Vỏ tàu được làm bằng thép không gỉ Seri 301L tuân thủ tiêu chuẩn của Châu Âu. Đoàn tàu có tốc độ tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác trung bình trên hoặc bằng 35 km/giờ. Mỗi đoàn tàu được lắp đặt 8 động cơ xoay chiều 3 pha với công suất 190kW/động cơ. Tàu được cấp điện từ ray thứ 3.

Đoàn tàu có khả năng chở 960 người (tối đa 1.326 người). Giai đoạn đầu, tàu hoạt động với giãn cách 5-6 phút/chuyến, tương lai sẽ là 2-3 phút/chuyến để đáp ứng năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Về ngoại thất, đầu tàu được lựa chọn hình dạng đầu tàu vát, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao; kính chắn gió, cửa sổ trong hài hòa cùng dải tàu xuyên suốt đoàn tàu...

Đèn pha đầu tàu là loại đèn kép 3 (đèn chiếu gần, đèn chiếu xa, đèn đỏ khi ở đuôi tàu) bố trí đứng dọc theo viền cạnh đầu tàu.

Đây là đoàn tàu hoạt động trên tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội, do vậy, để thể hiện nét đặc trưng văn hóa của TP Hà Nội, sẽ lựa chọn biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, tại vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh - Hà Đông.

Đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ, không quá bóng, chỉ trang trí họa tiết đầu tàu và dải tàu chỉ thị của tuyến đường sắt đô thị. Màu sắc chủ đạo của đoàn tàu là màu xanh lá cây tươi sáng tạo cảm giác trẻ trung, thân thiện với thiên nhiên, môi trường...

Đối với thiết kế nội thất, trong toa tàu bố hai hàng cột cong về phía giữa toa tàu dọc theo lối đi và cột ngang tại hai phía của ghế cho phép hành khách đứng bám ổn định khi đông khách.

Ghế ngồi trên tàu làm bằng vật liệu Composite có độ bền chắc cao, tránh được cảm giác lạnh khi ngồi vào mùa đông. Tại hai đầu của mỗi toa có bố trí hai dãy ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai, người khuyết tật. Tại hai đầu của toa xe có động lực sẽ bố trí khu vực dành cho xe lăn;

Trong các toa có bản đồ dạng đèn LED bố trí phía trên các cửa lên xuống, hiển thị rõ ràng các thông tin thuận tiện cho hành khách đi tàu (ga sắp đến, ga đang dừng, bản đồ tuyến, thời gian, phía cửa mở…).

Phối cảnh nội thất đoàn tàu đường sắt Cát Linh

Đổi thiết kế vỏ thép không gỉ, đội kinh phí 16,2 triệu USD

Đơn vị trúng thầu chế tạo và sản xuất đoàn tàu là Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc). Công ty này chuyên sản xuất đầu máy toa xe cho đường sắt đô thị từ năm 1989. Tới năm 2014 Công ty này đã sản xuất 2.349 toa xe cho đường sắt đô thị.  

Đây cũng là công ty đã sản xuất và cung cấp toa xe chuẩn B (đoàn tàu Dự án Cát Linh Hà Đông cũng theo chuẩn B) cho các tuyến đường sắt đô thị tại Bắc Kinh như: tuyến Bát Thông; tuyến Metro Bắc Kinh số 1, 2, 13 để phục vụ Olympic Bắc Kinh năm 2008...

Được biết, theo thiết kế cơ sở, thân tàu dùng thép chịu khí hậu với giá trị mua sắm đoàn tàu được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2010 là 47,04 triệu USD. 

Tuy nhiên, hiện nay các nước và Trung Quốc không sản xuất thân tàu bằng thép chịu khí hậu mà dùng thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm (tàu điện tuyến Bến Thành - Suối Tiên ở TP HCM và Nhổn - ga Hà Nội ở Hà Nội đều được tư vấn đề xuất làm thân tàu bằng thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm).

Bên cạnh đó, việc sử dụng thân tàu bằng thép không gỉ sẽ không phát sinh chi phí xây dựng xưởng sơn, duy tu bảo dưỡng vỏ tàu, tiết kiệm thời gian, chi phí sơn sửa vỏ tàu trong quá trình khai thác sau này cũng như giảm thiểu ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

Vì vậy, ngày 14-3-2013, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận thay đổi vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox.

Tuy nhiên, việc thay đổi vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox làm chi phí mua sắm đoàn tàu tăng thêm 16,2 triệu USD (từ 47,04 triệu USD lên 63,24 triệu USD)

Hiện nay, tàu mẫu được mô phỏng tỉ lệ bằng tàu khai thác trên tuyến đường sắt đang được phủ bạt tại khu trưng bày ở triển lãm Giảng Võ trong khi hoàn thiện các hạng mục phục vụ việc trưng bày để ra mắt vào ngày mai (29-10).

Theo PMU đường sắt, để phục vụ việc khai thác dự án, 37 học viên lái tàu đợt 1 được đưa sang đào tạo tại Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn lái thử thực tế trên một số tuyến đường đang khai thác tại Bắc Kinh để chuẩn bị thi tốt nghiệp và hoàn thành khóa học vào tháng 11-2015.

Các khóa đào tạo chuyên ngành khác cũng đang được xúc tiến triển khai.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên