10/07/2009 08:13 GMT+7

Lấy thị trường nội địa làm điểm tựa

Thứ trưởng Bộ Công thương NGUYỄN CẨM TÚ
Thứ trưởng Bộ Công thương NGUYỄN CẨM TÚ

TT (Hà Nội) - “Nguy cơ tái lạm phát” là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc hội thảo “Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” diễn ra ngày 9-7 tại Hà Nội, với sự tham gia của nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, nhiều nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế.

LJz5w46R.jpgPhóng to
Các nhà sản xuất được khuyến khích hướng đến thị trường nội địa, coi đó là “điểm tựa” trong thời kỳ “hậu khủng hoảng”. Trong ảnh: Gian hàng vải sợi tại chợ Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (ảnh chụp tháng 4-2009) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Vừa trở về từ một hội nghị của Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay, chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cho hay hai trong số nhiều nguyên nhân của cuộc khủng hoảng được xác định tại hội nghị nêu trên là: mất cân đối lớn về vĩ mô và sự lỏng lẻo trong quản lý, đặc biệt đối với lĩnh vực tài chính.

Đảm bảo chất lượng tín dụng

Cũng từ cách tiếp cận vấn đề như vậy, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Toàn Thắng đã đưa ra các gợi ý về định hướng chính sách cho nước ta khi thế giới bước vào giai đoạn phục hồi, trong đó chính sách tiền tệ cần có độ thận trọng cần thiết, luôn cảnh giác với nguy cơ tái lạm phát cao, nhất là sau giai đoạn tích cực tham gia các biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế. Đồng thời, chính sách tiền tệ cũng cần có độ linh hoạt cần thiết để đảm bảo cung tiền ở mức phù hợp, kịp thời rút tiền từ lưu thông về khi có biểu hiện thừa và cung thêm tiền cho lưu thông khi có biểu hiện thiếu.

Ông Thắng cho rằng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều phải chú ý tránh lặp lại hiện tượng kéo dài từ năm 2000 đến 2007, đó là thực hiện đồng thời các biện pháp nới lỏng tiền tệ và kích cầu tiêu dùng, đầu tư bằng thâm hụt ngân sách nhà nước, dẫn đến phát triển nóng ở một số lĩnh vực, “thổi bong bóng” chứng khoán và bất động sản phình quá mức, gây ra lạm phát cao (12,63% năm 2007 và 19,89% năm 2008).

Theo phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện vào khoảng 3% (nếu tính theo chuẩn quốc tế là 4,5-5%). Đó là mức nước ta có thể kiểm soát được vì đã có kinh nghiệm từ sau khủng hoảng tài chính châu Á trước đây (mức nợ xấu lúc đó khoảng 14%, chuẩn quốc tế là 30%).

Ông Nghĩa nói thực tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu thì nhiều ngân hàng trong nước đang có lãi, một phần nhờ tiến độ cấu trúc ngành này tương đối nhanh so với các ngành khác, và nhất là những cơ hội của thị trường thời khủng hoảng như mua các trái phiếu chính phủ mà ngân hàng nước ngoài bán tháo (với tỉ lệ chiết khấu cao, ước tính các giao dịch liên quan lên đến 3-4 tỉ USD), đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bán lẻ, mở ra các sàn vàng trong bối cảnh giao dịch vàng nhộn nhịp thời gian qua...

Tuy nhiên, việc thu lợi từ những cơ hội đó cũng chứng minh một điều là lợi nhuận của ngân hàng không ổn định, vì sau khủng hoảng thì cơ hội đó sẽ qua đi, ví dụ nguồn lợi từ sàn vàng hiện đang tốt nhưng tới đây có thể bị sụt giảm.

Nhiều cơ hội, nhiều thách thức

"Để vượt qua khó khăn, bên cạnh các cột trụ như đầu tư, xuất khẩu, cần phải xác định là sẽ lấy thị trường nội địa làm điểm tựa để đi lên, với nhiều giải pháp. Trong đó Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp như những chính sách đã ưu ái cho xuất khẩu trước đây, cấu trúc lại thị trường để có sự đồng nhất giữa thị trường xuất khẩu và nội địa, không còn phân biệt hàng hóa sản xuất cho xuất khẩu và cho thị trường nội địa"

Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên nói thế giới “hậu khủng hoảng” sẽ có hai xu hướng di chuyển quan trọng. Thứ nhất là di chuyển công nghệ thấp đến các nước đi sau, kém phát triển. Đây là điểm mà VN phải đặc biệt cảnh giác, vì phía sau giá rẻ của công nghệ thấp, gắn liền với nó là nguồn nhân lực chất lượng thấp, sẽ là thảm họa lâu dài cho quốc gia.

Thứ hai là di chuyển công nghệ cao. Những nước nghèo, những nước kém phát triển cũng muốn nhập cuộc và cũng có cơ hội nhập cuộc. “Đấy là một cơ hội rất lớn, nhưng điều kiện cho sự nhập cuộc ấy là gì? Điều quan trọng là phải đổi mới tư duy bởi trong nhiều trường hợp, ở các nước lạc hậu đi sau, những tầng nấc văn hóa, tư duy phát triển theo kiểu truyền thống là sức cản rất lớn” - ông nói.

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng dù thế giới “hậu khủng hoảng” sẽ có nhiều điều chỉnh, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn còn tùy thuộc đáng kể vào thị trường thế giới ở cả “đầu ra” (xuất khẩu) lẫn “đầu vào” (vốn, công nghệ, nguyên vật liệu...). Do đó, hướng ưu tiên cần được dành cho các lĩnh vực này. Đó là nên đặc biệt chú trọng khuyến khích xuất khẩu thông qua các cơ chế thuế, lãi suất, tỉ giá, xúc tiến thương mại, thủ tục hải quan, cải thiện hạ tầng cơ sở... để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và kéo cả nền kinh tế đi lên. Các doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nối lại quan hệ với các bạn hàng cũ và tìm kiếm bạn hàng mới.

Ông Vũ Khoan cho rằng khác với tình hình sau cuộc khủng hoảng khu vực (năm 1997) khi nước ta mở được thị trường lớn mới là thị trường Hoa Kỳ, lần này không còn khả năng đó nên một mặt vẫn cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, song hướng ưu tiên vẫn nên dành cho các thị trường chủ yếu có khả năng tiêu thụ lượng lớn hàng xuất khẩu của nước ta như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Về mặt hàng thì không thể thay đổi được một sớm một chiều, trước mắt có thể dầu thô sẽ không còn đóng vai trò lớn như trước do phải dành cho công nghiệp lọc hóa dầu trong nước; nông hải sản có thể có những đóng góp quan trọng nhưng hơn lúc nào hết cần khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm của công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nhấn mạnh đến xuất khẩu, nhưng ông Vũ Khoan cho rằng cả trong thời kỳ khủng hoảng lẫn “hậu khủng hoảng” nhất thiết không nên lơi lỏng thị trường nội địa mà cần coi đây như một hướng lâu dài và cơ bản. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nói năm 2008 dù lạm phát cao nhưng tốc độ tăng doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ tăng đến 35% và có giá trị là 58 tỉ USD, sáu tháng đầu năm 2009 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã đạt mức tăng tới 20%, điều đó cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã trở lại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói những ý kiến từ hội thảo sẽ được cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ nắm bắt để góp phần tích cực cho công tác tư vấn, tham mưu cho quá trình hoạch định chính sách.

Thứ trưởng Bộ Công thương NGUYỄN CẨM TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên