Chính trị gia Hà Lan Geert WIlders chụp hình "tự sướng" với lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc của Pháp, bà Marine Le Pen - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố ngày 16-12, các lãnh đạo này kêu gọi đoàn kết thành lập một mô hình hợp tác liên châu lục, tách biệt khỏi EU.
Họ là lãnh đạo các chính đảng theo đường lối cực hữu ở Pháp, Hà Lan, Ý… vốn đã thất bại trong các cuộc bầu cử trong nước giai đoạn từ 2016 tới nay.
Làn sóng chủ nghĩa dân tộc và dân tuý tuy vậy vẫn còn mạnh mẽ, chủ yếu khai thác tính "toàn vẹn chủ quyền" của từng nước, và xem các liên minh như EU là yếu tố khiến các nước phải chia sẻ quyền lợi, gánh vác phần trách nhiệm chung mà họ cho là không cần thiết.
Tại Prague, nhóm lãnh đạo này bàn luận xung quanh các ý kiến về tương lai của châu Âu dưới tinh thần "Vì một châu Âu của những quốc gia có chủ quyền", theo hãng tin AP.
Họ chỉ trích các chính sách nhập cư mà EU đang áp dụng, cáo buộc lãnh đạo EU về việc cố gắng tạo ra một "siêu nhà nước" do Brussels (Bỉ, nơi đặt trụ sở EU) vận hành. Đồng thời các lãnh đạo này ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump về cách tiếp cận với vấn đề nhập cư.
Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1-2017 đến nay, ông Trump dính liền với hình ảnh một lãnh đạo chống nhập cư, thể hiện một phần qua các chính sách hạn chế đi lại với công dân một số nước có đa số theo đạo Hồi.
Phát biểu tại cuộc họp ở Prague, cựu ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen - lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc, khẳng định EU đã "làm sai mọi thứ".
Bà Le Pen nói với các phóng viên: "Vì chúng tôi yêu châu Âu, chúng tôi cáo buộc EU về việc giết chết châu Âu. Chúng tôi không bài ngoại, chúng tôi chỉ là đối thủ của EU thôi. Tôi cho là có những điểm chung mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau, vì EU là một tổ chức thảm họa, đã dẫn dắt châu lục này vào chốn suy sụp thông qua việc pha loãng nó bằng những người nhập cư, bằng việc phủ định sự tôn trọng đối với các nước, và bằng việc hút cạn sự đa dạng của chúng tôi".
Ông Geert Wilders, nhà sáng lập Đảng Vì tự do ở Hà Lan - một đảng theo trường phái chống người đạo Hồi, cũng tung hứng: "Đảng của tôi tin chắc rằng Hà Lan sẽ trở nên tốt hơn khi không ở lại EU, và cả kinh tế lẫn an ninh cũng sẽ cải thiện".
Lãnh đạo tại các đảng trên từng gây sóng gió trong các cuộc bầu cử khắp châu Âu hai năm gần đây. Sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu quyết định rời EU (sự kiện Brexit), các lãnh đạo này càng được tiếp thêm động lực để tạo ra những "Frexit" (Pháp rời EU) hay "Nexit" (Hà Lan rời EU)…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận