Nhiều trường hợp người dùng camera an ninh bị 'theo dõi ngược' mà không hay biết - Ảnh: Y.T.
Đầu tháng 4-2018, một người xưng làm nghề lắp đặt camera an ninh đăng lên Facebook đoạn video có một số hình ảnh khỏa thân của chính chủ nhà.
Điều này cho thấy tài khoản quản trị camera của chủ nhà bị truy cập và "theo dõi ngược".
Do người dùng chủ quan
Theo khảo sát từ nhiều công ty an ninh mạng, rất nhiều người dùng camera an ninh tại nhà, cửa hàng, thậm chí cả doanh nghiệp nhỏ hiện nay do thiếu kiến thức về an toàn thông tin nên đã phó mặc cho bên công ty cung cấp thiết bị, dịch vụ lắp đặt.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi còn phát hiện nhiều người dùng chỉ biết bật smartphone lên, mở ứng dụng theo dõi camera từ xa là yên tâm kiểm soát mọi thứ mà không hề biết gì về tài khoản quản lý hay mật khẩu truy cập các camera.
"Tôi không biết mật khẩu, khi nào cần cứ gọi đến chỗ lắp đặt là họ sửa hết cho mình thôi” - bà M., chủ một cửa hàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia an ninh mạng cho rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ, cá nhân và gia đình hiện nay không để ý đến việc bảo vệ thông tin cá nhân. Khi các công ty dịch vụ đến lắp đặt hệ thống camera như thế nào thì họ cũng để nguyên như thế đó.
Thậm chí để tiện lợi cho việc truy cập vào theo dõi nhà, cửa hàng, nhiều người còn không thèm đặt mật khẩu hoặc nhờ luôn cả thợ lắp đặt nhớ hộ mật khẩu… để tiện sửa chữa khi có trục trặc xảy ra. Điều này vô hình trung biến họ và gia đình trở thành những người bị theo dõi thay vì cố gắng đảm bảo an ninh cho bản thân, gia đình mình.
Người dùng chủ quan, nguy cơ camera an ninh 'phản chủ' sẽ rất cao - Ảnh: Y.T.
“Do thao tác thiết lập tài khoản, chỉnh sửa phần mềm điều khiển tương đối không dễ dàng nên nhiều người dùng có thói quen nhờ chúng tôi thiết lập sẵn. Tuy nhiên khi chúng tôi khuyến cáo họ nên đổi mật khẩu theo ý mình và thường xuyên thay đổi mật khẩu này thì họ lại sợ quên và thường chọn loại mật khẩu dễ nhớ kiểu 12345678, giống mật khẩu khi thiết lập mạng WiFi tại nhà”, đại diện một doanh nghiệp cung cấp camera an ninh ở TP.HCM cho biết.
“Nguy cơ dễ thấy nhất là nơi bạn đặt camera theo dõi (cửa hàng, văn phòng, phòng khách, phòng ngủ...) lại biến thành nơi bị theo dõi bởi chính kẻ lạ hoặc những thợ lắp đặt có ý xấu. Từ việc lén lút theo dõi này, chúng có thể phát sinh những hành vi sai trái khác như: xâm phạm đời tư, ghi hình tống tiền, theo dõi thói quen để tiến hành trộm cướp…”, vị chuyên gia cảnh báo.
Nên thường xuyên đổi mật khẩu
Theo một khảo sát của Công ty an ninh mạng Bkav năm 2016, có tới 76% camera ip tại Việt Nam có thể bị xâm nhập do để nguyên mật khẩu mặc định của nhà sản xuất.
Ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, khuyến cáo người dùng phải ý thức xem camera an ninh như tài khoản ngân hàng chứa tài sản của mình.
Hình ảnh sinh hoạt riêng tư của chủ nhà có thể bị kẻ xấu tung lên mạng - Ảnh: Y.T.
“Tiền trong tài khoản ngân hàng mất còn kiếm lại được, chứ những hình ảnh sinh hoạt riêng tư bị tung lên mạng thì khó lòng xóa sạch được”, ông Vũ cảnh báo.
Ông cũng khuyến nghị tất cả người dùng camera an ninh đều nên thay đổi mật khẩu ngay từ khi lắp đặt máy. Mật khẩu được thiết lập phải đủ độ khó, không để lộ cho người khác biết và đặc biệt nên thường xuyên thay đổi mật khẩu ít nhất ba tháng một lần.
Nhiều chuyên gia an ninh mạng khác cũng khuyến cáo người dùng nên chọn mua camera an ninh có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không vì ham rẻ mà chọn những loại camera giá rẻ, trôi nổi trên thị trường hiện nay.
“Những loại camera này được thiết kế rất đơn giản từ phần cứng đến phần mềm, khiến chúng rất dễ bị xâm nhập. Nhiều sản phẩm camera bị cài cắm sẵn mã độc vào phần mã nguồn thiết bị (firmware). Thông qua mã nguồn này thì camera có thể bị xâm nhập không cần mật khẩu.
Một hacker cài đặt sẵn mã độc vào hàng ngàn camera trước khi bán ra. Sau đó chúng có thể xâm nhập hàng ngàn camera cùng lúc từ lỗ hổng firmware và kiểm soát camera vì mục đích riêng của chúng”, ông Vũ phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận