27/07/2019 13:31 GMT+7

Lãnh đạo đơn vị có quyền thuê nhân tài và quyết định mức lương

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện cải cách tiền lương trên địa bàn thành phố với nhiều điểm đổi mới.

Lãnh đạo đơn vị có quyền thuê nhân tài và quyết định mức lương - Ảnh 1.

Ông Trương Văn Lắm - giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, thông tin về việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm tại hội nghị Thành ủy TP.HCM diễn ra đầu tháng 7-2019 - Ảnh: TỰ TRUNG

Kế hoạch này của UBND TP nhằm thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 BCH TW khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương nói trên.

Người đứng đầu có nhiều quyền hơn

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Lãnh đạo đơn vị cũng được quyền quyết định mức chi trả thu nhập cho người được thuê về làm việc tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.

Đặc biệt, riêng với TP.HCM, sau khi kết thúc việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP theo nghị quyết 54/ 2017/QH14 của Quốc hội và nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của HĐND TP, thành phố sẽ thực hiện cơ chế thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Còn đối với người lao động trong các doanh nghiệp, quy định mới đảm bảo cho các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố.

Lương khu vực công dần tiệm cận với khu vực doanh nghiệp

Bắt đầu từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn hệ thống chính trị. Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp

Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Ở khu vực công, sẽ thực hiện cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Ngoài ra, áp dụng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành do Chính phủ quy định. Chuyển xếp lương cũ sang lương mới, đảm bảo không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Về nội dung này, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu UBND TP xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức, xác định khung năng lực theo từng vị trí, tinh giản biên chế theo chỉ tiêu. Sau khi hoàn thành việc này mới có cơ sở, căn cứ để triển khai thực hiện.

Thế hệ Y phá vỡ cấm kỵ, công khai mức lương Thế hệ Y phá vỡ cấm kỵ, công khai mức lương

TTO - Với nhiều người trẻ hiện nay, minh bạch về lương thể hiện sự công bằng và bình đẳng trong công ty.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên