30/06/2019 13:14 GMT+7

Lấp giếng khoan để chống sụt lún: Cần nhưng chưa đủ

Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG - MINH ĐỨC
Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG - MINH ĐỨC

TTO - TP.HCM đang tiến hành trám lấp các giếng khoan để chống lún. Đó là giải pháp đúng và cần thiết, nhưng chưa đủ...

Lấp giếng khoan để chống sụt lún: Cần nhưng chưa đủ - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty cổ phần cấp nước Gia Định trám lấp giếng tại hẻm 273 Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG KHẢI

Hàng trăm ngàn giếng khoan trước đây hằng ngày hút lên hàng trăm mét khối nước ngầm, túi nước dưới lòng đất bị sụt giảm, rỗng cục bộ dẫn đến lún rồi lan dần ra. Giờ đây nước máy thay thế nước giếng, lấp giếng là chủ trương đúng đắn. Nhưng...

Giảm lún: cần những giải pháp tổng thể

Lượng nước ngầm mất đi còn do tình trạng đô thị hóa tràn lan, san lấp mặt bằng ao hồ, mương rạch để xây cất công trình khiến giảm lượng lớn nguồn nước mặt, giảm nước ngầm. Nhiều công trình công cộng hiện nay vẫn còn khoan giếng hút nước ngầm để tẩy rửa, vệ sinh và tưới cây, hoa kiểng trong công viên, mảng xanh trên đường phố.

Nhiều dự án khu dân cư sau khi san lấp đã không trả lại mặt nước tự nhiên bằng các hồ điều tiết, sinh thái hoặc nơi thấm hút nước xuống lòng đất nhằm giữ ổn định mực nước ngầm. 

Lún xảy ra ở khu vực địa tầng đất yếu, vùng trũng lại chịu tác động thêm tải trọng đô thị hóa, sụt lún diễn ra nhanh hơn. TP.HCM qua khoan trắc cho thấy phạm vi lún ngày càng mở rộng, nơi được cho là vùng đất yếu và mức độ lún nhanh nhất từ 0,8-1,2m tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cũng là nơi dày đặc nhà cao tầng dọc sông Sài Gòn.

Giải pháp giảm lún cần phải nhìn tổng thể hơn. Lấp giếng khoan là việc đúng nhưng sẽ khó giảm lún khi thiếu những giải pháp trong quản lý đô thị, trong quy hoạch, xây dựng. Nhà cao tầng sẽ càng mọc trên nền đất yếu, thành phố sẽ ngày càng lún. Đây là những nguyên nhân gây lún ngập dữ dội toàn thành phố và xử lý hậu quả nó khó gấp bội so với chuyện lấp giếng khoan.

Cần rà soát tổng thể, những khu vực xảy ra hiện tượng lún phải quyết liệt hạn chế xây nhà cao tầng, tuyệt đối không cho khai thác nước ngầm. Cần đảm bảo nguyên tắc bù bề mặt trữ nước tự nhiên bằng hệ thống hồ chứa, không gian trống để giữ nước và thấm hút xuống lòng đất nhằm giữ tính ổn định, tăng cường và bổ sung cho tầng nước ngầm.

Nước ngầm là nguồn tài nguyên, cần quản lý chặt hơn. Như tiết kiệm nước sinh hoạt, tận dụng nước thải tưới cây xanh cũng là giải pháp hạn chế khai thác nước ngầm. Về lâu dài, nên nghiên cứu hướng đến xử lý nước thải dẫn vào các hệ thống hồ chứa để tái sử dụng.

Giếng khoan: "sứ mệnh" đã hết

Đọc bài báo trên Tuổi Trẻ (ngày 28-6), tôi giật mình nhớ ra nhà tôi cũng có một giếng khoan trước sân. Từ khi có nước máy (năm 2009), giếng đã ngưng sử dụng. Lâu ngày, cả nhà tôi chỉ nhớ chỗ đó là nơi trồng cây xanh, dây leo (trước đây trồng làm tiểu cảnh, che miệng giếng).

Giếng khoan, từ lâu đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình. Nhưng hệ quả để lại cho địa chất thì còn đó. Nay, thành phố phải đầu tư chi phí không nhỏ để lấp giếng (theo Tuổi Trẻ, chi phí lấp mỗi cái giếng khoảng 1,2 triệu đồng). 

Nhiều nơi đã có khảo sát số lượng giếng khoan trên địa bàn để tìm ra "nơi nào có giếng". Có nơi có nước máy nhưng người dân không dùng, đồng hồ nước hằng tháng vẫn là 0m3 để tiết kiệm tiền nước. Điều này Nhà nước và công ty cấp nước vẫn đang vận động tuyên truyền, chưa thể cấm dùng nước giếng. Nhưng đã bắt tay thực hiện (từ tháng 6-2019 ở nhiều nơi) thì cần thực hiện nhanh, mạnh, đồng bộ sẽ tác động xã hội tốt hơn.

Lấp giếng khoan ở hộ gia đình chỉ là một trong những cách giải quyết hệ quả chuyện khai thác nước ngầm, góp phần giảm sụt lún. Mong rằng, cùng với việc đẩy nhanh chuyện lấp giếng ở nhà dân, thành phố cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc giảm khai thác nước ngầm ở các nhà máy, khu công nghiệp..., kể cả các trạm khai thác của nhà máy nước.

Lộ trình giảm khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM (ban hành kèm QĐ-UBND ngày 30-3-2018 của UBND TP.HCM): đến năm 2025, thành phố sẽ giảm lượng nước ngầm, thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật. Hiện mỗi ngày lượng nước ngầm khai thác khoảng 100.000m3, đến năm 2025 giảm còn 30.000 m3/ngày. Số trạm, nhà máy nước ngầm của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn còn hoạt động giảm từ 26 còn 2 trạm vào năm 2025.

Tôi tình nguyện trám lấp giếng

Giếng nhà tôi đã khoan hơn chục năm nay. Từ khi có nước máy, tôi chỉ sử dụng nước giếng để tưới cây, tắm giặt. Nước giếng nhìn bằng mắt thường rất trong nên tôi cũng không biết có tạp chất gì nhưng sử dụng lâu đồ giặt hay dụng cụ đựng nước bị ố vàng, mùa khô mực nước ngầm bị hụt. Vì vậy, khi được vận động trám lấp giếng, tôi đồng tình. Việc này nhằm bảo vệ môi trường, nguồn nước. Nhà chúng tôi cũng đã được cấp nước sạch đủ dùng nên lấp giếng liền thôi.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (đường Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q.Bình Thạnh)

Đất lún quá, TP.HCM lấp 100.000 giếng khoan Đất lún quá, TP.HCM lấp 100.000 giếng khoan

TTO - TP.HCM có khoảng 100.000 giếng khoan cung cấp một lượng nước khá lớn, nhưng cũng là nguyên nhân gây sụt lún đất thời gian qua. Trung bình mỗi giếng khoan được trám lấp tốn khoảng 1,2 triệu đồng.

Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG - MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên