08/01/2019 15:40 GMT+7

Lão thính

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Lão thính là một thuật ngữ y học chỉ tình trạng giảm thính lực xảy ra ở người lớn tuổi.

Lão thính - Ảnh 1.

Cấy ghép điện cực ốc tai. Nguồn: exclusivnews.ro

Hầu hết những người trên 60 tuổi đều có tình trạng giảm thính lực. Mức độ nghiêm trọng có thể thay đổi rất nhiều từ người này sang người khác. Khi bạn có giảm thính lực, thiết bị và dụng cụ trợ thính để giúp đỡ có thể tạo một sự khác biệt lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu bạn đang quan tâm đến khả năng nghe của bạn, không nên âm thầm chịu đựng - thảo luận điều này với bác sĩ.

Cấu tạo của tai và cơ chế nghe của tai

Tai được chia thành ba phần: Tai ngoài, giữa và trong. Sóng âm thanh đi vào tai ngoài và tác động vào màng nhĩ, khiến nó rung.

Phía sau màng nhĩ, trong tai giữa, có ba xương nhỏ (xương con) là xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Những rung động truyền từ màng nhĩ đến các xương ở tai giữa. Sau đó các xương truyền những rung động đến ốc tai ở tai trong. Ốc tai chuyển đổi các rung động thành tín hiệu âm thanh rồi được gửi đến dây thần kinh thính giác để lên não và cho phép chúng ta nghe.

Lão thính là gì?

Lão thính là một thuật ngữ y học chỉ tình trạng giảm thính lực xảy ra ở người lớn tuổi. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sự giảm thính lực ở những người độ tuổi trên 55.

Giảm thính lực xảy ra dần dần, thường trong một vài năm. Cả hai tai thường bị ảnh hưởng như nhau. Thông thường là âm thanh cao (tần số cao) bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ví dụ, bạn có thể không nghe được tiếng chuông điện thoại hay tiếng chim hót. Lúc đầu bạn có thể không biết tình trạng giảm thính lực của bạn. Bạn chỉ có thể nhận ra khả năng nghe của bạn đang trở nên kém khi bạn gặp khó khăn trong việc sử dụng điện thoại hoặc trong những cuộc đối thoại ở nơi ồn ào náo nhiệt. Bạn bè hoặc gia đình có thể phải lặp lại lời nói của họ thường xuyên hơn với người giảm thính lực.

Tại sao nó xảy ra?

Hầu hết mọi người sẽ có khuynh hướng suy giảm sức nghe của mình với mức độ nhiều hay ít khi họ trở nên lớn tuổi hơn. Nguyên nhân chính xác của lão thính không được biết. Tai trong (ốc tai) chứa các tế bào thần kinh để chuyển đổi âm thanh thành các xung thần kinh được gửi tới não. Người ta nghĩ rằng hầu hết những trường hợp lão thính là do các tế bào thần kinh dường như không làm việc tốt và chúng bị hư hỏng.

Có một vài yếu tố gây ra tổn thương cho tế bào thần kinh ở tai trong, phần lớn sự tổn thương này nằm trong tình trạng lão hóa chung của cơ thể. Một số yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra tổn thương:

- Xơ cứng động mạch - xơ cứng và hẹp các mạch máu cung cấp máu đến ốc tai, làm cho máu nuôi những tế bào thần kinh ở tai giảm đi. Bệnh tim, tăng huyết áp hay đái tháo đường cũng có thể làm cho tình trạng xấu hơn;

- Tiếp xúc với tiếng ồn trong nhiều năm;

- Tiếp xúc với những chất cặn trong cơ thể;

- Tiếp xúc với một số loại thuốc trong nhiều năm;

- Hút thuốc;

- Thừa cân;

- Có một vài trường hợp lão thính là do yếu tố di truyền.

Khi tế bào thần kinh bị tổn thương đủ nhiều thì bạn sẽ nhận ra sức nghe của mình đã giảm. Hầu hết mọi người không điếc hoàn toàn. Mức độ nghiêm trọng của sự giảm thính lực thay đổi từ người này sang người khác ở cùng độ tuổi.

Tình trạng này ngăn ngừa được không?

Khả năng ngăn ngừa suy giảm thính lực do tuổi là thấp. Nếu bạn tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài có thể làm tình trạng giảm thính lực sẽ nặng hơn khi bạn lớn tuổi. Ví dụ, nếu bạn làm việc trong một nhà máy ồn ào, bạn nên đeo bảo vệ tai. Và bạn nên điều chỉnh cường độ âm thanh của các dụng cụ chơi nhạc hoặc âm thanh vừa phải trong các bữa tiệc hoặc khu vui chơi hoặc hoạt động giải trí.

Một lối sống lành mạnh có thể giúp làm giảm khả năng mất thính lực sau này. Ví dụ, tập thể dục, ăn uống khỏe mạnh và không hút thuốc. Bởi vì lối sống không lành mạnh sẽ làm gia tăng nguy cơ các bệnh như đái tháo đường , bệnh tim, tăng huyết áp và các bệnh về mạch máu. Những bệnh lý mạn tính này là yếu tố làm tăng nguy cơ giảm thính lực.

Một vài trường hợp giảm thính lực hoặc không nghe được do ống tai bị bít lấp bởi nhiều ráy tai. Vì vậy, bạn nên kiểm tra xem tai bạn có nhiều ráy tai hay không,nếu giảm thính lực do nút ráy tai, thì sau khi loại bỏ ráy tai, bạn sẽ nghe tốt hơn.

Tôi có cần kiểm tra?

Khi thấy bản thân có vấn đề về nghe bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc thính học để được kiểm tra và đánh một cách toàn diện. Ban đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra bạn có bất thường gì về giải phẫu, hay những bệnh lý như viêm nhiễm ở tai hoặc chấn thương hay sự thay đổi sinh lý (nút ráy tai) ảnh hưởng đến sức nghe hay không? Sau khi những vấn đề đó được loại trừ, bạn sẽ được đo thính lực để đánh giá mức độ suy giảm thính lực, kiểu suy giảm thính lực để đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

Phương pháp điều trị lão thính

Khi sự suy giảm thính lực chỉ ở mức độ nhẹ, không ảnh hưởng đến chất lượng giao tiếp thì bạn chỉ cần nhờ mọi người nói chuyện chậm lại và rõ hơn để bạn hiểu được nội dung giao tiếp.

Tuy nhiên, khi sự suy giảm thính lực ngày càng tiến triển xấu bạn nên sử dụng máy trợ thính để hỗ trợ việc nghe. Có nhiều máy trợ thính được bán ở các cửa hàng dụng cụ y khoa. Và bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng máy trợ thính, để lựa chọn cho bản thân loại máy phù hợp nhất.

Máy trợ thính có giúp sức nghe của tôi trở về bình thường không?

Hiện tại có nhiều máy trợ thính hiện đại hơn so với những máy thế hệ cũ, nhưng máy trợ thính cũng chỉ là một dụng cụ hỗ trợ, do đó sức nghe của bạn không thể trở về với mức bình thường như trước khi thính lực của bạn bị ảnh hưởng. Máy có tác dụng cải thiện sức nghe đang rất tệ của bạn ở thời điểm hiện tại để bạn bớt đi sự khó khăn trong giao tiếp.

Khi sử dụng công cụ này bạn cần một khoảng thời gian để thích nghi với sự thay đổi âm thanh, dường như là lớn hơn do máy đã khuếch đại âm thanh to hơn. Đôi khi người ta ngưng dùng máy trợ thính quá sớm, và không tận dụng được hết khả năng của máy. Phần lớn những người sử dụng máy trợ thính đều thấy lợi ích máy đem lại là thay đổi chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn và rất thích. Điều quan trọng là khi mua máy bạn nên nhờ người bán máy hoặc nhân viên kỹ thuật hướng dẫn đầy đủ về cách sử dụng và cách chăm sóc máy.

Có những thiết bị khác thay thế cho máy trợ thính để cải thiện sức nghe không?

Việc nhìn chuyển động môi để hiểu những gì người đối diện đang nói cũng hữu ích trong một vài trường hợp giao tiếp. Theo bản năng nhiều người giảm lực sẽ tự động nhìn cử động môi để hiểu lời nói của người đang nói. Ngoài ra, việc đọc môi có thể được chính thức dạy và học.

Bên cạnh máy trợ thính, có những thiết bị khác hỗ trợ cho những người suy giảm thính lực. Chúng được gọi là thiết bị hỗ trợ nghe. Chúng bao gồm:

- Các bộ khuếch đại điện thoại cho điện thoại thông thường;

- Điện thoại được thiết kế đặc biệt dành cho người khiếm thính;

- Thiết bị cho bạn biết khi điện thoại hoặc chuông cửa của bạn đang đổ chuông;

- Ánh sáng và các thiết bị để cho bạn biết khi thiết bị báo cháy, đồng hồ báo thức,… được kích hoạt;

- Thiết bị giúp bạn nghe ti vi, radio, âm thanh,…

Điện cực ốc tai

Nếu bạn bị nghe kém mức độ nặng, đôi khi một máy trợ thính có thể không đủ để giúp cải thiện sức nghe của bạn. Hoặc, bạn có thể đeo máy trợ thính trong vài năm, nhưng vì sức nghe của bạn tiếp tục giảm nhiều hơn, các thiết bị trợ thính có thể không còn hiệu quả. Bác sĩ có thể đề nghị bạn nên xem xét việc cấy ghép điện cực ốc tai. Đây là một thiết bị điện tử được sử dụng để giúp đỡ những người bị suy giảm thính lực nghiêm trọng. Phần bên ngoài của thiết bị được gọi là một bộ xử lý lời nói bên ngoài. Một microphone xung quanh tai tiếp nhận âm thanh. Sau đó những âm thanh này được chuyển đổi thành tín hiệu điện tử. Những tín hiệu được truyền qua da để đến phần cấy ghép bên trong nằm ở ốc tai. Thiết bị cấy ghép này cho phép dây thần kinh thính giác được kích thích mặc dù thực tế các tế bào ốc tai đã bị tổn thương. Bộ não nhận tín hiệu từ dây thần kinh thính giác và bạn có thể nghe.

Việc cấy ghép điện cực khuyến cáo là thực hiện trên những trường hợp suy giảm thính lực mức độ nặng hoặc điếc hoàn toàn mà sức nghe không cải thiện sau khi sử dụng với máy trợ thính. Điều này bao gồm những người có lão thính.

Kích thích âm điện tử là việc sử dụng các thiết bị trợ thính và điện cực ốc tai kết hợp với nhau. Điều này giúp cho việc sử dụng thính lực tần số thấp tồn tại trong tai, trong khi cấy ghép điện cực ốc tai giúp thay thế các tần số cao bị mất. Khi cả hai được kết hợp sẽ giúp hiểu được lời nói.

Cấy ghép tai giữa chủ động

Cấy ghép tai giữa chủ động là một thiết bị được cấy vào tai giữa, mà cơ chế là rung các cấu trúc tai giữa. Nó được thiết kế để sử dụng ở những người giảm thính lực từ nhẹ đến nặng, những người không thể đeo máy trợ thính thông thường./.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên