Cầu siêu cho tất cả những người hy sinh vì biển đảoNhững anh hùng bất tử trong lòng Tổ quốc! Xây đền tưởng niệm 64 Anh hùng Gạc Ma - Biển Đông
Phóng to |
Những vòng hoa được thả xuống biển trong buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên vùng biển Trường Sa (tháng 5-2013) - Ảnh: nguyễn khánh |
Trả lời phỏng vấn riêng Tuổi Trẻ chiều 4-4, ông Sơn nói chuyến thăm Trường Sa của bà con kiều bào lần này là chuyến đi thứ ba, có ý nghĩa rất lớn là tiếp tục khẳng định quyết tâm bảo vệ biển đảo.
Thuyền nhân tử nạn là nạn nhân chiến tranh
* Được biết chuyến đi thứ ba này có sự tham dự của một số nhân vật chống đối, ông có thể tiết lộ gì thêm?
- Chuyến đi này chúng tôi đã vận động, mời về một số nhà báo, một số người xưa nay vẫn chống đối rất cực đoan. Cách đây hơn một tuần, tôi đã đi công tác nước ngoài và vận động, đưa về một số người cực đoan, chống đối quyết liệt để họ đến với Trường Sa nhằm chứng minh những việc chúng ta đang làm.
Tôi tin rằng những người này về sẽ tiếp tục chứng kiến để khẳng định sự thật, chân lý mà chúng ta đang thực hiện, để bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo. Chuyến đi lần này thêm một lần nữa khẳng định với kiều bào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng để khẳng định kiều bào là một phần không thể tách rời của cộng đồng dân tộc VN, họ đã và đang đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo. Chuyến đi cũng thêm một lần nữa nhắn nhủ với bà con kiều bào rằng chúng ta đang làm tốt nhiệm vụ thay họ giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc.
Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cũng kế thừa truyền thống đại đoàn kết của các chuyến đi trước là mời đại diện sáu tôn giáo lớn tham dự, sẽ tổ chức các lễ cầu siêu ở đảo Trường Sa Lớn và trên đường đi cho những anh hùng liệt sĩ của Quân đội nhân dân VN đã hi sinh trong quá trình bảo vệ biển đảo. Chúng ta cũng ghi nhận sự hi sinh của những người lính VN cộng hòa trong lực lượng hải quân đã bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.
Chúng ta cũng tưởng nhớ và thương tiếc những người dân VN vô tội đã ra đi và bị chết trong cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980. Chúng tôi coi những thuyền nhân tử nạn là những nạn nhân chiến tranh, ra đi vì bị tuyên truyền, kích động bởi thông tin một chiều, bởi khó khăn về đời sống kinh tế và nhiều nguyên nhân khác, vậy thì hãy cầu siêu để linh hồn họ được siêu thoát trên vùng biển quê nhà. Qua đó chúng ta cũng mong muốn vùng biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hữu nghị, còn chủ quyền của chúng ta thì chúng ta phải kiên quyết giữ, những khu vực, hòn đảo đang bị chiếm đóng trái phép tạm thời thì chúng ta sẽ đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để đòi lại.
* Việc tổ chức lễ cầu siêu cùng lúc cho các liệt sĩ Quân đội nhân dân VN, quân nhân VN cộng hòa và các thuyền nhân tử nạn có thể tạo ra những tâm tư khác nhau, xin ông giải thích rõ ý tưởng và mong muốn của việc này?
"Hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi nếu không có những giải pháp đột phá, nếu không có những con người tiên phong dám ngồi lại với nhau, không có những cầu nối chân thành" |
- Tôi cho rằng chúng ta là những người chiến thắng, đã có công thống nhất đất nước sau một thời kỳ dài đấu tranh gian khổ để chống thực dân và đế quốc. Hoàng Sa bị mất trong khi vẫn còn chính quyền VN cộng hòa ở miền Nam. Lịch sử để mất Hoàng Sa chúng ta đã biết quá rõ, đó là thời điểm chúng ta đang phải tập trung lực lượng để thống nhất đất nước, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Chúng ta cũng hiểu sự hi sinh, mất mát to lớn của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Chính vì vậy sau khi thống nhất đất nước, hội nhập với thế giới, từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế thì chúng ta cũng không quên một bộ phận rất nhỏ trong số những người VN đang định cư ở nước ngoài còn mang trong lòng mình sự hận thù. Bằng chính sách đại đoàn kết dân tộc, chúng ta chân thành kêu gọi họ hãy trở về để tận mắt chứng kiến những việc chúng ta đang làm, để xây dựng một nước VN đoàn kết, độc lập, tự do, phát triển. Tuyệt đại đa số kiều bào, 90% trong số 4,5 triệu người đang sống ở nước ngoài, đã trở về đất nước để thăm viếng, đầu tư, góp một nguồn lực to lớn cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Việc chúng tôi tổ chức các lễ cầu siêu cho những người đã ngã xuống, trong đó có những binh sĩ thuộc quân lực VN cộng hòa, họ đã không cầm súng chống lại chúng ta mà đã kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đến cùng, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân. Việc làm này thêm một lần nữa khẳng định rằng dân tộc VN là một, chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa là nhất quán và rõ ràng với các bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể chối cãi.
Cầu siêu cho những người lính thuộc quân lực VN cộng hòa đã hi sinh tại Hoàng Sa cũng khẳng định chúng ta công tâm, thành tâm ghi nhận công lao của những người con ưu tú đã chiến đấu, hi sinh vì sự vẹn toàn của đất mẹ - Tổ quốc VN. Tôi mong muốn rằng chúng ta sẽ thực hiện những việc đại nghĩa như thế này cho đến khi vùng biển Đông thuộc chủ quyền của chúng ta không còn tranh chấp. Chúng ta sẽ đấu tranh đòi lại chủ quyền trên những vùng biển, hòn đảo đang tạm thời bị chiếm đóng. Và chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động này cho đến khi bà con cô bác người Việt trên khắp thế giới quy tụ về một mối, không còn hận thù và chia cắt trong lòng dân.
Phải bằng tấm lòng thành
* Ông đã làm thế nào để thuyết phục những người đối lập trở về tham gia các đoàn thăm Trường Sa?
- Hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi nếu không có những giải pháp đột phá, nếu không có những con người tiên phong dám ngồi lại với nhau, không có những cầu nối chân thành. Trong rất nhiều năm qua, một số bà con cô bác chúng ta ở bên ngoài đã nghe thông tin một chiều, hiểu không đúng về tình hình đất nước, đặc biệt là chủ quyền biển đảo. Tôi nghĩ rằng việc xây dựng cầu nối giữa nhân dân trong nước với những tổ chức, cá nhân còn chống đối thì trước hết phải bằng tấm lòng thành. Chúng ta là những người chủ đất nước thì phải đến với họ bằng sự chân thành để xóa đi những mặc cảm, những suy nghĩ cực đoan. Qua các cuộc tiếp xúc, bằng các hoạt động khác nhau, chúng tôi đã thể hiện tinh thần như vậy và ngày càng nhiều người trong số họ có mong muốn trở về để tận mắt chứng kiến thực tế đất nước.
* Thưa ông, việc thuyết phục các cơ quan chức năng của VN để những người chống đối được trở về có khó khăn không?
- Rất là khó khăn. Để cho những người đó trở về thì trước hết chúng tôi phải làm việc với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan an ninh. Chúng tôi cũng phải có những cam kết, thỏa thuận để làm sao những người này về thật sự đem lại cho chúng ta những lợi ích chung: đó là họ sẽ có những phát biểu khách quan, có những nhìn nhận đúng đắn về thực tế đất nước. Còn lại thì mỗi cơ quan có một chức năng, nhiệm vụ và ở đâu cũng vậy, tư tưởng bảo thủ, nghi kỵ cũng vẫn còn. Ý kiến của các cơ quan có thể khác nhau, nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là kết quả cuối cùng. Tôi vẫn nói với các cơ quan truyền thông bên ngoài rằng các bạn không cần phải tô son điểm phấn thêm cho tình hình đất nước, có như thế nào quý vị cứ nói như vậy, nói đúng sự thật chứ đừng bóp méo, cắt vá, xuyên tạc.
* Ông có mong muốn đến lúc nào đó, ngoài các chuyến đi được Nhà nước tổ chức như thế này còn có các chuyến du lịch theo nhu cầu cho kiều bào và khách nước ngoài ra thăm Trường Sa?
- Đây là một ý tưởng rất tốt. Hiện nay chúng ta chưa tổ chức được việc này là do vùng biển đảo đang có tranh chấp với nước ngoài. Trong tương lai, khi công ước về Luật biển được thực thi nghiêm túc, khi các nước tôn trọng những quy tắc ứng xử cùng thiết lập, tôn trọng chủ quyền của nhau thì việc VN tổ chức các chuyến du lịch tới Trường Sa hoàn toàn có thể thực hiện được.
* Thượng tọa THÍCH GIÁC NGHĨA(trụ trì chùa Trường Sa, người sẽ chủ trì lễ cầu siêu tại Trường Sa sắp tới): Để vong linh cha ông siêu thoát và phù hộ cho đất nước
Tất cả sự việc đã xảy ra đều do thời cuộc mà nên. Hậu quả để lại của những sự việc đó làm con cháu xót xa. Tổ chức lễ cầu siêu là để nói lên nỗi niềm của con cháu thế hệ hôm nay tưởng nhớ đến cha ông đã vì những biến cố lịch sử mà phải bỏ mình. Hôm nay con cháu thành tâm mong vong linh cha ông siêu thoát và phù hộ cho đất nước. Lễ cầu siêu cũng như lời hứa của con cháu hôm nay, chúng ta nguyện ngồi lại cùng nhau xây dựng đất nước, bằng mọi cách không để chuyện súng đạn, chiến tranh, đau thương, mất mát xảy ra, chúng ta hướng đến hòa bình. Nếu có khó khăn thì lắng nghe để cùng nhau tháo gỡ. Lễ cầu siêu cũng là lời nhắn nhủ con em phải cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước. |
Hiệu quả rất to lớn Qua hai lần đi, đặc biệt là chuyến đi thí điểm đầu tiên vào năm 2012 mà chúng tôi vẫn gọi là “hành trình đặc biệt Trường Sa” để kiều bào tận mắt chứng kiến. Đặc biệt trong chuyến đi đó chúng tôi mời ba cơ quan truyền thông của người Việt ở nam California (đây là những cơ quan truyền thông xưa nay thường đưa những thông tin rất sai lệch về tình hình đất nước và chủ quyền biển đảo). Sau chuyến đi đó có thể nói hiệu quả rất to lớn, bởi họ đã tận mắt thấy được quyết tâm, nỗ lực, hi sinh và cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn của cán bộ, quân dân quần đảo Trường Sa. Qua đó kiều bào thấy được quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải; thấy được tình cảm chân thành của đồng bào trong nước đối với kiều bào ta ở nước ngoài. Đến chuyến đi thứ hai năm 2013 thì họ có những bài viết rất khách quan, trung thực về chủ quyền biển đảo, về đời sống thường nhật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Từ đó đã tạo ra được hình ảnh rất đẹp về Trường Sa đối với đại đa số kiều bào, mặc dù vẫn còn một số rất nhỏ những người cực đoan vẫn không muốn tin vào sự thật đó. Với những người vẫn chưa muốn xóa bỏ hận thù để nhìn vào tương lai thì chúng tôi vẫn đang bằng chính sách đại đoàn kết dân tộc, bằng ngọn cờ hòa hợp, hòa giải để đưa họ về chứng kiến sự thật. |
Rất xúc động Sau khi nghe tin sẽ có lễ cầu siêu các liệt sĩ Quân đội nhân dân VN, các chiến sĩ VN cộng hòa hi sinh ở Hoàng Sa và thuyền nhân tử nạn, nhiều người trong cuộc đã chia sẻ với Tuổi Trẻ niềm vui: * Bà ĐOÀN THỊ HƯƠNG(50 tuổi, Q.Lê Chân, Hải Phòng, em gái thứ ba của liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch hi sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 tại Trường Sa): Rất ý nghĩa và nhân văn Có thật là có chương trình đó à? Bố tôi năm nay 77 tuổi, còn mẹ tôi 75 tuổi. Cả gia đình tôi bao nhiêu năm nay ai cũng mong mỏi được một ngày đi ra tận nơi anh mình và các đồng đội của anh đã hi sinh để thắp một nén nhang thôi cũng thỏa lòng. Nhưng gia đình không có điều kiện, không biết đi như thế nào. Gia đình tôi may mắn đã được Nhà nước, quân đội đưa hài cốt anh tôi trở về (liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch là một trong tám liệt sĩ hi sinh trong sự kiện 14-3-1988 đã được tìm thấy). Nhưng còn biết bao gia đình khác chưa đón được con, được anh, được em mình về. Bây giờ mình có chương trình như thế thì quý quá, ý nghĩa lắm. Nếu mình làm được điều đó, tôi tin rằng thân nhân gia đình của những người có con em hi sinh và linh hồn các chiến sĩ đã nằm lại ngoài biển cả sẽ được an ủi hơn rất nhiều. Đó là một chương trình rất ý nghĩa và nhân văn. * Bà HUỲNH THỊ SINH(vợ trung tá Ngụy Văn Thà - người đã hi sinh trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974): Chồng tôi và đồng đội của ông sẽ xúc động lắm Một sự trùng hợp rất lạ: hôm nay tôi đang về quê, làm thanh minh mộ tổ tiên mình thì nhận được tin xúc động này. Lòng tôi rất vui, tôi nghĩ hương hồn chồng tôi cũng như bao đồng đội của ông nếu biết sẽ xúc động lắm. 40 năm đã trôi qua rồi, bao nhiêu hương hồn chiến sĩ của mình vẫn còn đang nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi cũng như các quả phụ khác tin rằng lễ cầu siêu này chính là một sự công nhận, tri ân những người đã đổ xương máu vì Tổ quốc. Khi về đến nhà, tôi sẽ thắp ngay cho chồng tôi nén nhang để báo tin vui này. * Ông LÊ THANH HẢI(43 tuổi - tiến sĩ, làm việc tại Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan): Háo hức một lần được ra Trường Sa Khi nhận được lời mời tham gia chuyến đi ra Trường Sa lần này, tôi rất vui mừng và háo hức. Đây là một dịp để tôi thật sự nhìn thấy tận mắt những gì mà mình đã viết, đã nghiên cứu. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của các chiến sĩ ở trên các nhà giàn, ở các đảo chìm, đảo nổi... Vì hiện tại những gì tôi có được chỉ là những nghiên cứu trên sách vở, qua hình ảnh hoặc qua các quan sát của những người khác. Đó là lý do chính mà tôi phải bỏ rất nhiều công việc, dành thời gian cho chuyến đi này. Lần này về nước để đi cùng đoàn ra Trường Sa, tôi có mang theo một số món quà nho nhỏ do các em bé người VN và Philippines sinh sống tại Ba Lan, Anh... dành tặng các em bé VN đang sống trên các đảo Trường Sa. Đây là những món đồ chơi mà các bé mong muốn chia sẻ để các bạn của mình trên các đảo thuộc Trường Sa cũng được chơi những món đồ như vậy. Qua câu chuyện mang những món quà ấy về đây, tôi mong muốn những người Việt đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, nhất là thế hệ trẻ, biết và hiểu thêm về chủ quyền biển đảo của nước mình ở biển Đông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận