Phóng to |
Ông Tư Trì trên cánh đồng của gia đình |
Chèo chống với đời để đưa con đến trường...
Ông là Nguyễn Văn Trì, bà con thường gọi là Tư Trì, một nông dân nghèo ở vùng đất được mệnh danh là xứ khỉ ho cò gáy, mười người hết chín rưỡi là bần cố nông, theo cách nói của ông.
Mà ở cái xứ ấy (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) không biết tự thuở nào người ta có lệ “làm giàu” bằng cách sinh con nhiều, thật nhiều, để đứa cày đứa cấy, đứa chăn trâu, đứa đào sắn... và gia đình ông Tư Trì cũng không là ngoại lệ.
Nhưng khác là ông sinh nhiều không phải để mò khoai, mót lúa mà từ khi đàn trẻ còn nhỏ ông đã phóng tầm nhìn ra khỏi lũy tre làng, ra ngoài bến đò Vĩnh Phú: đám trẻ phải học để vươn lên. Chuyện đồng áng một tay ông gánh vác.
Cả chín đứa trẻ đều được đi học trường làng rồi trường huyện, trường tỉnh từ những hạt lúa mà quanh năm ông quần quật nắng sớm mưa chiều. Giờ đây ông tâm sự: “Cũng nhờ trời tôi có đau bệnh gì đâu, may chứ mình mà nằm xuống đám trẻ chỉ có đói và bỏ học...”.
Những năm 1980, tin vui đầu tiên lan nhanh về ngôi làng hẻo lánh Ninh Tiến khi con trai lớn của ông Tư Trì là Nguyễn Văn Rong trúng tuyển đại học. Nhưng với ông Tư, cùng đến với niềm vui là nỗi lo.
Ông biết mình phải bước vào cuộc chiến mới cam go hơn rất nhiều. Gia đình ông bắt đầu những chuỗi ngày khó khăn bởi ở vùng đất này muốn kiếm được đồng tiền nuôi con học đại học không phải chuyện dễ.
Hai năm sau “tai họa” lại ập đến: người con trai kế Nguyễn Văn Rêu tiếp tục thi đậu đại học, trong khi kinh tế gia đình Tư Trì gặp khó vì lúa liên tục thất mùa. Cả nhà phải trải qua những ngày ăn độn rau, cháo...
Dù vậy ông Tư Trì vẫn cắn răng chịu đựng. Mỗi khi các con về nhà, biết gia đình khổ nên ít đứa nào dám xin tiền đóng tiền học, ông thấy vậy bèn la rầy: “Lúa đầy bồ, để cha xúc cho con đi học, yên tâm đi...”, nhưng thật sự lúa không còn một hột, ông không dám nói ra.
Ông nhớ lại: “Nhìn hai con trai lớn nhường nhau nửa chén cơm nguội trước lúc khăn gói đi thi mà tôi không cầm được nước mắt. Để kiếm cái chữ cho con, hết mùa lúa tôi lại xuống ghe chèo suốt ba ngày ba đêm đến tận miệt U Minh (Cà Mau) để chặt củi vụn rồi chèo ngược lên Sóc Trăng, Ngã Bảy (Hậu Giang) bán”.
Những lúc hết củi, ông Tư Trì lại một mình chèo ghe xuống Năm Căn, Đầm Dơi (Cà Mau) bắt ba khía muối bán nhiều tháng liền. Nhiều lúc căn bệnh sốt rét rừng quái ác hành hạ, trong đầu ông đã nảy ra ý định bỏ về, nhưng nghĩ đến hình ảnh vợ con rau cháo ở quê nhà nên ông quyết tâm ở lại.
Ba khía muối bán ở Sóc Trăng không ai mua, ông chèo ghe lên tận Phong Điền, Ngã Bảy của miệt Cần Thơ, Hậu Giang để bán cho bằng được. Đêm xuống tìm chân cầu neo ghe ngủ để hôm sau bán tiếp.
Ông Tư kể: “Lúc đó mấy đứa nhỏ đi học chỉ có hai bộ đồ để thay, không có tiền mua dép nên tụi thằng Bèo, thằng Bọt học đến lớp 9 mà vẫn còn đi chân đất vào lớp. Thấy con cố học, lòng tôi lại càng cố quyết tâm làm ra đồng tiền để nuôi chữ cho con”.
Khổ cực trăm bề nhưng lúc nào gặp con ông cũng hồ hởi, tự tin: “Ối bán được bao nhiêu là tiền nè, tụi con cứ ráng học đi, tiền nhà này không thiếu...”.
Cái lạc quan trong khó khăn thiếu thốn của ông Tư kéo dài đến 20 năm vì lúc nào gia đình ông cũng có bốn người con “thường trực” ngồi trên ghế trường trung học và đại học.
Ông Tư cười khà khà: “Chú tính thử coi, chỉ một đứa học đại học cũng đủ vất vả huống chi nhà tôi lúc nào cũng có ba, bốn đứa ngồi ở trường đại học và bậc phổ thông. Nào là học phí, chi tiêu hằng ngày, mỗi năm tốn gần 50 triệu đồng. Tôi phải vay nợ trước để lo cho các con rồi tới mùa lúa mới trả. Được tiếng là nhà có trên chục công ruộng nhưng từ trước đến giờ nhà tôi chưa bao giờ có được một giạ lúa dư trong bồ”.
“Anh em nhà bác sĩ”
Cũng từ những tháng ngày vất vả ấy mà giờ đây đôi tay của ông gần như hoàn toàn mất hết cảm giác bởi hàng chục vết chai sần xuất hiện. Riêng hai bàn chân ông gần như cả đời cứ mãi bám lấy những con đường trơn trượt từ bãi biển, bìa rừng cho đến bờ ruộng nên giờ đây cứ xòe ra giống y như... cái quạt giấy, làm ông không tài nào mang được đôi giày. Ông nói thật thà: “Hai bàn chân xòe ra như vậy nên lúc ra Hà Nội dự hội nghị, cổ đeo cà vạt nhưng chân lại mang dép lê nên ai cũng nhìn tôi rồi quay chỗ khác cười”. |
Đó chính là đám con ông Tư Trì - những cái tên nghe qua ai cũng bảo “xấu ơi là xấu” nhưng bác sĩ Bèo hiện là trưởng khoa ngoại và bác sĩ Bọt đang là trưởng phòng nghiệp vụ của Bệnh viện huyện Hồng Dân.
Hôm chúng tôi về Ninh Tiến gặp bác sĩ Bèo, anh tâm sự : “Cái tên anh em tôi Bèo, Bọt, Rong, Rêu… cũng có sự tích của nó. Ông đặt tên con khi đang lênh đênh trên những dòng sông tìm kế mưu sinh nuôi con ăn học. Chúng tôi lớn lên càng thấm thía với công lao của cha. Có lúc anh em chúng tôi bàn phải có một hai đứa nghỉ học để phụ giúp cha, nhưng vừa bàn tới là ông gạt ngang: đứa nào nghỉ học là tao từ đứa đó!”.
Còn bác sĩ Bọt nhớ lại: “Thấy cha mẹ quá khó khăn, khi lên thành phố học anh em tôi quyết không về xin tiền nhà mà đi làm tự lo thân, có lúc phải đi bốc vác để có tiền đi học, ăn muối ớt quanh năm là chuyện bình thường. Hình ảnh của cha ở quê nhà luôn là chất kích thích để chúng tôi vượt mọi khó khăn”.
Mặc dù không học ngành y và “nổi tiếng” ở quê nhà như hai em Bèo, Bọt, nhưng hai người anh lớn cũng khá thành đạt trong đường đời: anh Nguyễn Văn Rong là cán bộ Công an tỉnh Bạc Liêu, Nguyễn Văn Rêu, kỹ sư cơ khí, quản đốc phân xưởng của Công ty Bao bì Sadico Cần Thơ II.
Người em Nguyễn Văn Hiếu là một kỹ sư giỏi ở cơ quan huyện, còn cô em gái Nguyễn Thị Diệu cũng trở thành bác sĩ như các anh.
Hiện nay ba người con út của ông Tư Trì là Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Cẩm Tuyết và Nguyễn Cẩm Hồng đang học khoa y ở Trường đại học Y dược Cần Thơ và TP.HCM. Ngoài ra, lão nông Tư Trì còn có hai người con dâu (vợ anh Bèo, Bọt) và một chàng rể (chồng chị Diệu) cũng đều là bác sĩ.
Điều đáng tự hào nhất đối với ông Tư Trì không phải là “anh em nhà bác sĩ”, mà chín người con ruột và sáu người con dâu, rể của ông, tất cả là 15 người đều đã đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó người có tuổi Đảng thấp nhất cũng được hai năm, đó là cô sinh viên y khoa 24 tuổi Nguyễn Cẩm Tuyết...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận