04/05/2005 14:44 GMT+7

Lao đao làng rượu Gò Đen

Bài, ảnh: YẾN TRINH
Bài, ảnh: YẾN TRINH

TT - Nơi đây nhà nhà nấu rượu không đăng ký, nhà nhà kinh doanh rượu không kiểm nghiệm. Hàng chục ngàn lít rượu ra lò bán trôi nổi mỗi ngày.

m35agV4W.jpgPhóng to
Rượu bày bán dọc quốc lộ 1A (khu vực chợ Gò Đen)
TT - Nơi đây nhà nhà nấu rượu không đăng ký, nhà nhà kinh doanh rượu không kiểm nghiệm. Hàng chục ngàn lít rượu ra lò bán trôi nổi mỗi ngày.

Chúng tôi đến làng “danh tửu” Gò Đen nổi tiếng hàng trăm năm. Tại chợ Gò Đen, chỉ trong khu vực khoảng 200m dọc quốc lộ đã có gần 50 tiệm bán rượu...

Loạn “rượu Gò Đen” chính gốc!

Anh B. - chủ tiệm BB (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An) - chào hàng: “Muốn lấy rượu giá nào cũng có. Nếu bán cho nhà hàng thì lấy loại 15.000 - 20.000đ/ lít. Bán cho quán nhậu bình dân thì loại 5.000 - 6.000đ. Loại nào cũng 40-45 độ!”.

Tôi giả vờ ra vẻ “sành rượu”: “Loại 5.000đ/lít là anh phải pha khéo, không ngửi thấy mùi cồn sống tui mới chịu. Sau vụ mấy ông ở An Giang chết vì ngộ độc rượu, khách cẩn thận lắm”.

Chủ quán giải thích: “Đó là những chỗ khác người ta chấm thuốc rầy vô rượu, kiểu đó xưa rồi. Ở đây dùng men nấu rượu của Trung Quốc. Cồn có sẵn trong men luôn, vừa trong vừa nặng độ lại không nghe mùi cồn”.

Anh còn dặn thêm: “Loại rượu rẻ tiền này thì lúc nào cũng có. Còn rượu nếp đặc biệt ngon mua để uống, tặng bạn bè thì phải gọi điện thoại đặt trước một tuần lễ. Loại này phải ủ lâu và nấu kỹ lắm. Rượu này mà pha nước lã vô không bị chua. Hễ bán thì 20 lít cô pha ra 25 lít, để hoài cũng không sao”.

“Thượng vàng hạ cám đều có cả! - ông Nguyễn Hoàng Lâm, phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lợi, thở dài - Nguồn rượu dỏm chủ yếu bán cho khách đi đường, bán lên Sài Gòn và các tỉnh. Đã vậy các thương lái còn pha thêm nước lã với cồn nữa.

Ở làng rượu hàng trăm năm này chỉ có dân kinh doanh rượu là giàu, còn những ông bà già nấu có tiếng xưa nay giờ đã úp kháp bỏ nghề gần hết”.

Giữ chút nồng cay

Ông Tám Minh - một trong ít lão nông “nặng nợ” với những “giọt nước mắt quê hương” - ngậm ngùi: “Rượu Gò Đen có hương vị độc đáo. Nó thành di sản, là một phong cách văn hóa ẩm thực. Nếu người Nga có rượu vodka, người Nhật có rượu sake, dân Pháp thì tự hào với bordeaux thì người Việt cũng có rượu đế.

Nhiều đoàn khách nước ngoài đến nghiên cứu, kể cả bỏ đôla để mua bí quyết. Nhưng có khéo bắt chước cách mấy họ cũng không sao cất được hương vị giọt rượu Gò Đen. Vậy mà chính người Gò Đen đang đánh mất đặc sản của quê hương! Nhìn làng rượu ngày càng buôn bán rầm rộ nhưng hương vị lạt dần, đau lòng lắm! Còn một cái kháp nhỏ tui cũng ráng giữ nghề cho con cháu”.

Vừa nói ông Tám vừa đưa tôi tham quan gian bếp ấm nồng men rượu. Đúng là gian bếp chỉ còn mỗi một cái kháp tròn nhỏ đặt trên ba ông đầu rau cùng ba chiếc thùng ủ. “Ngày trước nấu ba bốn kháp, còn bây giờ nấu cầm chừng cho đỡ nhớ. Chủ yếu là nấu cho đám tiệc”.

Ông Tám vốc một nắm nếp tròn mẩy cho tôi xem rồi giải thích: “Rượu Gò Đen có nhiều nhưng uống một lần để ngất ngây say, để mềm môi nhớ đời thì rượu phải được nấu bằng chính loại nếp trồng tại địa phương (nếp mỡ, nếp mù u, nếp hương, nếp thổ địa, nếp than đen tuyền cả hạt...)”.

Sau khi chọn nếp ngon nấu thành cơm nếp, để nguội thì rắc men vào ủ bằng loại men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương...

Sau ba đêm tiếp tục chan nước rồi để ba đêm sau nữa nấu. Chỉ riêng khâu ủ men truyền thống đã mất gần một tuần (trong khi ủ bằng men Trung Quốc chỉ mất ba ngày).

Ông Tám nói: “Đặc biệt hơn nữa, cái thứ chắt lọc tinh túy của thời gian, men nồng, nếp thơm, lửa đượm này phải được chan bằng nước Gò Đen, nấu trong không khí Gò Đen mới có mùi vị đặc sắc”.

Khu vực Gò Đen, huyện Bến Lức hiện có ba xã nấu rượu nhiều nhất: Phước Lợi, Phước Hiệp, Mỹ Yên với hơn 2.000 hộ nấu rượu bán. Hàng ngàn hộ nấu rượu, hàng trăm hộ kinh doanh rượu, không biết chính xác bao nhiêu hộ nấu, bán rượu dỏm vì chưa ai kiểm tra và thống kê, nhưng ở làng rượu số hộ nấu đàng hoàng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Riêng xã Mỹ Yên có khoảng 800 hộ nấu rượu và mỗi ngày cho ra thị trường khoảng 7.000 lít. Thường rượu từ đây được chở đi bỏ mối bằng can, thùng lớn. Các tiệm bán lẻ lại chiết ra bình nhỏ rồi chế biến. Nhiều người tiếp tục pha chế lại để kiếm lời. Có nơi chế biến rượu pha cồn kiểu “trời ơi”, vô chai rồi dán mác “đế Gò Đen” bán tràn lan.

Bài, ảnh: YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên