19/11/2019 08:22 GMT+7

Lập lại trật tự vỉa hè: bắt cóc bỏ đĩa!

M.HƯƠNG - THU DUNG
M.HƯƠNG - THU DUNG

TTO - Gần 3 năm sau đợt cao điểm lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường được triển khai rộng khắp ở TP.HCM, đến nay phong trào có vẻ lắng lại.

Lập lại trật tự vỉa hè: bắt cóc bỏ đĩa! - Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường ở Q.Bình Thạnh bị chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán - Ảnh: THU DUNG

Rất nhiều nơi ngay tại trung tâm TP, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn xảy ra suốt cả ngày lẫn đêm. Vậy chúng ta không thể lập lại trật tự lòng lề đường?

Vẫn bát nháo, nhếch nhác

Trong nhiều ngày, chúng tôi ghi nhận ở khu vực Q.1, Q.3, Q.5... hàng loạt vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm gần hết để kinh doanh, mua bán. 

Sáng 12-11, dọc theo tuyến đường Phó Đức Chính (Q.1), nhiều người vô tư chiếm phần vỉa hè để bày biện hàng hóa ra bán. Đoạn đường gần giao lộ Phó Đức Chính - Nguyễn Thái Bình, những quầy nón bảo hiểm, mắt kính, thắt lưng bày la liệt chiếm trọn 2/3 vỉa hè. 

Nhiều du khách nước ngoài phải "liều mạng" đi giữa lòng đường, rất nguy hiểm. Trong khi đó, lòng đường của tuyến đường này từ lâu cũng là điểm được các hãng xe dừng, đậu chờ đón khách.

Cách đó không xa, các tuyến đường Lê Lai, Phan Chu Trinh, Công xã Paris (đoạn phía trước nhà thờ Đức Bà)... cũng rơi vào cảnh tương tự. Toàn bộ diện tích vỉa hè trên đường Công xã Paris bị lấn chiếm để bán cà phê, đồ ăn vặt và là nơi để xe cho khách. 

Từ 6h30 đến 10h sáng, khách uống cà phê ngồi tràn lan trên vỉa hè. Ôtô, xe máy thì đậu chật kín trên vỉa hè, lòng đường. Người đi bộ không còn kẽ hở nào để đặt chân. Đến giữa trưa, khi khách ra về hết, giấy báo, ly cà phê nhựa... bị vứt lại ngổn ngang trên đường.

Còn dọc theo tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, hai bên vỉa hè bị chiếm dụng để mua bán, đặt biển quảng cáo... Trong khi đó, lòng đường tại đây trở thành điểm đậu ôtô, xe taxi... Đặc biệt là đoạn đường ngay trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, vài chục chiếc taxi đậu hàng dài chờ khách thường xuyên gây ùn tắc, kẹt xe.

Tương tự, các tuyến đường trên địa bàn Q.5 như Châu Văn Liêm, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo... bị chiếm dụng gần hết lề đường. Nhiều người dân đi lại khu vực này đều lắc đầu chán nản bởi cảnh tượng trên đã diễn ra suốt nhiều năm nay không giải quyết được. 

Ông Nguyễn Văn Minh - một người dân sống ở Q.5 - ngán ngẩm nói: "TP nên tính toán lập thêm những điểm buôn bán tập trung cho hàng rong. Trường hợp người dân cố tình vi phạm, tái chiếm lòng, lề đường thì nên tăng xử phạt, có thể cấm kinh doanh, chứ như bây giờ không ai sợ!".

Làm theo phong trào, không hiệu quả

Theo ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, vấn nạn lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh gây ảnh hưởng lớn đến bộ mặt giao thông của TP. Sở GTVT TP cũng đã thường xuyên làm việc với các địa phương, yêu cầu chấn chỉnh. 

Khi phát hiện điểm lấn chiếm, Sở GTVT TP lập tức cử người ghi nhận, gửi thông tin đến UBND quận, huyện trực tiếp quản lý tuyến đường để kịp thời xử lý. Tuy nhiên đến nay, quá trình xử lý chưa hiệu quả, nhiều nơi bị tái chiếm nặng nề hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó Ban An toàn giao thông TP.HCM, nhìn nhận việc lập lại trật tự lòng lề đường của nhiều địa phương còn mang tâm lý làm theo kiểu chiến dịch, phong trào. Cứ rộ lên lấn chiếm thì ra quân dọn dẹp rồi thôi. Làm như vậy sẽ không bao giờ triệt để được, như bắt cóc bỏ đĩa. 

"Địa phương còn buông lỏng, thiếu quyết liệt nên mới để tình trạng buôn bán, bàn ghế tràn ra vỉa hè, dân phải đi xuống lòng đường, dẫn đến tai nạn giao thông. Mình không xử lý thì dân nghĩ có bảo kê cũng là có lý do" - ông Tường nói.

Ông Tường cho biết trong thời gian tới sẽ có đợt kiểm tra của đoàn liên ngành làm việc với các quận huyện về công tác thực hiện lập lại trật tự lòng lề đường. Từ thực tế kiểm tra, nếu quận huyện nào để tình hình lấn chiếm lòng lề đường còn phức tạp thì Ban An toàn giao thông TP sẽ làm việc trực tiếp với các quận huyện đó để yêu cầu chấn chỉnh.

Về giải pháp lâu dài, ông Tường nhấn mạnh phong trào này phải vận động được người dân tham gia, lập mô hình tự quản để nhân dân tự quản lý, giám sát. Bản thân các hộ này cam kết không lấn chiếm, đồng thời có trách nhiệm nhắc nhở người khác không đến lấn chiếm. 

Ngoài ra, cần có quy chế phối hợp giữa các tổ tự quản này với lực lượng chức năng để kịp thời thông tin, phối hợp, xử lý, xử phạt các trường hợp cố tình lấn chiếm. Việc này một vài nơi đã có mô hình khá hay, tác động tốt đến ý thức người dân như ở Q.6, H.Bình Chánh... Những mô hình này cần được nhân rộng thêm ra. Từng tổ phải có sơ kết thi đua, hộ nào làm tốt thì quận huyện, TP phải có khen thưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Tường: Cần lập tổ xử lý liên ngành

Trong trường hợp địa phương ngại đụng chạm thì đội trật tự đô thị của phường này có thể qua xử lý vi phạm ở phường kia. Tránh tình trạng xử lý kiểu đẩy đuổi, đẩy bên này lại chạy qua bên kia. Quy chế này phát huy hiệu quả nhất là với các tuyến đường kéo dài qua nhiều quận huyện.

Ngoài ra, tới đây khi tổng kết cuối năm, chúng tôi sẽ cho nắm lại những ai, địa phương nào làm tốt để tuyên dương; những ai làm chưa tốt bị phê bình, khiển trách, chuyển công tác cũng sẽ có con số cụ thể.

Cần Thơ cho phép sử dụng vỉa hè 88 tuyến đường giữ xe có thu phí Cần Thơ cho phép sử dụng vỉa hè 88 tuyến đường giữ xe có thu phí

TTO - UBND TP Cần Thơ vừa ban hành danh mục 88 tuyến đường của quận Ninh Kiều được phép sử dụng tạm thời vỉa hè để giữ xe 2 bánh có thu phí, sau khi chừa 1,5 mét dành cho người đi bộ.

M.HƯƠNG - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên