Xe
15/02/2024 11:19 GMT+7

Lãnh đạo Daihatsu đồng loạt từ chức, Toyota thay máu nhân sự

Sau vụ bê bối an toàn gần đây ở Daihatsu, công ty mẹ Toyota đã công bố những thay đổi đáng kể trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao và kế hoạch tương lai cho thương hiệu này.

Chủ tịch kiêm CEO Toyota ông Sato Koji (trái) và tân chủ tịch Daihatsu kể từ ngày 1-3 ông Masahiro Inoue trong buổi họp báo ngày 13-2-2024 - Ảnh: Reuters

Chủ tịch kiêm CEO Toyota ông Sato Koji (trái) và tân chủ tịch Daihatsu kể từ ngày 1-3 ông Masahiro Inoue trong buổi họp báo ngày 13-2-2024 - Ảnh: Reuters

Để giải quyết các vấn đề quản lý và ngăn ngừa tái diễn, Toyota đã công bố sự thay đổi nhân sự quan trọng trong hội đồng quản trị của Daihatsu vào ngày 13-2, có hiệu lực từ 1-3-2024. Bước đi này nhằm cải tổ và hồi sinh Daihatsu thành “công ty di động tập trung vào các phương tiện nhỏ gọn”.

“Thay máu” lãnh đạo

Ông Soichiro Okudaira sẽ không còn là chủ tịch Daihatsu từ ngày 1-3-2024 - Ảnh: Reuters

Ông Soichiro Okudaira sẽ không còn là chủ tịch Daihatsu từ ngày 1-3-2024 - Ảnh: Reuters

Theo đó, Chủ tịch HĐQT Sunao Matsubayashi, Chủ tịch/tổng giám đốc Soichiro Okudaira và Giám đốc Masahiro Yamamoto tuyên bố từ chức. Còn giám đốc bán hàng và dịch vụ khách hàng Yusuke Takeda và giám đốc quản lý Tập đoàn Toshinori Edamoto tái bổ nhiệm lại chức vị.

Chức vụ chủ tịch HĐQT sẽ bị bãi bỏ. Người lên thay vị trí chủ tịch/tổng giám đốc là ông Masahiro Inoue, vốn là CEO của Toyota khu vực Mỹ-Latin. 

Ông Masanori Kuwata (từng làm ở Lexus và Toyota Motor Kyushu) là phó chủ tịch điều hành mới, đồng hành cùng phó chủ tịch hiện tại Hiroshima Hoshika. Còn ông Keiko Yanagi sẽ lên làm giám đốc thay cho ông Yamamoto.

Đội ngũ lãnh đạo mới được kỳ vọng sẽ hồi sinh Daihatsu - Ảnh: Automortive News

Đội ngũ lãnh đạo mới được kỳ vọng sẽ hồi sinh Daihatsu - Ảnh: Automortive News

Nói về vụ bê bối, ông Inoue đã lên tiếng xin lỗi, đồng thời cho biết khi được biết về quyết định bổ nhiệm, có 4 điều đầu tiên ông nghĩ đến là:

1. Khách hàng đang sử dụng xe/đang chờ nhận xe Daihatsu

2. Tất cả các đại lý liên quan đến bán hàng và dịch vụ hậu mãi

3. Các nhà cung cấp và logistics có liên quan, đặc biệt những bên bị ảnh hưởng do tạm ngừng sản xuất

4. Chính quyền các thị trường chịu ảnh hưởng

Tuyên bố này cho thấy một khi lên nắm quyền ở Daihatsu, ông Inoue sẽ có động thái làm yên lòng các bên chịu ảnh hưởng.

Trong khi đó, phó chủ tịch điều hành Hoshika sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống vận hành liên quan đến các quy định và chứng nhận, đồng thời là người đứng đầu nhóm quản lý chất lượng của Daihatsu.

Bước đi sắp tới của Daihatsu

Ngoài những sai phạm được phát hiện hồi tháng 4 và 5-2023 liên quan đến các thử nghiệm va chạm bên hông và các bộ phận cửa xe ô tô, điều tra còn phát hiện nhiều vấn đề bất thường mới ở 174 điểm trong 25 hạng mục thử nghiệm.

Daihatsu thừa nhận tổng số mẫu xe có liên quan đến bê bối là 64, trong đó có 22 mẫu mang thương hiệu Toyota và một số mẫu mang thương hiệu Mazda, Subaru.

Sau một thời gian tạm ngừng sản xuất, Daihatsu đã tiếp tục vận chuyển mẫu xe tải Toyota Probox và Mazda Familia từ nhà máy Daihatsu ở Kyoto kể từ ngày 13-2. 

Cũng trong ngày hôm đó, Daihatsu tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp hội Công nghệ đối tác thương mại Nhật Bản (CJPT) - liên minh sản xuất chiến lược với Toyota và Suzuki Motor.

Nguyên nhân sâu xa của vụ bê bối được cho là Daihatsu đã chịu gánh nặng quá mức khả năng. Do đó, Toyota sẽ tổ chức đối thoại nội bộ với Daihatsu và các bên liên quan, đồng thời công bố các chính sách quản lý và cơ cấu mới của Daihatsu trong năm tài chính này.

Thực tế, chủ tịch kiêm CEO Toyota Koji Sato đã tiết lộ một phần tương lai của Daihatsu. Ông Sato cho biết đối với hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, Daihatsu sẽ không còn tự chịu trách nhiệm như trước, mà sẽ chuyển sang “thuê” Toyota để lên kế hoạch, phát triển và sản xuất.

Daihatsu “mới” sẽ được đặt dưới sự quản lý sâu sắc hơn từ Toyota - Ảnh: Daihatsu

Daihatsu “mới” sẽ được đặt dưới sự quản lý sâu sắc hơn từ Toyota - Ảnh: Daihatsu

Điều này được cho là liên quan đến EMCC. Đây là công ty hợp tác giữa Toyota - Daihatsu chuyên phát triển các loại xe mang nhãn Toyota được bán ra ở các thị trường mới nổi.

Trước đây, EMCC hầu như thông qua Daihatsu để đưa ra các chiến lược kinh doanh và sản phẩm cho các xe Toyota ở thị trường mới nổi, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, theo cải tổ, Toyota có thể đóng vai trò lãnh đạo EMCC và/hoặc trực tiếp tham gia vào việc phát triển, sản xuất sản phẩm của EMCC.

Ông Koji Sato cũng nhắc lại lời của chủ tịch HĐQT Toyota, Akio Toyoda, rằng Toyota luôn coi an toàn là ưu tiên hàng đầu, và đảm bảo ngăn ngừa bê bối tái diễn thông qua ba cam kết Cải cách Văn hóa doanh nghiệp, Cải cách Quản lý và cải cách Monozukuri (sản xuất) và Kotozukuri (tạo ra giá trị).

Daihatsu là một trong những doanh nghiệp ô tô lâu đời nhất Nhật Bản, trở thành công ty con của Toyota vào năm 1998.

Nổi danh với các mẫu ô tô nhỏ và xe đa dụng, Daihatsu có doanh số xe tải nhẹ bán chạy nhất Nhật Bản trong giai đoạn 2006 - 2016. Có thời kỳ, Daihatsu sản xuất được khoảng 4.000 xe mỗi ngày.

Daihatsu thiệt hại ít nhất 700 triệu USD vì gian lậnDaihatsu thiệt hại ít nhất 700 triệu USD vì gian lận

Sau vụ bê bối gian lận thử nghiệm an toàn, ước tính thiệt hại của Daihatsu có thể lên tới 700 triệu USD do nhà máy tạm ngừng hoạt động, doanh thu bán xe giảm và bồi thường cho các nhà cung cấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên