26/04/2017 10:23 GMT+7

Cuộc chiến đơn độc của Marine Le Pen

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống Pháp giờ đây chỉ còn hai ứng viên, chính xác hơn là một ứng viên với tất cả hậu thuẫn chính trị, người còn lại đơn giản chỉ là Marine Le Pen.

Một ngày sau thất bại ê chề của các chính đảng Pháp trong cuộc bầu cử, tất cả họ giờ đây đồng lòng ủng hộ ứng viên độc lập Emmanuel Macron bằng cách kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ông này trong vòng đấu chung kết ngày 7-5.

Nếu bây giờ ông Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ thì chắc không ai nghĩ bà Le Pen có cơ hội chiến thắng một lực lượng chính trị hùng hậu như vậy. Nhưng làn sóng dân túy là một hiện tượng toàn cầu và nước Pháp cũng đang bị cuốn theo vòng xoáy.

Còn nhớ cách đây 15 năm khi gương mặt của thủ lĩnh Đảng Mặt trận dân tộc Pháp - ông Jean Marie Le Pen, cha của bà Marine Le Pen - xuất hiện trên tivi bên cạnh tổng thống khi đó là ông Jacques Chirac, cả nước Pháp đều hoảng hồn. Việc một nhân vật có quan điểm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái lọt vào vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống đủ khiến hàng chục ngàn người (con số sau đó lên gần 2 triệu) trên khắp cả nước đổ xuống đường bày tỏ nỗi hổ thẹn.

Bức tranh đó hôm nay đã khác. Khi cái tên Le Pen được xướng lên với con số kỷ lục 7,5 triệu phiếu bầu hôm chủ nhật (23-4), đa số người Pháp vẫn bình thản ngồi nhà. Nguyên nhân chủ yếu là không ai cảm thấy sốc. Thật ra, bà Le Pen rớt vòng một may ra mới gây ngạc nhiên. Các thăm dò cho thấy tuy các thế hệ người lớn tuổi ở Pháp vẫn xem cái tên Le Pen và Đảng Mặt trận dân tộc là mối nguy hiểm, nhiều người trẻ lại bỏ phiếu ủng hộ bà.

Bà Le Pen được đánh giá là khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh gần gũi, “một người hùng” đứng ra thay mặt tầng lớp lao động Pháp chiến đấu với các “kẻ thù” mang tên gọi “toàn cầu hóa”, “tự do thương mại”, “nhập cư”... Hôm thứ hai (24-4), bà Le Pen thậm chí chìa tay ra với cử tri của các chính đảng: “Đêm nay, tôi không còn là chủ tịch Đảng Mặt trận dân tộc. Tôi là ứng cử viên tổng thống, người muốn tập hợp tất cả người dân Pháp lại với nhau, vì hi vọng, thịnh vượng và an ninh”.

Đó là một nước đi khôn khéo, đặc biệt trong tình thế hầu hết các đối thủ của bà Le Pen ở vòng một đã chọn theo phe ông Emmanuel Macron. Ngoài ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon (hạng tư với 19,6% phiếu bầu) là chưa quyết theo ai, chỉ có các tổ chức Công giáo La Mã truyền thống ủng hộ ứng viên François Fillon từ chối đề cử ông Macron.

Trả lời truyền thông Pháp, các cố vấn của bà Le Pen nói họ hi vọng sẽ thuyết phục được một số cử tri của ông Mélenchon, người chia sẻ cùng một nghị trình mang hơi hướng dân túy với bà Le Pen (chống EU, NATO, toàn cầu hóa, thân Nga...).

Theo khảo sát của báo New York Times, nhiều cử tri của ông Mélenchon có thể không thích bà Le Pen nhưng họ cũng tỏ thái độ chán ghét ngang ngửa dành cho ông Macron do quan điểm ủng hộ thị trường tự do của ông này. “Đối với tôi, Le Pen hay Macron đều như nhau. Với Macron thì đó sẽ là chủ nghĩa cực đoan trong tài chính, ngân hàng” - bà Olivia Scemama, một cử tri Pháp bỏ phiếu cho ứng viên Mélenchon, nhận xét.

Dù ứng viên Macron được dự báo sẽ giành chiến thắng áp đảo trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nhiều người cũng đã cảnh báo đây không phải là một chiến thắng mặc định. Kinh nghiệm từ trưng cầu Brexit ở Anh và bầu cử ở Mỹ cho thấy ăn mừng quá sớm không phải là hay.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên