19/08/2020 10:04 GMT+7

Lao vào chống dịch, đừng chờ vắcxin

N.AN - L.ANH
N.AN - L.ANH

TTO - Việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vắcxin là tín hiệu tích cực ban đầu nhưng chưa thể giúp thế giới đẩy lùi ngay được đại dịch.

Lao vào chống dịch, đừng chờ vắcxin - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm tiểu thương chợ Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng ngày 18-8 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thông tin trên được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định trong buổi họp triển khai công tác phòng chống dịch ngày 18-8.

Dịch bệnh còn kéo dài

Từ nhận định này, Ban chỉ đạo cho rằng tính quyết định của thành công trong phòng chống dịch bệnh là sự vào cuộc của mọi người dân. Các cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm nhiều trường hợp về từ vùng dịch nhưng không khai báo, không thực hiện cách ly. Một số địa phương đã chủ động có các biện pháp chỉ đạo mới, cần thiết trong phòng chống dịch.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng do chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Vì vậy bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vắcxin mới có thể đến với mọi người. Vì thế phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Long, quyền bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Với ổ dịch ở tỉnh Hải Dương, khả năng nguồn bệnh xâm nhập từ khoảng ngày 25 đến 27-7, cùng chủng virus ở Đà Nẵng. Dự báo những ngày tới có thể có ca nhiễm mới, Bộ Y tế cho rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là hiện hữu và phải đặc biệt lưu ý, tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương.

Phòng thủ những nơi xung yếu

Hiện các địa phương, cơ quan đang triển khai các biện pháp còn khác nhau, các thành viên Ban chỉ đạo đề nghị phải có chỉ lệnh mới để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng, đặc biệt là các địa điểm xung yếu như bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung các nhóm yếu thế... đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Các chuyên gia kiến nghị Ban chỉ đạo thống nhất giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone), tính đến biện pháp "định vị cứng" giống như một số nước tiên tiến đã áp dụng cho một số đối tượng có nguy cơ cao như đeo vòng điện tử...

Ban chỉ đạo cũng nhắc nhở mọi người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.

Hà Nội: có lo ngại vì xét nghiệm COVID-19 chậm

Ngày 18-8, Hà Nội đã phát đi thông báo cho biết còn trên 18.000 người từ Đà Nẵng về từ 15-7 chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Dự kiến hôm nay (19-8) sẽ "vét" những người bị sót, đảm bảo xét nghiệm Realtime PCR đủ cho trên 74.000 người từ Đà Nẵng trở về trong thời điểm có dịch. Một chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá lẽ ra Hà Nội cũng đã hoàn tất xét nghiệm kịp thời gian này nhưng loại xét nghiệm nhanh thực hiện thời điểm đó đã không đảm bảo chính xác, buộc Hà Nội phải làm lại xét nghiệm, bỏ lỡ thời gian vàng.

Theo chuyên gia này, "thời gian vàng" tốt nhất với Hà Nội là 10 ngày kể từ khi Đà Nẵng phát hiện ca mắc đầu tiên, tức là 10 ngày sau ngày 25-7 (khi Đà Nẵng phát hiện ca bệnh 416). Tuy nhiên, đến 17-8 Hà Nội mới lấy được 48.000 mẫu bệnh phẩm của người đi Đà Nẵng về, xét nghiệm mới xong khoảng 30.000 mẫu. Ngày 19-8 lấy mẫu xong toàn bộ người đi Đà Nẵng từ 15-7 nhưng xét nghiệm sẽ chậm hơn, như vậy phải 1 tháng sau khi có ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng, Hà Nội mới xét nghiệm xong. Và hậu quả cho thấy đã có thêm những ca bệnh mới và mối nguy vẫn chưa kiểm soát được.

Quảng Trị: dịch bạch hầu lan rộng

Ngày 18-8, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị xác nhận đơn vị này vừa phát hiện thêm một ổ dịch bạch hầu mới - ổ dịch thứ ba của tỉnh, ở thôn Nguồn Rào - Pin, xã Hướng Sơn, huyện vùng cao Hướng Hóa.

Ban đầu cơ quan y tế xác định có 2 ca dương tính với bạch hầu, sau đó lấy 51 mẫu bệnh phẩm khác của người dân trong khu vực để kiểm tra thì phát hiện thêm 4 ca dương tính. Như vậy, toàn tỉnh đã có 20 người mắc bạch hầu, trong đó 5 trường hợp ở huyện Vĩnh Linh đã khỏi bệnh, 9 trường hợp ở huyện Gio Linh đã ổn định.

Đến chiều 18-8, có 4/6 trường hợp mắc COVID-19 đang được điều trị tại tỉnh này đã cho kết quả xét nghiệm âm tính (2 ca xét nghiệm 3 lần, 2 ca 2 lần).

Q.NAM

Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm 300 cán bộ y tế chống dịch tuyến đầu Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm 300 cán bộ y tế chống dịch tuyến đầu

TTO - Gần 300 cán bộ công tác ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 thuộc Sở Y tế, Tỉnh đoàn, Hội phụ nữ ở Quảng Nam đã được ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm.

N.AN - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chống dịch COVID