03/04/2004 15:16 GMT+7

Lão nông Tư Lù và ông chủ tịch tỉnh

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TTCN - Đó là một ông già 70 tuổi, tóc búi tó, đội nón bảo hộ lao động, lái xe máy chạy vù vù trên con lộ dọc bờ kênh Mặc Cần Dưng, nói cười ha hả giữa vùng tứ giác Long Xuyên. Ông già này nổi tiếng vì dám mang tấc lòng mình chia ba xẻ bảy với những đồng bào nghèo khó hơn mình bởi xưa ông cũng từng nghèo khó.

6YrAZomK.jpgPhóng to
Bên “công trình” cầu dây văng đầu tiên bắc qua kênh Mặc Cần Dưng

Tên trong giấy tờ của ông ghi là Lê Văn Lùng, ngụ tại ấp Tân Thành, Tân Lập, Tịnh Biên. Chủ tịch tỉnh An Giang thì giới thiệu chắc lụi: “Ông Tư Lù là bạn của tui!”.

Chủ tịch tỉnh: "Ổng rủ tôi giúp người nghèo!”

Ông Bảy Nhị, chủ tịch Tỉnh An Giang, kể: “Bữa trước tôi xuống dưới xã, ngồi ghe đi khảo sát mùa lũ. Tôi hỏi ổng: “Mùa nước nổi bà con cần cái gì nhất?”. Ổng đáp liền: “Áo phao để đi giăng câu ngoài đồng hổng sợ chết đuối”. Tui lại hỏi ổng: “Nếu mua áo phao cho bà con làm nghề giăng câu, giăng lưới thì hết bao nhiêu tiền?”. Ông nhẩm tính rồi nói: “Khoảng ba triệu rưỡi”. Rồi quay ra rủ tôi luôn: “Hay là tui với anh hùn nhau mua cho bà con đi! ”. Tôi móc hết túi cũng chỉ được 800.000 đồng, mượn thêm của anh em nữa và bỏ tiền ra hùn liền tại chỗ. Tôi còn giỡn với ổng: “Đây là tiền túi tôi bỏ ra, anh cũng phải móc tiền túi chớ hổng được lấy tiền của Hội Chữ thập đỏ à nghen”.

Ổng cười khà khà. Tính ổng lạ lắm: có 12ha đất, mỗi năm ổng dành ra 2ha, bỏ luôn tiền công chăm sóc, giống má, phân nước... dành toàn bộ thu nhập từ hai mẫu này giúp đỡ người nghèo. Năm rồi ổng mua tôn thiếc để giúp xóa nhà lá. Ổng cho tôn nhưng bắt người ta phải làm được cái sườn nhà mới được chở tôn về. Tức là ổng buộc người ta phải chủ động ứng phó với cái nghèo rồi mới giúp.

Một mình ổng cam kết tới 2005 sẽ xóa hết nhà mái lá trong xã. Ổng làm nhiều việc giúp người nghèo lắm. Hồi năm 2000, ổng được cử đi dự đại hội thi đua yêu nước ở Hà Nội đó nghen, Thủ tướng Chính phủ cũng tặng bằng khen cho ổng rồi. Đám cưới con gái tôi, nhiều cán bộ tôi không mời hết được nhưng mà tôi phải mời ổng đó. Ổng là bạn tôi mà!”.

Lão nông

1V5yuzB1.jpgPhóng to
Cho tôn thiếc lợp căn nhà này, ông đã giúp vợ chồng anh nông dân trẻ không còn phải lênh đênh trong mùa nước nổi nữa
“Ừ, đám cưới con gái ổng có mời tui thiệt. Mọi người hết hồn, tui cũng bất ngờ nhưng vui lắm. Cái bữa tui rủ ổng là hồi năm ngoái. Bữa đó trên ghe đi kiểm tra mùa lũ vùng tứ giác Long Xuyên. Tui với ổng xuất tiền túi hùn nhau mua được 40 cái áo phao. Gọi bà con tới cho mượn. Tui yêu cầu mọi người ký tên vô sổ đàng hoàng, tới cuối mùa nước nổi phải trả lại tui giữ. Tui mua là để cho bà con không bị lũ cuốn chìm khi giăng câu, thả lưới ở ngoài đồng chớ hổng phải để con nít lấy ra lội chơi mùa cạn. Cái gì ra cái nấy, áo của người nào tôi ghi tên người đó, ai mượn mà xài ẩu, năm tới tui đưa trúng cái áo đó cho xài. Có vậy bà con mới biết giữ gìn!

Thiệt ra bà con mình tốt lắm nhưng mà nhiều khi vô tâm vô tánh. Mình giúp nhưng hổng để bà con thụ động. Tại sao tui yêu cầu mọi người phải làm cái sườn nhà thì tui mới cho tôn lợp? Tại vì tui để ý làm nhà tình thương, rồi trợ giúp lũ lụt... nhiều khi Nhà nước lo từ A - Z nhiều người đâm ra ỷ lại. Từ cây cột tới cục đất, người ta coi đó là việc của Nhà nước, làm cho không thì không quí bằng công sức của mình bỏ ra, vài năm không gìn giữ là hư liền. Ai làm xong cái sườn nhà, tới chỗ tui là đếm tôn đưa liền. Thiệt ra nghèo cách mấy thì đi quơ quào cây cối cũng được mà. Còn ai thật sự không có chút gì, tui đi vận động mấy người bà con của họ: “Tui cho tôn lợp, anh chị cho nó mấy cái cây làm sườn nhà, mỗi người góp một tay cho nó có cái nhà tôn ở”. Nói vậy thì ai mà không cho, mình lại vận động được cái nghĩa, cái tình nữa...”.

Ông già Tư lẩm bẩm giở sổ ra đếm đếm rồi cười: “Vậy là làm được 51 cái rồi. Bây giờ cả xã chỉ còn 130 căn nhà lá. Tui tính tới năm 2005, từ hai mẫu đất này với sự hỗ trợ của bà con thì mình xóa hết nhà lá trong xã được rồi”.

Cây cầu dây văng kỳ lạ

“Đó là cây cầu bắc qua kênh Mặc Cần Dưng (sông Ông Tà). Tui nói cây cầu này bắc qua đây rồi đi vòng qua huyện Châu Phú nữa mà cứ bị ghe đụng sập hoài. Có khi nửa đêm bà con chạy tới cho hay: cầu bị đụng sập rồi. Vậy là phải kêu bà con ra sửa liền. Hổng sửa sao mà người lớn đi chợ, con nít đi học được! Vậy là hì hục làm cả đêm. Đêm nằm tui gác tay lên trán mà nghĩ: ghe cộ qua lại ào ào, muốn cho cầu khỏi bị sập thì đừng làm nhiều cọc quá. Hay là treo nó lên?

bK2yy9qw.jpgPhóng to
Và từ chiếc cầu đầu tiên, ông đã vận động để có hàng mấy chục chiếc cầu nối liền những đôi bờ trên vùng tứ giác Long Xuyên
Rồi tui kiếm người cháu tui là Sáu Quý (vua cầu dây văng mà TTCN đã giới thiệu). Nó mới học chừng hơn có lớp 1 nhưng sáng kiến dữ lắm. Sáu Quý rủ thêm mấy anh em tới nhà tui. Hì hục đêm này qua đêm nọ, nó vẽ ra được cây cầu. Tui mời kỹ sư trên huyện xuống coi giùm, họ lắc đầu: “Vẽ vầy coi làm sao ra? ” rồi về. Tính đi tính lại: bản vẽ kỹ sư đã coi hổng ra thì làm sao xin tiền Nhà nước được? Tui bắt đầu đi vận động dân, dân góp 18 triệu đồng. Thôi thì còn lại tui bỏ tiền túi ra. Thời may có cái đám cưới thằng con trai tui.

Tui nghĩ cách lén ăn gian bà xã: trước khi đi rước dâu, tui dặn người trong nhà: tiền đi đám không ai được mở ra, phải chờ tui về. Vậy là tui được một mớ, cộng với số tiền dành dụm có gần 40 triệu bỏ vô mua vật liệu làm cầu. Bà con cũng nhảy vô với mình làm ngày làm đêm. Ban đầu mua dây sắt về coi lại nhỏ quá, hổng chịu được sức nặng, vậy là phải mua thứ khác.

Vợ Sáu Quý đôn đả đi kiếm chồng vì suốt 23 ngày đêm anh chàng nằm lì trên nhà tui làm cầu.

Rồi tới ngày làm, có một đài truyền hình lên coi rồi về cười: làm cầu vậy đi bộ còn hổng được chớ làm sao đi xe được! Tôi ức nhưng im lặng. Cầu làm xong, lâu lâu sau đó có ông tỉnh đội phó đi ngang thấy cầu lạ, về tỉnh báo lại, tỉnh mời hai huyện Châu Phú và Tri Tôn lên hỏi ai làm. Hai huyện này lắc đầu, tới chừng coi lại của... Tịnh Biên. Tỉnh thưởng 15 triệu đông. Tôi dùng số tiền này cho Hội Chữ thập đỏ mua lúa làm quĩ để lúc bà con thắt ngặt cho mượn. Nhưng vụ này cũng là một bài học: cho mượn thì có người trả, người không, rồi số lúa cũng tiêu hết vốn liếng. Tui rút kinh nghiệm: muốn giúp bà con thì phải để bà con chủ động, hổng có làm không không được.

Tới lúc cầu Mỹ Thuận làm xong, tui bất ngờ: té ra cây cầu mình làm hồi xưa cũng là cầu dây văng, mà tác giả của nó mới học lớp... một rưỡi. Chú Sáu Quý bây giờ có một êkip làm cầu, người ta mới đi ra tới miền Trung làm cầu. Tui nói thiệt, chú Sáu đó mà học hành đàng hoàng thì làm tới cái gì nữa chớ!”. (Ông có vẻ tự hào và tiếc rẻ...).

Từ cây cầu đầu tiên, họ đã đi vận động làm được mấy chục cái cầu bắc qua những vùng kênh rạch chằng chịt của tứ giác Long Xuyên. Công sức của ông Tư Lù đi tới đâu hỏi một tiếng là người ta biết liền.

Tâm tình trên vùng tứ giác

Trên vách nhà ông treo đầy giấy khen, bằng khen từ cấp huyện, tỉnh cho tới trung ương. Các ban ngành đều ghi nhận sự đóng góp của ông trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển giao thông nông thôn, đóng góp cho tình làng nghĩa xóm...

Ông già 70 tuổi, gắn bó với vùng đất này từ hai ba đời trước. Ông ngoại ông khai phá, biến “đất lâm” hoang vu với điên điển, mồm móc... mọc lút đầu người tới “đất thuộc” chỉ làm một vụ lúa. Nhưng thời đó cũng vài ba năm là nước “láng” một lần, chẳng còn gì để ăn. Làm từ đời này sang đời nọ mà họ vẫn nghèo đói. Tới thời ông lại loạn lạc, chiến tranh, tài sản chẳng có gì.

Tới ngày hòa bình cũng còn nghèo đói, những năm 1980 còn thiếu nợ. Rồi ông mạo hiểm vay tiền mua được chiếc máy cày từ cái thời tập đoàn máy sắp rã. Với chiếc máy cày ấy, ông đã làm nên sự nghiệp khi trong một mùa làm được tới mấy chục triệu đồng. Cất được cái nhà khang trang. Đủ ăn, đủ mặc, có dư một chút ông bắt đầu làm công tác xã hội.

“Tui nói với vợ con: mình có khá giả cũng đừng có lột vỏ. Hồi xưa mình nghèo, ai cho một cắc bạc là mừng lắm rồi. Bây giờ mình chiết ra 20 công đất, coi ai có khó khăn thì mình giúp họ”. Ông già Tư Lù nói một cách tự nhiên bên vợ và anh con trai tay dính đầy dầu chai đang sửa lại chiếc xuồng tam bản: “Chiếc này cũng để dành tới mùa cho bà con ai có khó thì mượn chớ mình cũng có xài đâu”.

Vậy đó, cái lý của ông già này là một sự san sẻ mà chỉ những ai đã kinh qua cảnh ngộ, thấm thía nỗi đời trên vùng tứ giác mênh mông, sóng vỗ ầm ầm mùa lũ, nơi người ta cần dựa vào nhau để mạnh hơn trong cuộc sinh tồn.

oOo

Buổi chiều vùng tứ giác trắng mây bay. Ông phóng xe ào ào trên kênh Mặc Cần Dưng, thỉnh thoảng dừng lại thăm hỏi người này người nọ, chỉ chỏ cái nhà với những hoàn cảnh ốm đau nào đó đang chờ sự chia sẻ của mọi người. Tôi năn nỉ ông đứng lên cầu chụp mấy kiểu ảnh coi chơi bởi tướng ông đẹp lão lắm. Ông cười khà khà bước lên cầu, đứng vuốt chòm râu, nhìn tướng cũng đúng điệu dân... chơi lắm...

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên