02/06/2020 10:01 GMT+7

Lắp điện mặt trời có cần 'giấy phép con'?

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (điện mặt trời áp mái) của người dân ngày càng tăng. Vấn đề đặt ra là việc lắp đặt có cần phải cấp phép hay không?

Lắp điện mặt trời có cần giấy phép con? - Ảnh 1.

Điện mặt trời áp mái được lắp đặt ngày càng nhiều ở TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Ông P., nhà ở đường Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM), vừa lắp xong hệ thống điện mặt trời áp mái thì có người "méc" cơ quan chức năng rằng ông làm không phép. UBND Q.Tân Phú yêu cầu UBND P.Tân Quý lập biên bản vụ việc.

Chưa biết cấp phép ra sao

UBND P.Tân Quý cho biết đã kiểm tra thực tế và xác nhận việc lắp hệ thống điện mặt trời của ông P. có làm tăng chiều cao của căn nhà lên 3m so với ban đầu, diện tích hệ thống bằng diện tích mái nhà. UBND phường chỉ ghi nhận sự việc chứ chưa lập biên bản vi phạm về xây dựng.

Theo UBND P.Tân Quý, hiện Nhà nước đang khuyến khích người dân lắp điện mặt trời áp mái. UBND phường chưa xử lý trường hợp nào tương tự nên hiện tại chỉ theo dõi, chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng và giải thích với người đã phản ánh. Phòng quản lý đô thị Q.Tân Phú yêu cầu UBND các phường và Đội trật tự đô thị kiểm tra, ngăn chặn không để xảy ra việc lắp đặt điện mặt trời áp mái để chờ hướng dẫn.

Ông Nguyễn Gia Thái Bình - phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết UBND quận này nhận được nhiều đơn xin giấy phép lắp đặt điện mặt trời áp mái của các doanh nghiệp với diện tích từ vài trăm đến trên 1.000m2. 

"Đây không phải là công trình thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn hay quy hoạch về điện mặt trời áp mái nên UBND quận không biết phải cấp giấy phép ra sao. Quận đã có công văn hỏi Sở Xây dựng và sau đó được biết sở cũng có văn bản hỏi Bộ Xây dựng về những nội dung này. Vì vậy UBND quận đã liên lạc với các đơn vị xin giấy phép lắp đặt hệ thống điện mặt trời để giải thích và đề nghị các doanh nghiệp chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng" - ông Bình cho hay.

Một cán bộ cấp phép xây dựng ở Q.Thủ Đức cho biết hệ thống điện mặt trời áp mái liên quan đến an toàn của ngôi nhà và cả những công trình, con người sống xung quanh nên dù diện tích lớn hay nhỏ cũng cần có giấy phép và cần được hướng dẫn cụ thể. 

Hệ thống này lắp đặt trên cao, phải quy định chiều cao bao nhiêu, hệ thống giá đỡ như thế nào. Nếu không, chỉ cần một cơn gió lớn cũng có thể làm những tấm pin này rớt xuống gây tai nạn. "Tuy nhiên vì chưa có hướng dẫn nên UBND quận không nhận hồ sơ xin cấp phép của dân. Đến nay UBND quận chưa cấp phép cho một trường hợp nào" - cán bộ này cho biết.

Ông Đào Gia Vượng - phó chủ tịch UBND Q.7 - nói: "Có nhiều người dân liên hệ hỏi về thủ tục, tiêu chuẩn lắp đặt, nhưng quy định hiện hành chưa có. UBND quận đang nghiên cứu các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đề xuất Sở Xây dựng cấp phép cho người dân để đảm bảo kỹ thuật, an toàn, mỹ quan và không ảnh hưởng đến môi trường".

Lắp điện mặt trời có cần giấy phép con? - Ảnh 2.

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của người dân ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sở hỏi, bộ chưa trả lời

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết nếu theo quyết định số 11 năm 2017 của Thủ tướng, hệ thống điện mặt trời áp mái không yêu cầu phải có quy hoạch phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, văn bản này đã hết hiệu lực. 

Ngày 16-4 vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản hỏi ý kiến của Bộ Xây dựng liên quan đến việc cấp phép lắp đặt điện mặt trời áp mái nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời của bộ.

"Theo quy định hiện hành, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các công trình, nhà ở riêng lẻ phải có giấy phép sửa chữa, cải tạo và phải tuân thủ quy chuẩn về an toàn công trình cũng như yêu cầu không ảnh hưởng về cảnh quan, môi trường. 

Tuy nhiên chưa có quy định, quy chuẩn về an toàn điện mặt trời, chưa có quy định để xác định công suất của dự án điện mặt trời mái nhà làm cơ sở để thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế và cấp phép xây dựng" - Sở Xây dựng nhận định.

Theo Sở Xây dựng, đa số các trường hợp lắp đặt điện mặt trời áp mái đều làm tăng chiều cao của công trình, ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc mặt đứng của công trình. Như vậy, chủ đầu tư có phải làm thủ tục thỏa thuận về chiều cao của công trình với cơ quan chức năng hay không?

Theo quy định về môi trường thì dự án điện gió, điện mặt trời có diện tích dưới 50ha không thuộc trường hợp phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, khả năng ảnh hưởng đến môi trường của các tấm pin mặt trời chưa được đánh giá đầy đủ nên việc triển khai ồ ạt các dự án điện mặt trời có thể gây tác hại không nhỏ đến môi trường. Vì vậy cần phải có một quy định cụ thể về việc đảm bảo môi trường của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Trong khi cơ quan chức năng còn lúng túng khi người dân xin phép, nhiều hộ gia đình thời gian qua vẫn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trên tinh thần được làm những gì pháp luật không cấm và chính quyền địa phương cũng không có căn cứ để xử phạt. 

Theo nhiều người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, việc phải xin phép cho hệ thống nhỏ của nhà dân thì chẳng khác gì "giấy phép con".

Phải tuân thủ quy định về an toàn và bảo vệ môi trường

Đối với dự án điện mặt trời mái nhà có công suất nhỏ hơn 1 MW thì chủ đầu tư đăng ký đấu nối với công ty điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương các thông tin về công suất dự kiến, thông số kỹ thuật của tấm pin quang điện, thông số của bộ biến đổi điện xoay chiều.

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều phải có chức năng chống hòa lưới khi lưới điện không có điện và đảm bảo các tiêu chuẩn về điện áp, tần số theo quy định. Đối với dự án điện mặt trời mái nhà có công suất bằng hoặc lớn hơn 1 MW, chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời và quy hoạch phát triển điện lực.

Hoạt động đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời phải tuân thủ theo các quy định, quy chuẩn về an toàn công trình và bảo vệ môi trường hiện hành.

(trích thông tư 16 năm 2017 của Bộ Công thương về phát triển dự án điện mặt trời)

* Ông Vũ Ngọc Anh (vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng):

Vấn đề mới phát sinh

ong vu ngoc anh 2 1(read-only)

Về nguyên tắc, mọi thiết bị lắp đặt trên công trình phải bảo đảm an toàn sử dụng, an toàn kết cấu. Từ trước tới nay người dân vẫn lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà để sử dụng điện, các tấm pin mặt trời được lắp đặt trong không gian mái, tường bao mái, với trọng lượng không lớn thường không ảnh hưởng đến an toàn kết cấu mái nhà. Điều này cũng giống như nhiều người dân đổ đất, trồng cây trên mái nhà.

Tải trọng mái nhà luôn được thiết kế bảo đảm yêu cầu sửa chữa. Tất cả các công trình nhà ở có kỹ sư thiết kế đều tính toán tải trọng sửa chữa từ 70-90kg/m2 mái nhà, còn tải bình thường của sàn nhà được thiết kế chịu tải khoảng 200kg/m2. Pin mặt trời nhẹ nên khi lắp đặt, sử dụng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến an toàn kết cấu công trình.

Tuy nhiên, với những tấm pin mặt trời có tính đặc thù, đặc dụng, có trọng lượng lớn, người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời và các thiết bị đi kèm ngoài mục đích sử dụng còn có mục đích bán lại cho Nhà nước thì phải tính toán cẩn trọng. Về lâu dài, bộ sẽ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với việc lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà. Đây là vấn đề mới phát sinh nên các quy định pháp luật hiện nay chưa có. (B.NGỌC)

Mái nhỏ nếu thêm thủ tục sẽ phiền hà

1-6 lap dien mat troi tp

Công nhân lắp đặt điện mặt trời trên sân thượng tòa nhà ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Vũ - giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng (Source Energy) - cho biết việc yêu cầu phải có giấy phép sửa chữa khi lắp điện chỉ nên áp dụng cho các trường hợp lắp các tấm pin năng lượng trên sân thượng có lắp đặt giàn giá đỡ với chiều cao trên 2-3m. Theo ông Vũ, điện mặt trời áp mái chia ra 2 dạng, nếu lắp sát vào mái tôn sẽ không vấn đề gì, còn nếu lắp cao lên 2-3m tận dụng sân thượng để làm thêm một mái nhà sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, cần tính toán đến trường hợp thiên tai như gió lốc ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh.

Hiện nay, các gia đình ở TP.HCM lắp điện mặt trời với công suất phổ biến từ 3-6kWp trên diện tích từ 20-40m², tương ứng với tổng khối lượng từ 250-500kg. Ông Vũ cho rằng với trọng lượng phân tán trên toàn mái và lắp sát mái như một mái tôn thứ 2 sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu mái. Tuy nhiên, với những trường hợp lắp quá cao, cần phải gia cố nền sân thượng, khung sắt chắc chắn nên việc cần có quy chuẩn là hợp lý. Theo ông Vũ, quy trình, thủ tục lắp đặt cần hết sức đơn giản để tạo thuận lợi cho người dân, cụ thể chỉ cần có đơn gửi UBND phường - xã xin cải tạo mái nhà, không nên yêu cầu phải xin giấy phép sửa chữa. Nếu yêu cầu giấy phép xây dựng sẽ buộc người dân kèm thêm bản vẽ, sẽ sinh thêm "giấy phép con".

Ông Thái Huy Đức - giám đốc Công ty CP đầu tư Điện Xanh - cho hay thực tế có một số doanh nghiệp lắp đặt khung đỡ các tấm pin trên sân thượng chưa chắc chắn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi dông gió. Do đó ông Đức cho rằng cần chuẩn hóa trong việc lắp đặt, ví dụ như những công trình phải lên khung cao sẽ tiềm ẩn các nguy cơ thì cần xin giấy phép. Riêng với các công trình tấm pin áp sát vào mái không có khung, theo ông Đức, không nên yêu cầu xin giấy phép. Với những công trình áp mái lớn, bản thân chủ đầu tư, doanh nghiệp lắp đặt đã phải kiểm tra kết cấu, thẩm tra khả năng chịu lực thông qua một đơn vị độc lập thứ 3 để đảm bảo an toàn.

"Cần thiết ban hành quy chuẩn, song cơ chế thực hiện phải thật đơn giản, tạo thuận lợi bởi doanh nghiệp điện mặt trời hiện gặp nhiều khó khăn khi một thời gian dài không có giá điện, nay có giá thì chỉ kéo dài đến 31-12-2020, giờ lại thêm quy định này nữa sẽ ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp điện mặt trời" - ông Đức nói.

Trong khi đó, ông Vũ Đình Khánh - giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng HIGG - cho rằng với những đô thị lớn như TP.HCM cần phải có quy chuẩn chung về khung đỡ như loại sắt thép, chiều cao, kích thước, độ dày... để doanh nghiệp và người dân chiếu theo đó thực hiện. Tuy vậy, ông Khánh cho biết hộ dân ở đô thị diện tích mái rất nhỏ, nếu có quá nhiều thủ tục "con" sẽ phiền hà, dễ phát sinh tiêu cực ở khâu thẩm định nên chính sách ban hành cần phải hướng đến vừa đảm bảo an toàn, vừa khuyến khích người dân lắp đặt.

Đại diện các doanh nghiệp cung cấp hệ thống điện mặt trời áp mái cho rằng cần thiết phải có tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý việc thi công để đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần đơn giản thủ tục thay vì đặt thêm "giấy phép con". (NGỌC HIỂN)

Xin giấy phép cải tạo như đối với nhà ở

Ông Hoàng Tiến Dũng - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - cho biết việc yêu cầu về giấy phép khi lắp đặt điện mặt trời áp mái là một vấn đề rất mới, thuộc về quản lý của sở xây dựng địa phương và Bộ Xây dựng nên các cơ quan này sẽ ban hành hướng dẫn.

Theo ông Dũng, nên xem việc lắp điện mặt trời áp mái như là công trình xây dựng dân dụng, cải tạo nhà ở bình thường, chỉ cần xin giấy phép cải tạo từ cơ quan quản lý xây dựng ở địa phương. Cụ thể, ông Dũng đề xuất người dân chỉ cần xin giấy phép cải tạo, tương tự như giấy phép sửa chữa nhà ở và khi có hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan quản lý về xây dựng thì người dân sẽ dễ dàng lắp đặt hơn.

Điện mặt trời áp mái rất sôi động Điện mặt trời áp mái rất sôi động

TTO - Việc huy động nguồn điện năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngày 22-5.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên